Trao đổi với Zing, một lãnh đạo của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết doanh nghiệp thời gian qua phải kiểm soát chặt chẽ sức khỏe của nhân lực điều hành bay. Với đặc thù làm việc chung theo từng kíp, không có sẵn nhân lực dự bị, việc phát hiện một trường hợp F0 có thể khiến việc duy trì quản lý bay bị đe dọa.
Chia nhóm để hạn chế rủi ro
Để ngăn ngừa nguy cơ trên, từ 1/4, VATM lên phương án, chia lực lượng lao động tại các trung tâm kiểm soát không lưu, trung tâm Kiểm soát tiếp cận và các đài không lưu (TWR) thành 3 nhóm (A-B-C), các nhóm không tiếp xúc với nhau và thay nhau chốt trực tại trụ sở.
Mỗi kíp trực trên đài không lưu sẽ làm việc 15 ngày, chủ động cách ly với bên ngoài. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang. |
Tại đài kiểm soát không lưu, nhóm kiểm soát viên không lưu A sẽ làm việc liên tục trong 15 ngày, nhóm B và C sẽ nghỉ ở nhà để thay thế nhóm A trong 15 ngày tiếp theo. Trong suốt 15 ngày, các kiểm soát viên sẽ làm việc và ăn nghỉ luôn trên đài không lưu, cách ly hoàn toàn với bên ngoài.
Khi nhóm A làm việc trên đài, 2 nhóm B và C tuyệt đối không di chuyển khi không thực sự cần thiết, hạn chế tiếp xúc với người khác. Lãnh đạo VATM cho biết với cách chia nhóm này, trường hợp 1 nhóm phát hiện có F0, 2 nhóm còn lại vẫn đảm bảo quân số để tiếp tục canh trực.
Để các nhân viên có thể cách ly 15 ngày với bên ngoài, các đơn vị đã tổ chức công tác hậu cần, đảm bảo tốt các điều kiện ăn nghỉ, sinh hoạt tại đơn vị cho nhân viên chốt trực.
Đại diện VATM cho biết thực tế có tình trạng cả 2 vợ chồng cùng làm kiểm soát viên tại 1 đài không lưu. Để trông con nhỏ ở nhà thì 2 người sẽ phải làm việc ở 2 nhóm khác nhau, không được tiếp xúc trong suốt đợt dịch.
Tần suất giảm vẫn phải tập trung cao độ
Trong giai đoạn phải chia nhỏ nhân lực ra để chốt trực, một điều thuận lợi cho VATM là khối lượng công việc quản lý bay thời điểm này đang rất thấp. Đơn cử như ngày 4/4, sản lượng quản lý bay chỉ có 327 chuyến (220 chuyến quá cảnh và 107 chuyến cất hạ cánh).
Một phòng làm việc bên trong Đài không lưu Nội Bài. Ảnh: Quỳnh Trang. |
So với sản lượng thời điểm bình ổn là khoảng 2.700 chuyến/ngày, tần suất bay hiện tại đang ở mức thấp kỷ lục. Tuy nhiên, lực lượng kiểm soát viên vẫn phải làm việc tập trung, đảm bảo an toàn bay và giữ vững quyền thông báo bay trên đất liền lẫn vùng công hải được giao quản lý.
Trao đổi với Zing, một chuyên gia hàng không cho biết các doanh nghiệp quản lý bay không chỉ cung cấp dịch vụ điều hành bay mà còn duy trì lợi ích quốc gia thông qua việc quản lý các FIR (vùng thông báo bay bao gồm phần đất liền và vùng công hải quốc tế).
Hiện, Việt Nam đang điều hành FIR Hà Nội và FIR Hồ Chí Minh với cơ sở hạ tầng hiện đại và đội ngũ kiểm soát viên không lưu chuyên nghiệp. Các chuyến bay quá cảnh qua vùng thông báo bay của quốc gia nào sẽ phải trả chi phí điều hành bay cho quốc gia ấy.
"Trường hợp dịch bệnh khiến đội ngũ kiểm soát viên tê liệt, Việt Nam không còn đủ năng lực điều hành bay thì FIR có nguy cơ rơi vào tay quốc gia khác thông qua sự điều phối của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO", vị này phân tích.
Trong 15 ngày cách ly toàn xã hội, VATM đã kích hoạt cấp độ cam - mức độ phòng dịch cao nhất - tại các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay như Trung tâm Kiểm soát không lưu Hà Nội (ATCC Hà Nội), Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài, Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh, Trung tâm Kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất, Đài Kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất...
Các đài kiểm soát không lưu tại sân bay địa phương và các đài, trạm thông tin dẫn đường giám sát còn lại được kích hoạt cấp độ 2 (màu vàng).