Trong những ngày Tết, món tiết canh thường được nhiều người lựa chọn vì cho rằng mát, bổ và may mắn (vì có màu đỏ) nhưng ít ai ngờ món khoái khẩu này có thể khiến người ăn mất mạng.
Bệnh từ miệng
Viện Sốt rét và ký sinh trùng trung ương (Hà Nội) càng gần Tết càng đông bệnh nhân. Ông Tân, đến từ huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) đang điều trị bệnh sán não ở đây cho biết, cách đây 2 năm ông bỗng thấy đầu đau buốt, chân tay tê cứng khó cử động nên đi khám. Lúc đầu, các bác sĩ chẩn đoán ông bị rối loạn thần kinh, nhưng điều trị mãi mà tình hình không biến chuyển, đến khi chụp cắt lớp mới biết bị sán não.
“Bác sĩ bảo do tôi ăn nhiều tiết canh nên nhiễm khuẩn, đúng tiết canh là món ăn ưa thích của tôi thật. Tôi đã điều trị hai năm rồi mà vẫn chưa khỏi hẳn”. Ăn tiết canh thường xuyên, ông Tân bị bệnh sán não đã đành, anh Nam (Từ Sơn, huyện Bắc Ninh) thì chỉ nhiễm bệnh sau một lần ăn tiết canh.
“Bình thường tôi cẩn thận khoản vệ sinh an toàn thực phẩm lắm. Hôm đó, nhà tôi mổ con lợn mán, nghĩ tiết canh do chính tay làm đảm bảo vệ sinh nên tôi ăn, ai ngờ hôm sau là sốt cao, đau đầu, nôn ói... Vào bệnh viện tôi mới biết không phải cứ lợn “nhà” là an toàn”, anh Nam chia sẻ.
Tiết canh là món được nhiều người ăn vào dịp Tết. |
"Không nên ăn quá no, uống quá nhiều trong một bữa và trong cả ngày; Không nên chế biến nhiều thực phẩm, để tủ lạnh lâu và nấu lại nhiều lần; Không nên ăn nhiều thịt, loại thực phẩm rán, chiên có nhiều mỡ dầu, hạn chế thực phẩm có đường ngọt; Không nên uống nhiều loại nước ngọt, hạn chế tối đa uống rượu và bia; Thức ăn cần nấu chín, hạn chế rau sống; Tránh lạnh, ăn ngủ, điều độ”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Dụ, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội
Theo bác sĩ Nguyễn Nhật Lệ, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Viện Sốt rét và ký sinh trùng trung ương, những ngày cận Tết, trong Tết và đầu năm mới, nhiều gia đình, cơ quan tổ chức ăn liên hoan và tiết canh là món ăn được nhiều người lựa chọn với ý nghĩ: Mát, bổ, may mắn (vì có màu đỏ). Nhưng thực ra, các món ăn chế biến sống từ gia súc, gia cầm đều rất nguy hiểm vì còn tồn tại nhiều loại vi khuẩn, nên có thể khiến người ăn mắc các bệnh nguy hiểm như: Sán não, viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết... “Không chỉ tiết canh, kể cả gỏi cá, rau sống, thịt tái... đều không nên ăn”, bác sĩ Lệ khuyến cáo.
Không chỉ các món ăn sống, mà ngày Tết, việc ăn uống quá nhiều chất béo, chất ngọt, hoặc ăn các chất dự trữ quá lâu trong tủ lạnh, ăn những thực phẩm chế biến sẵn không đảm bảo an toàn, uống nhiều loại rượu, bia... cũng rất dễ gây các bệnh về tiêu hóa, xuất huyết.
Vui quá hóa nhập viện
Bác sĩ Ngô Chí Hiếu, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết năm nào cũng thế, cứ vào dịp Tết, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do tăng huyết áp, bệnh mạch vành đều tăng đột biến. Lý do vì Tết đúng vào mùa lạnh, cộng thêm không khí vui vẻ thoải mái của ngày xuân, những bệnh nhân tim mạch, cao huyết áp thường bỏ qua các nguyên tắc và kiêng kỵ, ăn uống thoải mái, đi lại nhiều...
“Để phòng ngừa căn bệnh này, người bệnh dù vui hay buồn cũng phải cố gắng giữ bình tĩnh. Phải tuyệt đối giữ đúng các kiêng cữ vẫn thực hiện hàng ngày. Đặc biệt, không nên uống rượu bia, hút thuốc lá, cần ngủ đủ và nghỉ ngơi ngay khi có dấu hiệu đau đầu, chóng mặt. Lúc nào trong người cũng phải có thuốc để xử lý kịp thời mọi bất trắc có thể xảy ra”, bác sĩ Ngô Chí Hiếu khuyến cáo.
Các bác sĩ cũng cho hay, ngay cả những người khỏe mạnh, trong những ngày Tết hẳn sẽ mất nhiều thời gian cho việc nấu nướng, dọn dẹp, đi chúc Tết... và sinh hoạt trở nên thất thường, nên cũng dễ đổ bệnh. Vì vậy, lời khuyên của các chuyên gia là cần bố trí thời gian sinh hoạt hợp lý, điều độ không nên thức quá khuya, ăn uống quá đà hoặc bỏ bê ăn uống, cố gắng tập luyện tại nhà ít nhất mỗi ngày 15 phút nhằm giúp cho cơ thể tiêu hao lượng calo thừa và đảm bảo uống đủ nước...