Sách Việt án lần theo trang sử cũ (tác giả Trần Đình Ba) kể lại những vụ án nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Được sự đồng ý của NXB Tổng hợp TP.HCM, Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách.
Dân gian ta có câu:
Tử vi xem bói cho người,
Số thầy thì để cho ruồi nó bâu.
Ý chỉ mấy thầy bói toàn đoán mò để bịp thiên hạ. Ấy nhưng, có thầy bói dù bấm độn sai bét, đã không lấy làm thẹn, còn kiện người ta lên tới quan trên, để rồi kết quả nhận lại là sự xấu hổ. Đơn cử như việc dưới đây.
Chuyện xảy ra tại đất Hội An thế kỷ XVII, được ghi lại qua tác phẩm Con trời ngã xuống đất đen (Việt sử chí dị) của cố nhà báo Đào Trinh Nhất. Trước đó, trong Bulletin des amis du vieux Hué (Những người bạn cố đô Huế) đã có ghi lại sự vụ với bài “Trên cầu Faifo thế kỷ XVII câu chuyện bi hài” của Léopold Michel Cadière (1869 - 1955), nhà Huế học người Pháp, cũng là chủ bút của tập san Đô thành Hiếu cổ .
Thầy bói mù ở Lai Viễn Kiều
Hội An lúc ấy được gọi là Faifo, trung tâm đô hội không chỉ của đất Quảng mà của cả phía bắc xứ Đàng Trong, nơi tấp nập thuyền buôn của người Tây dương qua lại trên sông, phố xá mọc lên cả của người Minh Hương (người Hoa) và người Nhật Bản. Chùa Cầu cũng bởi thế được dựng. Năm 1719 Chúa Nguyễn Phúc Chu đến thăm và đặt tên là Lai Viễn Kiều. [...]
Dạo ấy dân tình thường họp chợ hai bên cầu, chỉ để hở một lối đi ở giữa. Bên cạnh muôn những hàng nọ thức kia của bà con xa gần đem đến bán buôn, có cả mấy chiếu bói được dùng làm nơi xem số má, đoán âm dương của các vị thầy bói tứ phương đến hành nghề. Trong đó có một ông thầy bói mù luôn đắt hàng vì được tiếng là gieo quẻ đoán việc như thần, đến nỗi dân quanh vùng dù không biết tên, nhưng cứ nói “thầy ma xó” là biết.
Tranh Xem bói của Thang Trần Phềnh. |
Mỗi sáng “thầy ma xó” lại được một thằng bé dắt đến Chùa Cầu, giải chiếu ngồi một góc. Thiên hạ nghe đồn thì cứ kéo đến nườm nượp, đợi đến phen mình được thầy gieo quẻ. Việc làm ăn của thầy cũng bởi thế mà khấm khá, đắt hàng quanh năm suốt tháng. Còn dân ta thì vốn nhiều người một chữ bẻ đôi không biết, lại tin vào quỷ thần, nên thầy phán đúng vài phần, đã lấy làm sung sướng lắm rồi. Nhưng dạo ấy, theo thuyền buôn Tây dương, những cố đạo của cựu lục địa cũng đã đến truyền giáo xứ Nam Hà từ lâu. Trong số đó, có cố đạo Bénigne Vachet người Pháp.
Cố đạo Vachet không chỉ chuyên về việc đạo, mà còn biết cả thiên văn, y học và thông thạo ngôn ngữ, phong tục nước ta. Giảng đạo ở Đàng Trong, ông được chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) trọng đãi, cho tự do đi lại trong xứ. Nhân một lần qua Chùa Cầu, để ý việc bói toán như thần của “thầy ma xó”. Vốn có chút kiến thức khoa học, nên cố đạo Vachet không lấy làm vui vì trò mê tín ấy. Từ đó, ông quyết tâm làm sáng tỏ chân tướng thầy bói mù để triệt cái trò lừa bịp dân lành nơi Chùa Cầu. Nghĩ là làm…
Vụ án người đàn ông có chửa
Trong bài “Trên cầu Faifo thế kỷ XVII câu chuyện bi hài” của L. Cadière đăng trong Bulletin des amis du vieux Hué (Những người bạn cố đô Huế) có cho hay vụ việc xảy ra khoảng năm Giáp Dần (1674), hoặc năm Ất Mão (1675) đời chúa Hiền.
Dạo ấy, có anh lính thuộc dinh quan Tổng trấn Quảng Nam vì mộ đạo mới nên theo. Có lần, anh chàng đến thăm cố đạo Vachet. Anh lính trẻ này đặc biệt là có giọng nói mềm như chị em nữ giới, được dân tình gọi là cậu Sáu. Nghe tiếng mà chưa thấy người, đa phần tưởng anh là thiếu nữ. Gặp anh chàng, bỗng cố đạo Vachet nảy ra một ý hay. Thế rồi theo lời dặn của cố đạo, anh lính đi đến Chùa Cầu.
Bìa sách Việt án lần theo trang sử cũ. |
Cũng như nhiều người đến đây, anh lính trong bộ binh phục ghé lại chiếu bói của “thầy ma xó”. Đến phiên mình, lẳng lặng ngồi xuống, anh lấy một tiền đặt quẻ vào đĩa của thầy, rồi thẽ thọt như thiếu nữ đôi mươi:
- Cụ làm ơn xem hộ cháu một quẻ bản mệnh.
“Thầy ma xó” nghe tiếng tiền gieo trên đĩa, hớn hở nói với “thiếu nữ”:
- Không hay không lấy tiền! Cô chửa đến xem lần nào và không nghe tiếng tôi đó chăng?
- Dạ, nghe tiếng cụ xem hay, nên con mới đến ạ. - Anh Sáu lại cất lời đáp. Còn người xung quanh thì ôm miệng không dám cười vì thầy bói đoán nhầm anh là phận nữ.
- Ừ, có thế chứ! - “Thầy ma xó” tự đắc. - Thế cô hỏi việc gì? Hôn nhân hay gia sự?
“Thiếu nữ” lại thẽ thọt:
- Thưa cụ, cách đây dăm tháng, nhà cháu đã dọn ra ở riêng. Dạo này sao sáng nào thức dậy, cháu cũng thấy tim nhảy thon thót, chân tay bải hoải. Xin cụ xem hộ bản mệnh cháu có gì lo ngại không.
“Thầy ma xó” nghe xong, nâng đĩa lên ngang mày, lầm rầm khấn, rồi gọi nào Chu Công, Khổng Tử đến cả Trần Đoàn lão tổ… xong hạ đĩa lấy ba đồng tiền gieo quẻ. Xong xuôi, thầy cười hề hề mà phán rằng:
- Sướng cho nhà cô nhé. Cô đã có thai, mà lại là con giai. Có chịu thầy không nào?
Người nghe xung quanh thấy phán thế thì không khỏi cười ồ lên. Còn anh lính nghe xong, liền đứng phắt dậy:
- Á! Đồ nói láo. Người ta là đàn ông mà lại bảo có chửa, đẻ con trai. Cổ kim có ai đàn ông đẻ con bao giờ.
Nói rồi, anh đưa tay vả đánh bốp vào má “thầy ma xó” phán quàng, phán xiên một cái rõ kêu. Xong phủi đít bỏ đi luôn. Còn thiên hạ thì được phen cười rầm rầm cả Chùa Cầu. Riêng “thầy ma xó” đoán sai, vừa thẹn vừa tức, mắng vốn:
- Trời ơi! Đứa nào hỗn láo thế? Bà con bắt nó giùm tôi.
Người xung quanh ồn ào:
- Cậu Sáu, lính của quan Tổng trấn đấy. Ai bảo thầy đoán nó có mang.
- Vậy thì tôi phải kiện cho nó mất đầu mới được. - “Thầy ma xó” nói xong, cuốn chiếu dông thẳng.
Chùa Cầu ngày nay. |
Mà thầy kiện thật. Bởi ở đất Đàng Trong bấy giờ, ai phạm vào người già yếu, đui mù thì tội nặng lắm. Mà cậu Sáu lại còn tát cả thầy nữa, khác gì phạm đến quỷ thần. Vụ án được ông thầy bói mù thưa lên quan Tổng trấn Quảng Nam, theo L. Cadière thì đó là Tống Phúc Khang. Anh Sáu lập tức được triệu đến. Ấy nhưng sau khi nghe rõ đầu đuôi câu chuyện, quan Tổng trấn lấy làm khoái chí vì cách trừng phạt này.
Lại biết người chủ mưu là cố đạo Vachet mà ông vốn có cảm tình, bèn mời cố đạo đến, cùng nhau bàn bạc để gỡ tội cho anh Sáu. Bởi xúc phạm người mù không tự vệ được là đáng tội chém đầu. Nhưng tội liên quan đến mạng người, chỉ chúa Hiền mới có quyền quyết định. Quan Tổng trấn lại có người con gái làm vợ chúa Hiền, mẹ của chúa Nghĩa sau này, bèn viết một lá thư cho con.
Anh Sáu bị giải ra Phú Xuân. Bà vương phi tiếp được thư của cha, liền tâu việc lên chúa Hiền. Hôm sau, anh Sáu tay bị trói, cổ bị gông, được đưa ra giữa sân điện có đủ mặt quan viên. Rồi chúa Hiền thuật lại chuyện:
- Ta muốn biết ý kiến chư khanh đối với tội án của tên lính này, nên nghị sự thế nào cho phải. Đầu đuôi việc nó phạm tội chỉ có thế này: Trên cầu ngói ở Hội An có một người mù vẫn ngồi ở đấy xem bói, và nổi tiếng tài nghệ tuyệt diệu nhất đám. Mấy hôm vừa rồi, tên lính này đi qua cầu, nhân tiện đứng lại xem thử một quẻ về bản mệnh. Vì tiếng nó nói thỏ thẻ dịu dàng hệt như đàn bà, nên lão thầy bói nghĩ nó là đàn bà thật, gieo quẻ rồi đoán châm bẩm rằng nó hiện có mang được mấy tháng và sắp đẻ con trai. Tên lính này vừa nói vừa giơ tay vả vào mặt lão thầy bói một vả mạnh quá, tí nữa lão văng xuống sông. Đồ nói láo! Người ta là đàn ông mà lại bảo có mang sắp đẻ! Ấy tội trạng của nó chỉ có như vậy chư khanh nghĩ thế nào?
Chúa nói xong thì cười ngất, còn quan viên thì cũng không nhịn được cười theo vang cả điện. Họ thưa rằng:
- Thưa chúa công, lũ hạ thần nghĩ tên lính này vả lão thầy bói là phải. Xin chúa rộng lòng châm chước cho nó nhờ.
Chúa cũng lấy làm đồng tình mà tha bổng. Ngay sau đó, anh Sáu được cởi trói, tháo gông và miễn tội, lại được phát tiền lộ phí về lại dinh hầu quan Tổng trấn. Cũng kể từ dạo ấy, “thầy ma xó” biệt tăm đằng nào chẳng biết. Trong Những người bạn cố đô Huế, khi kết lại việc này, cố đạo Vachet có ghi: “Tôi thừa biết rằng suốt thời gian tôi còn ở lại Đàng Trong, không còn ai bắt gặp người mù ngồi trên cầu nữa hết”.