“Triển khai tiêm chủng với sự kết hợp giữa vaccine dựa trên công nghệ vector virus và virus bất hoạt không chỉ an toàn mà còn tạo ra khả năng miễn dịch tốt hơn”, nghiên cứu cho biết, theo Times of India. Vaccine Covishield và Covaxin có hiệu quả lần lượt là 90% và 81%.
Trước đó, vào tháng 7, một hội đồng chuyên gia thuộc Tổng cục Kiểm soát Thuốc Ấn Độ đề nghị nghiên cứu kết hợp vaccine Covaxin và Covishield. Tổ chức Kiểm soát Tiêu chuẩn Thuốc Trung ương (CDSCO) cũng đề nghị cấp phép cho các thử nghiệm tiêm vaccine bằng hai loại khác nhau.
Một nghiên cứu gần đây của các chuyên gia Ấn Độ chỉ ra rằng vaccine Covaxin, do công ty Bharat Biotech sản xuất, có hiệu quả chống lại biến chủng Delta Plus.
Biến chủng này có khả năng vượt qua hệ thống miễn dịch nhưng chỉ ở một mức độ nhất định. Điều đó sẽ không gây bất lợi cho chương trình tiêm chủng.
Một người đàn ông Ấn Độ được tiêm vaccine Covaxin. Ảnh: Reuters. |
Một nghiên cứu tương tự được thực hiện trên Covishield cho thấy loại vaccine này có thể tạo khả năng miễn dịch rất cao trước biến chủng Delta. Các nhà khoa học phát hiện nhiều bằng chứng cho thấy tế bào miễn dịch có thể chống lại protein đột biến.
Hiện có 5 loại vaccine được phê duyệt sử dụng khẩn cấp tại Ấn Độ, bao gồm Covishield, Covaxin, Sputnik V, Moderna và Janssen của Johnson & Johnson. Chính phủ ông Narendra Modi cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ và mở rộng phạm vi tiêm chủng trên toàn quốc.
Tính đến sáng 8/8, Ấn Độ đã tiêm được hơn 506 triệu liều vaccine cho người dân. Bộ Y tế Ấn Độ cung cấp hơn 520 triệu liều cho tất cả các tiểu bang.
Ấn Độ ghi nhận tổng cộng gần 32 triệu ca nhiễm Covid-19 với 427.892 ca tử vong. Số ca nhiễm hàng ngày tại Ấn Độ hiện nằm ở mức 39.000.