Đầu tháng 5, Hiệp hội Y tế Ấn Độ cho biết “lệnh phong tỏa toàn quốc toàn diện, được chuẩn bị kỹ lưỡng, và được thông báo trước” kéo dài 10-15 ngày có thể giúp hệ thống y tế đang dàn trải của nước này có thời gian để “bổ sung vật tư và nhân lực”.
Ngày 9/5, bác sĩ Anthony Fauci, tư vấn viên hàng đầu về Covid-19 của Mỹ, cũng cho rằng Ấn Độ “cần phong tỏa và phá vỡ chuỗi lây nhiễm”.
Tuy nhiên, bài học đau đớn mà chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhận được từ lần đầu phong tỏa toàn quốc vẫn còn nguyên vẹn. Các chuyên gia cũng nhận định việc tái phong tỏa toàn quốc không thực tiễn.
Người nghèo chịu ảnh hưởng nhất nếu tái phong tỏa
Từ đầu đại dịch, Ấn Độ ghi nhận hơn 25 triệu ca nhiễm Covid-19, đứng thứ hai chỉ sau Mỹ. Hơn 270.000 bệnh nhân Covid-19 đã chết, theo Worldometer.
Theo mô hình dự đoán của Viện Khoa học Ấn Độ, với tỷ lệ lây lan hiện tại, tổng số ca nhiễm Covid-19 của nước này có thể lên đến 50 triệu ca trong từ nay cho tới ngày 11/6, với 400.000 ca tử vong.
Mô hình này cũng nhận định lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 15 ngày có thể cứu sống khoảng 100.000 người và ngăn virus lây lan tới khoảng 20 triệu người. Thời gian phong tỏa càng dài, số ca nhiễm dự kiến càng giảm, theo mô hình trên.
Nhưng lệnh phong tỏa toàn quốc cũng ẩn chứa nhiều rủi ro sức khỏe, đặc biệt là đối với nhóm người nghèo của Ấn Độ.
Lao động di cư tại Mumbai chờ tàu hỏa về quê vì lo sợ bị mắc kẹt do lệnh phong tỏa sắp tới. Ảnh: The New York Times. |
Khoảng 100 triệu người Ấn Độ là lao động di cư. Hầu hết người này di chuyển tới thành thị từ nông thôn để tìm việc làm. Trong lần phong tỏa toàn quốc đầu tiên, nhiều người trong số ấy đã bị mắc kẹt tại chỗ. Không có việc làm và cái ăn, họ bắt đầu cuộc hồi hương quy mô lớn.
Vì cả hệ thống đường sắt và biên giới đều đóng cửa, hàng trăm người cố gắng đi bộ trong nhiều tuần để vượt qua hàng nghìn dặm về nhà. Nhiều người chết trên đường đi vì kiệt sức, đói khát, hoặc tai nạn giao thông.
“Kinh nghiệm năm 2020 đã cho chúng ta thấy những người nghèo nhất của xã hội sẽ chịu tác động lớn nhất từ việc đóng cửa nền kinh tế”, báo cáo tháng 4 của đội ứng phó Covid-19 Ấn Độ trên tạp chí y tế The Lancet kết luận.
Báo cáo tiếp tục rằng “tại khu vực thành thị, những lao động công nhật, lao động làm việc tại khu vực kinh tế không chính thức, và lao động kỹ thuật thấp nhiều khả năng sẽ rơi vào tình trạng đói nghèo do gián đoạn hoạt động kinh tế”.
Ajnesh Prasad, giáo sư và Chủ tịch Nghiên cứu Canada thuộc Trường Kinh doanh, Đại học Royal Roads (Canada), cho biết chỉ “một vài nhóm người” mới có khả năng giãn cách xã hội ở nhà.
“Với người nghèo ở thành thị, việc tuân thủ lệnh phong tỏa là bất khả thi. Họ sẽ nói rằng tuân thủ những chỉ thị ấy cũng bằng với việc tự bỏ đói mình tới chết”, giáo sư Prasad nói.
Mật độ dân số càng làm vấn đề thêm phức tạp. Khoảng 35% người nghèo thành thị của Ấn Độ sống tại những khu ổ chuột thiếu không gian sống và cơ sở vệ sinh, theo Ngân hàng Thế giới.
Tại những khu ổ chuột, một gia đình thường phải sống chung trong căn phòng phỏ và dùng chung phòng tắm với các gia đình khác. Việc giãn cách xã hội khi ấy là bất khả thi.
Những hành động như ở nhà làm việc, theo học từ xa, và giãn cách xã hội sẽ giúp lệnh phong tỏa trở nên khả thi và hiệu quả. Nhưng điều đó yêu cầu kết nối Internet ổn định, điện, và laptop - những thứ mà đại đa số người dân Ấn Độ không thể tiếp cận.
Thêm hàng triệu người rơi vào nghèo đói
Nền kinh tế khó khăn của Ấn Độ cũng khiến chính quyền khó có thể áp lệnh phong tỏa toàn quốc một lần nữa.
Lần phong tỏa thứ nhất đã đẩy nhiều người ở Ấn Độ vào cảnh đói nghèo. Số người có thu nhập ít hơn 2 USD mỗi ngày tại Ấn Độ đã tăng thêm 75 triệu do cuộc suy thoái Covid-19, theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ).
Chandrika Bahadur, chủ tịch đội ứng phó Covid-19 Ấn Độ trên tạp chí The Lancet, cho rằng lệnh phong tỏa sẽ “gây thiệt hại kinh tế và xã hội khổng lồ”.
“Thông báo tới đột ngột khiến đại đa số người dân cả nước không kịp chuẩn bị tài chính, thực phẩm, chỗ ở, và an ninh. Cả chính quyền trung ương và cấp bang cũng không kịp chuẩn bị cho khủng hoảng di cư sau đó”, ông Bahadur nói.
Cũng theo ông Bahadur, sự gián đoạn kinh tế mà lệnh phong tỏa đầu tiên gây ra đã khiến chính phủ Ấn Độ “có ít không gian để điều chỉnh chính sách hơn”.
Thi thể bệnh nhân chết vì Covid-19 được hỏa táng tại Đông Delhi vào tháng 4. Ảnh: New York Times. |
Ấn Độ có hệ thống tài chính yếu hơn các nước như Mỹ hoặc Anh. Chính phủ nước này có ít nguồn tiền hơn và cũng có ít cơ chế để gửi tiền cho những người cần nhất.
Trong lần phong tỏa đầu tiên, một số địa phương tại Ấn Độ được phát lương thực cứu trợ nhưng đó chưa đủ để giữ chân người dân trong nhà. Họ vẫn cần thu nhập để nuôi gia đình.
“Lệnh phong tỏa không khả thi nếu chính phủ không thông qua chính sách công để thiết lập cơ chế hỗ trợ xã hội linh hoạt”, giáo sư Prasad nhận định.
Cách tiếp cận cục bộ
Lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ chừa ít chỗ cho chính quyền bang và địa phương có thể phản ứng trước đại dịch sao cho phù hợp với tình hình thực tế.
Trong báo cáo tháng 4, đội chuyên trách Covid-19 Ấn Độ của tạp chí The Lancet cũng đề xuất không “phong tỏa toàn quốc hoặc bang với mọi đối tượng”. Thay vào đó, đội ngũ này ủng hộ các biện pháp như đóng cửa nơi tổ chức sự kiện quy lớn, khuyến khích nhân viên văn phòng làm tại nhà, giảm tối thiểu hạn chế đối với người nghèo ở thành phố.
Theo ông Bahadur, đội chuyên trách của The Lancet hiện kêu gọi áp lệnh phong tỏa cục bộ nhưng đồng bộ, dựa vào hai yếu tố: sự lây lan của dịch và độ sẵn sàng trong hệ thống y tế.
Các cửa hàng bị đóng cửa ở thành phố Mumbai để chống Covid-19 vào tháng 4. Ảnh: The New York Times. |
Trong bài phát biểu tháng 4, Thủ tướng Modi dường như cũng đồng ý với những để xuất trên. Ông kêu gọi lãnh đạo các bang tập trung vào “các vùng kiểm soát nhỏ”, thay vì phong tỏa toàn diện.
Các bang và lãnh thổ trực thuộc liên bang ở Ấn Độ đang theo hướng tiếp cận trên. Chẳng hạn, Delhi đã liên tiếp áp lệnh phong tỏa vài lần trong thời gian ngắn như 7-10 ngày nhưng tạo ngoại lệ cho lao động thiết yếu, khác với lần đầu phong tỏa năm 2020.
“Ở quốc gia đa dạng như Ấn Độ, các quyết định được đưa ra tùy thực tế địa phương dựa trên căn cứ khoa học, cùng sự phối hợp chặt chẽ là cách tốt nhất để thành công”, ông Bahadur nhận định.