Nhiều phi công Ấn Độ được cấp bằng khi chỉ kịp làm quen với buồng lái. Ảnh: Flickr |
Giới chức Ấn Độ chi khoảng 44.000 USD để đào tạo một phi công. Tuy nhiên, khoản tiền này đang không được sử dụng đúng mục đích. Anupam Verma, một phi công 25 tuổi, cho biết anh nhận bằng lái máy bay sau 35 phút tập huấn trong buồng lái. Giấy phép bay của Verma chứng nhận anh có 360 giờ bay kinh nghiệm.
Theo Bloomberg, hàng chục phi công Ấn Độ nhận giấy phép bay dạng này. Số giờ bay của họ được thổi phồng. Nó giúp nhiều người chiếm đoạt phần lớn số tiền 44.000 USD mà chính phủ trả cho quá trình đào tạo. Tuy nhiên, hành động này đe dọa tính mạng các hành khách khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ngày một gia tăng ở quốc gia Nam Á.
Verma cho biết: "Tôi không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi gặp phải tình huống khẩn cấp khi đang lái máy bay. Dù có bằng lái nhưng tôi thậm chí còn không biết làm thế nào để hạ cánh. Những người như tôi không chỉ đe dọa tính mạng hành khách mà có thể xóa sổ cả một ngôi làng trong trường hợp máy bay lao xuống khu dân cư vì phi công không thể điều khiển".
Verma sinh ra trong một gia đình nghèo. Năm 2009, anh đăng ký vào trường học lái máy bay Yash ở thành phố Indore, nằm giữa Mumbai và New Delhi. Ngay trong ngày đầu tiên, Verma đã được cấp bằng sau 35 phút kinh nghiệm. Nó chỉ đủ cho anh mường tượng thế nào là điều khiển máy bay. Giáo viên hướng dẫn cho biết Verma sẽ được đào tạo thêm nhưng tất cả những gì anh ta có là 3 giờ bay thực tế.
Khi các học viên như Verma nhận thấy kiến thức quá ít, họ đã kiến nghị lên nhà trường. Tuy nhiên, thay vì được tăng thêm giờ bay, Verma bị kiện và yêu cầu trả lại số tiền 44.000 USD mà chính phủ đã hỗ trợ. Trong tháng 2, tòa án tại Allahabad yêu cầu Verma trả số tiền học phí mà anh đã nhận.
Điều tra của Bloomberg, được công bố ngày 2/6, làm dấy lên lo ngại về an toàn hàng không trong bối cảnh các vụ phá hoại có chủ ý của phi công xảy ra ngày càng nhiều. Hồi đầu năm, cơ phó trên máy bay Germanwings cướp quyền điều khiển rồi lao máy bay xuống một ngọn núi ở Pháp làm 150 người trên khoang thiệt mạng.
Năm ngoái, một máy bay của Malaysia Airlines mất tích bí ẩn cùng 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn khi thực hiện lộ trình từ Kuala Lumpur, Malaysia, tới Bắc Kinh, Trung Quốc. Các điều tra viên cho biết hệ thống định vị trên máy bay bị ngắt, dẫn tới vụ mất tích bí ẩn nhất lịch sử hàng không.
Phản ứng trước báo cáo của Bloomberg, ông M. Sathiyavathy, tổng giám đốc cơ quan Hàng không Dân dụng Ấn Độ, cho biết sẽ tiến hành đợt kiểm tra toàn diện nhằm xác định năng lực của các trường đào tạo phi công.
Trên thực tế, nhiều hãng không thể đuổi phi công dù phát hiện họ thiếu năng lực, bởi họ sở hữu giấy phép hợp lệ của cơ quan Hàng không dân dụng Ấn Độ. Nhằm giải quyết tình trạng thiếu phi công, các hãng phải bỏ ra khoản tiền khổng lồ để đào tạo bổ sung dù họ đã được cấp bằng.