Kênh truyền hình Anh ITV News vừa công bố kết quả điều tra về việc xử lý hàng hóa tồn đọng tại kho chứa của gã khổng lồ Amazon.
Theo đó, có bằng chức xác thực cho thấy hãng tiêu hủy hàng triệu sản phẩm tồn kho mỗi năm, gồm cả những kiện hàng bị trả lại và sản phẩm còn mới nguyên.
Bên trong một kho hàng khổng lồ của Amazon. Ảnh: The Verge. |
ITV News phát hiện khu vực chất la liệt các thùng hàng, bị đánh dấu "tiêu hủy", bên trong chứa đầy thiết bị điện tử, đồ trang sức, sách... Một phần các mặt hàng này bị trả lại, nhưng cũng có sản phẩm nguyên hộp, chưa từng xuất kho.
Qua camera theo dõi bí mật tại kho Dunfermline ở Scotland, ITV phát hiện những mặt hàng này bị vận chuyển đến các trung tâm tái chế và một bãi rác.
Theo kênh truyền hình này, trong một tuần của tháng 4 vừa qua, có khoảng 124.000 mặt hàng tại Dunfermline bị đánh dấu hủy, trong khi đó, họ chỉ quyên góp 28.000 sản phẩm.
Một cựu nhân viên Amazon cho biết, bên trong các thùng hàng bị loại bỏ, có khoảng 1/2 là sản phẩm do khách hàng trả về, nửa còn lại "chưa mở hộp, vẫn nguyên bao bì".
Nhân vật giấu tên này rất ngạc nhiên khi chứng kiến việc Amazon tiêu hủy cả hàng hóa mới, bao gồm những sản phẩm nổi tiếng như Dyson, Hoovers, MacBook và iPad. "Ngày hôm trước là 20.000 chiếc khẩu trang chống Covid-19 còn nguyên trong hộp".
Nhiều cửa hàng bên thứ 3 thuê nhà kho của Amazon để chứa sản phẩm. Khi không bán được hàng, họ quyết định tiêu hủy nhằm tiết kiệm chi phí lưu trữ.
Những thiết bị điện tử nguyên hộp cũng bị đánh dấu tiêu hủy và đưa khỏi kho. Ảnh: ITV News. |
Những cuộc điều tra độc lập khác cũng cho thấy Amazon thực hiện tương tự với các kho hàng tại Đức và Pháp.
"Đó là sự lãng phí không thể tưởng tượng được. Thật sốc khi chứng kiến một công ty trị giá hàng trăm tỷ USD loại bỏ hàng hóa theo cách này", Sam Chetan-Welsh, một nhà hoạt động bảo vệ môi trường thuộc tổ chức Greenpeace nhận xét.
Phản hồi The Verge, Amazon phủ nhận thông tin do ITV công bố. Hãng cho rằng "bãi rác" được nêu thực chất là nơi tái chế sản phẩm. "Chúng tôi hướng tới mục tiêu không thải loại sản phẩm, ưu tiên bán lại, quyên góp cho các tổ chức từ thiện hoặc tái chế", đại diện tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới tuyên bố.
Từ 2019, sau một cuộc điều tra về phương pháp xử lý hàng hóa loại thải của Amazon tại Pháp, hãng này đã tạo chương trình quyên góp nhằm giải quyết lượng hàng tồn kho ở Mỹ và Anh.
Trong email phản hồi thông tin ở trên, Amazon khẳng định họ đốt chưa đến 1% sản phẩm. Đây chỉ là biện pháp cuối cùng đối với những hàng hóa lưu kho không có cách giải quyết.