Công an TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình, vừa khởi tố vụ án hình sự Hành hạ người khác xảy ra tại trường Mầm non Sao Việt để điều tra việc cháu bé 11 tháng tuổi bị một phụ nữ nhét giẻ vào mồm.
Theo lãnh đạo địa phương, người gây ra vụ việc là chị L. Người này là em gái bà G. (chủ cơ sở mầm non) và không phải giáo viên dạy trẻ.
Theo dõi diễn biến vụ việc, nhiều người muốn biết người liên quan sẽ bị xử lý như thế nào?
Hình ảnh trong clip được ghi lại hôm 4/5. Ảnh cắt từ clip. |
Luật sư Hà Trọng Đại (Giám đốc Công ty Luật Hà Trọng Đại và cộng sự) đánh giá nhét giẻ vào mồm cháu bé là hành vi tàn ác, gây ra sự phẫn uất, giận dữ trong dư luận.
Ông Đại cho biết với hành vi hành hạ trẻ em, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Ở góc độ xử lý hành chính, hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng theo khoản 2, Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP.
Trường hợp hành vi có tình tiết cấu thành tội phạm hình sự, cơ quan điều tra sẽ khởi tố người liên quan về tội Hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo khoản 1, điều 140 luật này, người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình, nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015, sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần xem xét tình tiết tăng nặng "đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ" theo điểm a, khoản 2, Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015. Khung hình phạt áp dụng đối với trường hợp này là 1-3 năm tù.
Do sự việc xảy ra ở cơ sở mầm non tư thục, luật sư Đại cho rằng cần xem xét về giấy tờ pháp lý của cơ sở giáo dục này, đồng thời xem xét trình độ nghiệp vụ của các cô giáo.
Nếu cơ sở hoạt động trái phép hoặc giáo viên không có trình độ chuyên môn phù hợp, cần đình chỉ hoạt động trường mầm non, đồng thời xử lý nghiêm người vi phạm. Đối với giáo viên, mức xử lý cao nhất là buộc thôi việc.
Nếu cơ sở đủ điều kiện hoạt động nhưng để mất an toàn cho trẻ thì cũng cần đình chỉ hoạt động để kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của tập thể và cá nhân theo khoản 2, Điều 26 Thông tư 13/2015/TT-BGD-ĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường mầm non tư thục.
Những hình thức xử lý có thể áp dụng trong trường hợp này là nhắc nhở bằng văn bản; xử phạt hành chính; tạm ngừng công tác của cán bộ giáo viên hoặc hoạt động của cơ sở giáo dục; đình chỉ hoạt động, giải thể hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.