Ngày 28/7, khoa Cấp cứu, bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng tiếp nhận 3 bệnh nhân nhập viện với các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm. Những người này đều có chung triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, cảm giác tê ở lưỡi, cổ họng cứng, nuốt khó, nôn ói.
Cả 3 là người một nhà, kinh doanh quán nhậu tại khu vực cầu Rồng (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Theo lời kể của người thân các bệnh nhân, sáng cùng ngày có người quen cho một số con cá nóc vàng mới bắt được, nên cả ba người chế biến và ăn. Sau 5 phút thì các bệnh nhân bắt đầu có các biểu hiện ngộ độc và được chuyển đến bệnh viện cấp cứu.
Các bác sĩ tiến hành đặt sonde súc rửa dạ dày, truyền dịch kết hợp điều trị bằng các loại thuốc chống độc và thực hiện xét nghiệm cần thiết cho 3 bệnh nhân. Đến chiều nay, sức khỏe của họ đã có tiến triển tốt và đang được điều trị tại khoa Hồi Sức để được theo dõi.
Bác sĩ Lâm Trọng Cơ, Trưởng khoa Cấp cứu bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, cho biết sau khi thực hiện các biện pháp cấp cứu kịp thời, các bệnh nhân đã giảm các triệu chứng ngộ độc, không có trường hợp nào hôn mê hay ngưng thở. Dự kiến, ngày mai 3 người này sẽ được xuất viện.
Bác sĩ Cơ cho biết độc của cá nóc là chất tetrodotoxin, độc tố thần kinh cực độc, gấp 1200 lần cyanua, có thể gây chết người chỉ sau 10 phút. Chính vì vậy, tùy tiện chế biến và sử dụng cá nóc là hành động rất nguy hiểm cho tính mạng của bản thân và người nhà. Để có thể chế biến cá nóc, các đầu bếp chuyên nghiệp phải trải qua 2-3 năm đào tạo trước khi được phép chế biến món ăn “tử thần” này.
"Bệnh viện khuyến cáo người dân, đặc biệt là ngư dân tuyệt đối không chế biến và sử dụng cá nóc làm thực phẩm”, bác sĩ Cơn khuyến cáo.