Năm nay, ấn sẽ được phát tại 3 địa điểm nhà Giải Vũ, phòng trưng bày và đền Trùng Hoa. Những khu vực này đã được chuẩn bị kỹ, tránh "vỡ trận" vào rạng sáng mai như một số năm.
Chiều 1/3 (14 tháng Giêng âm lịch) xung quanh khuôn viên đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định) đông đúc du khách thập phương về dâng hương, làm lễ.
Thời tiết oi bức, nhưng các con đường dẫn vào các ngôi đền thuộc quần thể đền Trần khá nhiều người.
Ba khu vực gồm: nhà Giải Vũ, phòng trưng bày và đền Trùng Hoa sẽ là 3 địa điểm phát ấn của lễ hội đền Trần năm nay. Ngay từ chiều 1/3, nhân viên, cán bộ phụ trách các khu vực đền được bố trí để chuẩn bị khu vực phát ấn vào sáng mai.
Những thanh sắt cỡ lớn được chuẩn bị rất kỹ càng. Theo dự kiến, sáng mai sẽ có hàng nghìn người xếp hàng từ rạng sáng để mua ấn, nên công tác chuẩn bị phải được đảm bảo an toàn nhất, tránh vỡ trận.
Ông Thành, một trong những người phụ trách phát ấn sáng mai cho biết theo dự kiến tối nay mới bắt đầu dựng các thanh sắt và hàng rào cho người dân xếp hàng để chuẩn bị phát ấn. Tuy nhiên, để tránh thụ động ban tổ chức bố trí người từ chiều nay để sáng mai phát ấn.
Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng ban quản lý di tích đền Trần, Phó ban tổ chức lễ Khai ấn cho biết hệ thống rào được bố trí khoa học, một chiều để tránh tình trạng hỗn loạn, kẹt cứng khi khai ấn, nhận ấn. "Chúng tôi đã phát loa tuyên truyền cảnh báo người dân chỉ mua ấn được phát chính thức bởi nhà đền. Bên ngoài có hiện tượng mua bán, trao đổi ấn ngoài khu vực đền là vi phạm quy chế tổ chức lễ hội và nội quy của ban tổ chức lễ hội", ông nói thêm.
Tại nhà Giải Vũ, nhân viên phục vụ đền tất bật dựng cột sắt và xếp lại lối xếp hàng cho người dân một cách khoa học. Để hỗ trợ lễ hội đền Trần nói chung và việc phát ấn nói riêng, ban tổ chức lễ hội lắp đặt 16 camera giám sát xung quanh khu vực đền Trần và các khu vực diễn ra các hoạt động của lễ hội. Theo đó, hệ thống giám sát, theo dõi tiếp thu hình ảnh chính tại trụ sở Công an TP Nam Định, ngoài ra tại Ban quản lý đền Trần cũng lắp đặt màn hình cùng giám sát, theo dõi.
Những hòm tiền công đức cũng được đưa đến đền Trùng Hoa, nhà Giải Vũ, nhà trưng bày.
Năm nay, Cục Văn hóa cơ sở yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định có phương án khắc phục hiện tượng phản cảm ở lễ hội đền Trần, bố trí các điểm phát ấn thuận lợi cho người dân, du khách, có phương án khắc phục hiện tượng phản cảm "đưa tiền lấy ấn".
Tại đền Trùng Hoa, những hòm công đức được chuẩn bị kỹ, phục vụ việc phát ấn.
Trong khi đó, tại đền Thiên Trường và Cố Trạch tấp nập cảnh làm lễ, dâng hương của người dân và du khách. Lễ khai ấn được tổ chức vào tối 14 tháng Giêng âm lịch. Ấn sẽ phát cho du khách bắt đầu từ 5h hôm sau.
Do quá đông, nhiều du khách phải dâng cao mâm lễ để mang vào đặt lên điện thờ bên trong đền Thiên Trường.
Thông thường, nơi đây luôn đông đúc vào dịp đầu năm mới, đặc biệt là trước thời điểm ban tổ chức làm lễ phát ấn. Đó cũng là lễ hội chính thức của đền Trần, khai mạc vào giờ Tý ngày 15 tháng Giêng hàng năm.
Du khách đến hành lễ tại đây vào dịp đầu xuân để xin và mua ấn với mong ước sẽ được thăng tiến, thành đạt trong sự nghiệp hoặc có công ăn việc làm ổn định, học hành tiến bộ.
Để tổ chức tốt lễ hội, Ban Tổ chức thành lập 4 tiểu ban nghi lễ, tuyên truyền, an ninh trật tự, hậu cần. Các tiểu ban có nhiệm vụ riêng triển khai thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông. Để đảm bảo an toàn cho lễ khai ấn, Công an tỉnh này đã huy động hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ gồm: Cảnh sát giao thông, cơ động, trật tự, công an các phường trực thuộc thành phố, dân quân tự vệ... tham gia trực chốt.
Các bãi xe số 1, 2, 3 và nhiều bãi tự phát chật kín ôtô. Giá gửi ôtô từ 50.000 - 100.000 đồng. Xe máy khoảng 5.000 đồng/lượt.
Trao đổi với Zing.vn, bà Phạm Thị Oanh, Phó chủ tịch UBND TP Nam Định - Trưởng ban tổ chức Lễ hội đền Trần 2018, cho biết để chuẩn bị cho lễ khai ấn, Ban tổ chức đã chuẩn bị đủ số lượng ấn và bắt đầu phát cho du khách từ 5h ngày 15 tháng Giêng (tức ngày 2/3) cho đến khi hết ấn.
Khai ấn Đền Trần Xuân Mậu Tuất 2017 là năm thứ 6 Nam Định thực hiện theo đề án đổi mới công tác tổ chức lễ hội Trần (gồm lễ khai ấn đầu xuân và lễ hội truyền thống Trần Hưng Đạo). Theo đánh giá của Ban tổ chức lễ hội, qua 5 năm (2012-2016) triển khai, công tác quản lý và tổ chức lễ khai ấn đầu xuân vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục như việc cướp lộc gây phản cảm. Du khách thắp hương, đốt vàng mã còn nhiều, gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường. Trong khi đó, nạn hành khất, đổi tiền lẻ đã được khắc phục.
Để hạn chế tình trạng chen lấn, xô đẩy nhau khi đi xin lộc ấn, ban tổ chức lễ hội sẽ bắt đầu phát ấn cho người dân từ 5h ngày 15 tháng Giêng (tức ngày 2/3), sớm hơn 30 phút so với năm 2016. Địa điểm phát ấn tại nhà giải vũ, nhà trưng bày và Đền Trùng Hoa. Ngày 16 tháng Giêng tổ chức tế, lễ tiết Thượng nguyên tại Đền Cố Trạch và lễ hồi kiệu Ngọc Lộ từ Đền Trần về Chùa Phổ Minh (Chùa Tháp).
Trong các ngày từ 11 đến 16 tháng Giêng (tức từ ngày 27/2 đến ngày 2/3) bên ngoài cổng ngũ môn Đền Trần sẽ diễn ra các hoạt động hội truyền thống gồm múa lân - sư - rồng, hát chèo, chầu văn, thi đấu cờ người, đấu vật, võ thuật...
Công ty điện lực Hà Nam quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Hữu Nghị, Giám đốc Điện lực Bình Lục, do đi lễ đền Trần trong giờ hành chính.