Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Án 'cậu trời' Mậu Lân quây màn hãm hiếp con nhà lành giữa phố

Ỷ thế chị gái Đặng Thị Huệ được chúa sủng ái, Đặng Mậu Lân võng giá nghênh ngang ngoài đường, gặp cô nào vừa mắt thì hãm hiếp giữa phố.

Thời Tĩnh vương Trịnh Sâm nắm quyền, Tuyên phi Đặng Thị Huệ được sủng ái rất mực, cũng từ đó mà thân thích của ả “theo đóm ăn tàn”. Tiêu biểu trong đám ô hợp nhờ người sang làm quàng là Đặng Mậu Lân, em trai ả. Nhưng rồi kết cục của hắn cũng chẳng tốt đẹp gì.

Theo ước đoán của giáo sĩ Saint Phalles, số phi tần của chúa Trịnh Sâm khoảng chừng 400. Trong đó, Thị Huệ được chúa cưng chiều nhất . Trước hết, nói về Đặng Thị Huệ, theo Đại Việt sử ký tục biên cho hay “Đặng Thị là người làng Phù Đổng, có sắc đẹp, làm nữ tỳ cho bà Tiệp thư họ Hoàng. Chúa trông thấy thì yêu, nhân đó tư thông với nàng và rất sủng ái nàng. Chúa cho nàng ở chung trong chính tẩm, các xe cộ quần áo của nàng đều theo mẫu như của Chúa. Nàng có can dự vào các việc chính sự bên ngoài. Bọn dựa thế phần nhiều hùa theo nàng”.

Có chị gái được chúa ân sủng, Mậu Lân từ đó mà lộng hành khắp nơi.

Dựa hơi chị gái, “cậu Trời” tác quái

Những việc làm tàn ác của Đặng Mậu Lân tính ra nhiều không kể xiết, nên dân gian còn gọi hắn là “cậu Trời”. Ấn tượng bên ngoài của Mậu Lân là vẻ ngoài bắt mắt, đẹp mã. Nơi hắn ở chẳng kém gì một bậc quân vương “phủ đệ dựng phía tây nam kinh thành Thăng Long, đồ ăn thức uống dùng đàng hoàng như một bậc vương giả”, “hết thảy áo quần, xe kiệu của y, nhất nhất đều rập kiểu theo đúng như của vua chúa”. Và dẫu chẳng có công lao gì, nhưng hắn cũng được phong là Lân trung hầu, võng giá nghênh ngang nào kém ai.

Dang Mau Lan dam ac nhu the nao anh 1
Sách Việt án lần theo trang sử cũ.

Cậy thế chị gái được chúa Trịnh Sâm thương yêu, chiều chuộng, hắn chẳng coi ai ra gì. Thế nên mới có chuyện ngược đời là “thường ngày, Lân vẫn đem theo vài chục tên tay sai, cầm gươm vác giáo đi nghênh ngang khắp kinh ấp. Hễ gặp xe kiệu, bất kỳ là của đám quan quân nào, Lân cũng đều cà khịa đánh nhau làm cho họ nhục nhã, rồi lấy thế làm thích thú. Gặp đàn bà con gái giữa đường, hễ người nào trông vừa mắt, tức thì Lân sai tay chân quây màn trướng ngay tại chỗ, rồi lôi người ấy vào hiếp liền. Chồng hoặc cha kẻ bị nạn, nếu dám hé răng kêu ca, lập tức Lân sai quân vặn gãy răng, hoặc cũng có người bị đánh đến chết. Người thiên hạ sợ Lân hơn sợ beo sói”.

Độc ác, tàn bạo là thế, gây ra bao nhiêu việc vô đạo đối với từ quan đến dân, mà hắn cứ ung dung như trên đầu chẳng có ai. Việc làm thất đức, coi trời bằng cái vung nồi của Lân sách nào khi đề cập đến cũng đều lên án.

Làm toàn việc tai ngược, xấu xa thì người đời oán ghét. Tội ác tích tụ càng lâu, càng nhiều thì đến lúc phải trả oán. Theo Đại Việt sử ký tục biên, năm Tân Sửu (1781): “Chính cung của chúa là Đặng Thị có em là Lân phải tội đi đày châu xa”. Chuyện này, Hoàng Lê nhất thống chí có cho biết tường tận. Khi viết về Tĩnh vương, Phan Trần Chúc cũng có sự tường thuật tương tự. Nay đại lược theo đó mà kể lại. Sự thể là…

Vận số đã hết

Năm Canh Tí (1780), chúa Trịnh Sâm ốm nặng, Thế tử Trịnh Tông nhân đó hành sự định giành ngôi chúa để phòng ngừa bị phe cánh Thị Huệ tôn Trịnh Cán lên. Nhưng sau đó Trịnh Sâm bệnh tình thuyên giảm, cơ mưu của Trịnh Tông bị lộ, Tông vì thế bị truất, phải chịu sự giám sát chặt chẽ. Trong khi ấy, phe cánh của Thị Huệ ngày một mạnh. Quan viên không ai là không nịnh nọt, hùa theo, nhà chúa cũng càng trọng ả hơn trước. Thừa dịp ấy, Thị Huệ bèn hỏi con gái chúa là quận chúa Ngọc Lan cho em trai mình.

Quận chúa có tên chữ là Ngọc Thuyên, là cô con gái yêu quý nhất của chúa. Nguyên chính phi họ Hoàng sinh được hai nàng quận chúa. Cô lớn là quận chúa Ngọc Anh đã gả cho Đương Trung hầu Bùi Thế Toại. Còn Ngọc Lan chưa có chồng, được chúa rất yêu chiều.

Dang Mau Lan dam ac nhu the nao anh 2
Tạo hình Đặng Mậu Lân trong phim Đêm hội long trì.

Ngọc Lan vóc người yếu đuối, từ nhỏ vẫn ở trong cung thủy tinh, kiêng nắng, kiêng gió. Nơi Ngọc Lan ở, chúa bắt thị tỳ phải đi nhẹ, nói khẽ để cho nàng khỏi giật mình. Phàm những điều Ngọc Lan cầu xin chúa, không có lời nào là không được chúa chiều theo. Các quan hàng công thần, quý tộc tới cầu hôn, nhưng chúa chưa hứa gả cho ai. Còn Ngọc Lan thì chưa kén được ai vừa lòng. Ấy mà khổ chăng bây giờ, giống chim oanh đài các lại bị gá nghĩa cho loài ưng, khuyển.

Để tạo nên sự bền chặt trong quan hệ với nhà chúa, Thị Huệ cầu hôn quận chúa Ngọc Lan cho gã em trai. Trịnh Sâm biết rõ bản chất của Mậu Lân. Nghĩ thương con gái không muốn gả cho kẻ thất đức. Nhưng hiềm nỗi, chúa lại quá yêu Tuyên phi họ Đặng, sợ mất lòng ả, nên dù thương con gái lắm, vẫn bất đắc dĩ nhận lời.

Tuy đã trót nhận lời gả quận chúa cho Lân mà trong bụng chúa vẫn có ý thương tiếc. Lo quận chúa người yếu ớt, khi về theo Mậu Lân, hẳn không thể chịu nổi một tên đàn ông cuồng bạo như hắn. Kẻ sẵn sàng hiếp đáp đàn bà con gái ngay giữa phố, thuận tay xẻo vú, giết người công khai nếu không được thỏa lòng dâm thì chẳng giữ ý tứ gì với bậc “kim chi, ngọc diệp” chúa nâng niu bấy lâu.

Bởi thế, ngày cho quận chúa về nhà Lân, chúa lấy cớ rằng quận chúa chưa từng lên đậu lên sởi, để không cho phép Lân hợp cẩn. Lại sai quan a bảo cùng nhiều thị nữ theo hộ vệ quận chúa. Chúa phái cả Trung hầu Nguyễn Bá Sử đến làm giám chế, không cho Lân tới gần quận chúa. Cảnh tình oái oăm này, trong Hoàng Lê nhất thống chí bình rằng:

Ái ân, cô gái không e sợ,

Hoan hỉ, chàng trai lại dở dang.

Lấy được quận chúa Ngọc Lan, Lân nghiễm nhiên thành quận mã. Vốn tính vũ dũng, thiếu ý tứ, quen thói cưỡng hiếp đàn bà để thỏa lòng dục, nên chỉ mong được thực hiện cái việc trong “tứ hỉ” là “động phòng hoa chúc dạ” (đêm tân hôn làm việc ái ân). Hiềm nỗi mỗi lần hắn vào với quận chúa lại bị Sử Trung hầu ngăn cản. Lân hết sức tức giận, lớn tiếng rằng:

- Chúa bảo con gái chúa là tiên dưới trần, nhưng ta coi thật không bằng con ở xách giày nhà ta, có quý hóa gì? Đây ta không ham gì nhan sắc của nó. Nhưng tốn kém mất bao nhiêu tiền của mới lấy được một con vợ, nếu không ra hồn thì cũng phải vần một trận cho nẫu nhừ ra như bùn, để đền lại sự phí tổn, rồi sẽ tống cổ nó đi. Còn mày muốn sống thì tìm đường mà xéo nhanh. Kẻo nữa lại kêu ta không bảo trước.

Sử Trung hầu đáp:

- Đó là mật chỉ của chúa thượng, không phải tôi dám như vậy!

Mậu Lân nghe nói thế, chẳng những không khiếp sợ, nể nang chúa, mà còn vặc lại:

- Mày thử hỏi chúa, xem chúa ở vào địa vị tao liệu chúa có nhịn được không?

Sử Trung hầu nói:

- Quan lớn đừng nên quá lời như vậy, nhà chúa không thể so sánh với người thường.

Đặng Mậu Lân nghe xong, cậy tiếng chị nên nổi giận đùng đùng:

- À, mày đem chúa để dọa tao phỏng? Chúa là cái quái gì?

Dứt lời, hắn tuốt gươm chém Sử Trung hầu, viên nội quan vật xuống chết ngay. Rồi Lân sai đóng chặt cửa dinh, ra lệnh nội bất xuất, ngoại bất nhập, định ngầm tính kế thủ tiêu xác Sử Trung hầu. Ngọc Lan nghe chuyện sợ quá, sai một thị nữ chui qua một lỗ hở nhỏ chạy về phủ chúa báo tin. Chúa cả giận, sai quan hầu đốc thúc một toán lính đến bắt Lân. Lân cầm gươm lăm lăm, cắm ở trước cửa dọa:

- Đứa nào muốn chết thì cứ vào đây!

Chúa lại phải sai quận Huy Hoàng Đình Bảo (còn gọi là Hoàng Tố Lý) đem quân vây bắt Lân (theo Tang thương ngẫu lục thì người đem quân đến bắt Mậu Lân là người khác: “Thự phủ Quận mã Hoàng Bỉnh Khiêm đến quát mắng. Lân sợ không dám nhúc nhích, bèn bị bắt tống ngục”), giải về phủ, giao cho triều đình xử tội.

Dang Mau Lan dam ac nhu the nao anh 3
Tuyên phi Đặng Thị Huệ trong phim Đêm hội long trì.

Việc giết sứ giả của chúa theo Quốc triều hình luật bị khép vào tội tử hình. Đặng Thị Huệ nghe tin em làm việc tày trời, nhưng sẵn được chúa yêu, nên lấy nước mắt đàn bà khóc lóc xin chết thay em. Chúa Trịnh Sâm vốn yêu chiều ả, bất đắc dĩ phải tha cho Lân tội chết và giảm xuống thành tội đi đày ở An Quảng (hay Yên Quảng, trước có tên là Yên Bang, Sử học bị khảo ghi đất này “hồi thuộc Minh là châu Tĩnh An sau Trung hưng gọi là Yên Quảng”. Trong tác phẩm Đất nước Việt Nam qua các đời, học giả Đào Duy Anh viết: “Thời Lê Trung hưng vì húy Lê Anh Tông đổi làm Yên Quảng”… “năm Minh Mệnh thứ ba (1822) đổi làm trấn Quảng Yên; năm thứ 12 gọi là tỉnh Quảng Yên”. Hiện nay, đây là phần đất của tỉnh Quảng Ninh). Đất này trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi cho hay: “Vùng Yên Bang hiểm ác, gọi là viễn châu; các triều đại đày người đến ở đấy”.

Dù bị khép tội đi đày, nhưng thanh thế Đặng Thị Huệ đang lên, nên tên em trai tội đồ tiếng là tội nhân bị đi đày mà chẳng khác nào bậc vương giả đi du ngoạn. Cảnh trái khoáy ấy, Tang thương ngẫu lục cho hay: “Lân xếp dọn nhà cửa, mặc áo tù đi ra khỏi kinh. Nhà chức trách sắm sẵn ghe thuyền ở bến Nhị Hà cho y dùng. Y đem theo nàng hầu, vợ lẽ rất nhiều, tiếng đàn véo von không dứt. Ra đến nơi, quan địa phương phải làm nhà cửa cho y ở”. Những tưởng, đây chỉ là một cuộc chuyển nhà tạm thời của “cậu trời”, chứ có chút nào gọi là đi đày đâu tá?

Thế nhưng, làm điều bạc ác thì đất trời nào dung nạp. Sau loạn kiêu binh năm Nhâm Dần (1782), Trịnh Cán bị phế, bè đảng Đặng Thị Huệ mất quận Huy Hoàng Đình Bảo, chúa Trịnh Sâm đã về nơi cửu tuyền, Trịnh Tông được lập, Đặng Mậu Lân hết thế làm càn, hắn bị bắt bỏ ngục rồi nhịn ăn mà chết. Đó là kết cục xứng đáng cho kẻ “gieo nhân nào, gặp quả ấy”. Chỉ khổ cho nàng Ngọc Lan, dẫu còn chính chuyên thì cũng tiếng là gái có chồng, duyên phận lỡ làng cả một đời.




Trích sách "Việt án lần theo trang sử cũ"

Bạn có thể quan tâm