Cổ phiếu của Amazon đã giảm gần 50%. Ảnh: Bloomberg. |
Amazon đã trở thành công ty đại chúng đầu tiên trên thế giới mất 1.000 tỷ USD giá trị thị trường do sự kết hợp của lạm phát gia tăng, thắt chặt chính sách tiền tệ và kết quả kinh doanh đáng thất vọng đã gây ra đợt bán tháo cổ phiếu nhiều nhất trong lịch sử công ty.
Theo Bloomberg, cổ phiếu của Amazon, công ty thương mại điện tử và điện toán đám mây hàng đầu thế giới, đã giảm 4,3% vào phiên hôm qua, đẩy giá trị thị trường của nó xuống còn 879 tỷ USD, từ mức đóng cửa kỷ lục 1,88 nghìn tỷ USD vào tháng 7/2021.
Nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới đã dành cả năm nay để thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành thương mại điện tử, khi người tiêu dùng quay trở lại thói quen thắt chặt chi tiêu như trong đại dịch. Cổ phiếu của Amazon đã giảm gần 50% bởi doanh số bán hàng chậm lại, chi phí tăng cao và lãi suất thì không ngừng bị đẩy cao.
Kể từ đầu năm, tài sản của Jeff Bezos, Nhà sáng lập Amazon, đã giảm khoảng 83 tỷ USD xuống còn 109 tỷ USD.
Vào tháng 10, Amazon dự đoán tăng trưởng doanh thu trong quý IV sẽ tăng trưởng chậm nhất từ trước tới nay, do người tiêu dùng giảm chi tiêu trước tình hình kinh tế không chắc chắn.
Điều đó đã đưa giá trị thị trường của Amazon xuống dưới 1.000 tỷ USD lần đầu tiên kể từ hơn hai năm trước.
Amazon và Microsoft đang cùng với nhau có mặt trong cuộc đua liên tiếp mất giá trị thị trường này. Trong đó, nhà sản xuất phần mềm Windows cũng đã mất 889 tỷ USD giá trị thị trường so với mức đỉnh tháng 11/2021.
Các cổ phiếu của ngành công nghệ liên tiếp nhận tin không vui khi đã trượt giá trong suốt cả năm, lại tiếp tục phải đối mặt với suy thoái kinh tế càng trầm trọng, khiến niềm tin của các nhà đầu tư bị ảnh hưởng không nhỏ.
Năm công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ tính theo doanh thu đã bị mất gần 4.000 tỷ USD giá trị thị trường trong năm nay.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế