“Tòa nhà của chúng tôi có hai thang. Một thang đã hỏng từ lâu. Thang còn lại thì nghe thợ sửa chữa nói đã hỏng vòng bi nên khi chạy cứ lắc lư, kêu răng rắc. Mặc dù người lớn, trẻ em bị kẹt trong thang rồi bị cửa kẹp ngang chân nhưng những hộ ở trên cao vẫn phải bất chấp, đánh liều để đi”, bà H. (khu tái định cư G9 Xuân Đỉnh, phường Đông Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tâm sự.
Thang máy thủng lỗ chỗ, xuống cấp nghiêm trọng tại tòa nhà G, khu tái định cư Đền Lừ, quận Hoàng Mai, Hà Nội. |
Một số chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cho biết tuổi thọ trung bình của thang máy trên 20 năm. Tuy nhiên thực tế cho thấy ở nhiều khu tái định cư, thang máy mới đưa vào hoạt động được vài năm đã hỏng và “đắp chiếu”.
Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội - đơn vị quản lý các khu chung cư tái định cư cho biết đơn vị này đang quản lý và vận hành 204 thang máy, nhưng có 33 thang máy không sử dụng được.
Bị nhốt thường xuyên
Thang máy không đạt chuẩn là rất nguy hiểm
Ông Nguyễn Hồng Thái - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH thang máy ThyssenKrupp VN (đơn vị chuyên cung cấp, lắp đặt, bảo hành thang máy) cho biết, để thang máy hoạt động an toàn phải đáp ứng các tiêu chí như chuông báo động, điện thoại trong gọi ra, quạt gió, bóng đèn, ăcquy dự trữ để phòng khi mất điện đột xuất... và ít nhất hai tháng phải bảo trì một lần. Nếu không đủ các tiêu chí trên thì thang máy hoạt động rất nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng của người sử dụng bất cứ lúc nào.
Dù mới đi vào hoạt động khoảng 10 năm nay nhưng tòa nhà G, khu tái định cư Đền Lừ (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội) có những thang máy đã “đắp chiếu” gần hai năm nay.
Phía trong buồng thang hoen gỉ, nhiều lỗ thủng đang lan rộng ra và có thể xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào.
Nét mặt vẫn chưa hết lo sợ khi người thân trong gia đình mới bị thang máy “nhốt”, bà Đặng Thúy Hằng (42 tuổi, tổ 83 khu tái định cư Đền Lừ) kể: “Hôm đó mẹ tôi đi từ tầng 8 xuống tầng 1, khi xuống đến tầng 4 thì mất điện. Vậy là mẹ cứ đập cửa kêu cứu. Không chỉ người thân trong gia đình tôi mà nhiều cháu nhỏ hàng xóm đi vào thang máy cũng bị kẹt. Bị giam lỏng trong thang máy là chuyện hết sức bình thường với người dân tòa nhà G”.
Trước đây gia đình bà Hằng ở gần ngã tư Sở, đường khu vực ngã tư Sở được mở rộng, gia đình bà thuộc diện giải tỏa và năm 2005 chuyển đến khu tái định cư Đền Lừ.
“Cứ hôm nào mưa to là nước lại tràn vào buồng thang. Nhấn nút thang từ tầng này qua tầng khác mà nước cứ chảy ào ào ra ngoài. Cư dân của tòa nhà phải đi bộ, không ai dám bước vào thang máy vì sợ bị điện giật”, bà Hằng nhớ lại.
Sống chung tòa nhà với bà Hằng là bà Lê Thị Dần (tổ trưởng tổ dân phố 83). Bà Dần cho biết tòa nhà G có bốn thang máy nhưng chỉ hoạt động được hai năm đầu, sau đó cứ thay nhau hỏng.
“Mới đầu hỏng đơn vị quản lý nhà vẫn cho công ty sửa thang máy đến để khắc phục, nhưng rồi thang hỏng nhiều quá nên không thấy ai đến nữa. Do không thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng nên nhiều lúc bước vào thang lại bị cửa kẹp vào người...”, bà Dần nói.
Người dân ở những khu tái định cư cho biết mặc dù đi thang máy không được bảo trì thường xuyên và bên trong không có một phương tiện hỗ trợ nào khi có sự cố là rất nguy hiểm nhưng họ đành phải chấp nhận.
Ông Giang Văn Phúc (68 tuổi, ở tòa nhà N5C khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính, quạn Thanh Xuân) đang chăm sóc vợ bị bại liệt hơn một năm nay.
Ông Phúc nói: “Thang máy hỏng hóc thường xuyên nên lên xuống rất cực. Người khỏe còn có thể đi thang bộ. NAi chịu trách nhiệm?
Là một trong những người dân sống ở tòa nhà N5A khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính, ông Lê Hùng (62 tuổi) cho biết sau vụ tai nạn thang máy vào tháng 6/2014 làm một bảo vệ trong tòa nhà tử vong khiến người dân lo sợ không dám đi thang máy.
“Trước khi xảy ra tai nạn, người dân đã đề nghị đơn vị quản lý tòa nhà đến sửa. Nếu họ sửa thì đã không xảy ra sự việc đau lòng như vậy. Trong thời gian tới nếu tiếp tục xảy ra tai nạn do thang máy thì đơn vị quản lý tòa nhà phải chịu trách nhiệm với người dân”, ông Hùng nói.
Tại khu tái định cư G9 Xuân Đỉnh (phường Đông Tảo, quận Bắc Từ Liêm), bà Bùi Thị Minh Hương (59 tuổi, tổ trưởng tổ dân phố 5, phường Đông Tảo) đưa chúng tôi đi thử những thang máy đang sử dụng tạm. Điện thoại ở trong gọi ra, chuông báo động, điện dự trữ khi mất điện đột xuất... đã bị “vô hiệu hóa”.
Thang máy ở đây phần lớn đã mất hết “mắt thần” hay còn gọi là cảm biến hồng ngoại có tác dụng điều khiển cửa thang. Tiếng động khi thang máy chạy cứ “ầm ầm” và rung lắc mạnh.
“Người vào trước phải nhấn nút ở chế độ mở cửa cho người sau vào. Nếu không nhấn nút thì người khác sẽ bị kẹt ngay vào cánh cửa”, một người dân cho biết.
Tòa nhà G9 này có 120 hộ dân với 480 nhân khẩu, thường xuyên phải sống chung với cảnh thang máy hỏng.
Hình ảnh nút điều khiển trong buồng thang bị bong phải dùng băng keo dán dính lại (ảnh chụp ở khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính. |
Bà Hương nhớ lại: “Hôm đó chị Hiền cạnh nhà tôi đi làm về thì mất điện nên bị nhốt trong thang. Mọi người không biết có người ở bên trong nên phải gần một giờ chị mới được đưa ra khỏi buồng thang. Từ đó đến nay chị không dám đi thang máy nữa...”.
Muốn sửa thang máy phải báo cáo UBND TP Hà Nội
Ông Bùi Quốc Dũng - Phó trưởng phòng quản lý nhà xã hội tái định cư thuộc Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cho biết, công ty sẽ cố gắng sửa chữa hơn 30 thang máy hỏng trước Tết âm lịch cho người dân.
Nhiều thang máy bị hỏng nhưng chưa thể sửa chữa kịp thời do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả việc sử dụng của người dân.
Về nguồn gốc xuất xứ của những thang máy ở các khu tái định cư mới sử dụng đã hỏng và nằm “đắp chiếu”, ông Dũng cho biết đến bây giờ ông cũng không biết đơn vị nào đã xây dựng và trang bị thang máy vì nguồn vốn để xây dựng các khu chung cư tái định cư từ ngân sách nhà nước.
Sau khi các đơn vị thi công xây dựng xong thì UBND TP Hà Nội giao lại công ty ông quản lý.
Hiện giờ muốn sửa thang máy, công ty phải báo cáo lên UBND TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Tài chính mới có tiền để chi.
TP.HCM: thang máy vẫn kẹt
Sáng 22/1, chúng tôi trở lại chung cư Gia Phú (quận Bình Tân, TP.HCM). Bà Nguyệt, ngụ ở căn hộ B-410, lô B chung cư Gia Phú - cho biết tình trạng “thang máy rơi tự do” tại chung cư này không còn xảy ra, nhưng gần đây thang máy thường hay bị kẹt cửa và “giam người” bên trong.
“Có lần tôi đi từ tầng trệt lên nhà ở tầng 4, dù buồng thang đã dừng lại tầng 4 nhưng cửa thang không mở. Tôi làm đủ cách nhưng cửa vẫn không mở nên bấm cho thang lên tầng 5 thì bất ngờ cửa thang máy mở và tôi tranh thủ thoát ra ngoài. Sau lần đó tôi báo ban quản lý chung cư để sửa chữa, nhưng đến nay thỉnh thoảng thang máy vẫn kẹt cửa buồng”, bà Nguyệt kể.
Khoảng 11h cùng ngày, chúng tôi bấm buồng thang máy nằm giữa căn hộ số 702 và 703, lô B chung cư Gia Phú để xuống tầng trệt.
Cửa buồng mở ra kêu ken két, thang máy rung lắc khá mạnh mới xuống đến tầng trệt, tuy nhiên cửa buồng thang không mở. Chúng tôi bấm nút liên tục nhưng cửa vẫn bất động.
May mắn trong buồng thang có dán số điện thoại gọi báo khi bị kẹt. Gọi đến lần thứ ba bảo vệ mới biết chúng tôi đang kẹt trong thang máy. Khoảng 5 phút sau, bảo vệ đến bấm nút bên ngoài thì cửa buồng thang mới chịu mở ra.
Người bảo vệ trên cho biết: “Thang máy ở đây thường xuyên bị kẹt cửa buồng, ban quản lý chung cư cho thợ sửa hoài cũng vậy. Khi có người bị kẹt gọi, chúng tôi đến chỉ cần bấm nút mở cửa thang bên ngoài là nó mở cửa”.
Anh Vinh, quản lý quán karaoke ĐôRêMi (số 231 Bình Long, P.Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân), cho biết hiện công an đang điều tra, làm rõ nguyên nhân về sự cố thang máy xảy ra tối 30/11/2014 khiến một thanh niên rơi từ lầu 3 xuống đất tử vong.
Ngay sau sự cố xảy ra, chủ quán đã gọi cho phía công ty bán thang máy xuống để kiểm tra, sửa chữa.
Chị Mai Thư, nhân viên phụ trách đặt tiệc cưới của nhà hàng Phúc An Khang (đường Phạm Viết Chánh, quận 1), cũng cho biết ở đây từng xảy ra sự cố thang bị kẹt.
Từ đó đến nay, hằng tháng nhà hàng đều mời thợ đến bảo trì, kiểm tra nên thang máy của nhà hàng mới thoát khỏi tình trạng hỏng hóc.
Trước đó ngày 12/7/2014, tại nhà hàng này thang máy bị kẹt lơ lửng giữa tầng 1 và 2. Trong buồng thang có 15 khách và hệ thống điện đã tự động ngắt làm những người bên trong hoảng loạn.
Phòng cảnh sát phòng cháy và chữa cháy quận 1 phải điều động lực lượng đến hiện trường giải cứu số khách.
Ông Nguyễn Tấn Vũ - Phó tổng giám đốc một công ty sản xuất thang máy tại TP.HCM cho biết những sự cố vừa qua phần nhiều xảy ra ở các loại thang máy không đạt chất lượng.
Để cạnh tranh, một số người bán thang máy đã sử dụng linh kiện là hàng nhái thương hiệu. Có nhiều hệ thống thang máy đã lắp ráp, sử dụng tại một số công sở được gắn một thương hiệu của Nhật Bản nhưng lại có giấy chứng nhận xuất xứ từ Trung Quốc.
Người bán thang máy chỉ bảo hành trong 2-3 năm, hết thời hạn bảo hành thì trách nhiệm chấm dứt.
Vì vậy linh kiện mà họ bán cũng chỉ hoạt động tới lúc hết bảo hành, sau đó có thể xảy ra trục trặc kỹ thuật. Lúc này trách nhiệm và việc bảo trì thang máy thuộc về chủ đầu tư, nhưng do một số chủ thang máy tiết kiệm tiền bảo trì, kiểm tra nên dẫn đến sự cố.