Một ngày, con trai tôi chọn một chiếc váy màu xám, in hoa văn kỳ lân và cầu vồng để tới trường.
Trên đường đi học, con tôi không ngừng nhảy chân sáo, đầu ngẩng cao như thể rất tự hào về trang phục mình chọn. “Thể nào các bạn cũng nói con trai không được mặc váy cho xem”, bé nói.
“Hãy nói với họ rằng con thích chiếc váy này và thấy thoải mái khi diện nó nhé. Không gì quan trọng hơn điều đó cả”, tôi khuyên nhủ con.
Nhà văn Sarah Rich vừa tự hào, vừa lo lắng con trai chịu tổn thương từ những lời phán xét, chỉ trích do sở thích mặc váy. Ảnh: Orbon Alija. |
Giống như mọi bậc cha mẹ khác, tôi nhìn con với ánh mắt lo lắng. Tôi vừa hãnh diện về tinh thần lạc quan ở bé, vừa sợ rằng con sẽ bị tổn thương bởi những lời chế giễu, phán xét từ thầy cô, bạn bè.
Vừa bước vào sân, con trai tôi lập tức bị bạn học trêu chọc: “Tại sao cậu lại mặc váy? Trang phục này chỉ dành cho con gái thôi!”.
Một giáo viên nhanh chóng bước tới, ôm lấy con tôi và cùng bé lên lớp. Thấy con không bối rối, không khóc lóc, tôi an tâm về nhà.
Khi tan học, cậu bé kể rằng nhiều bạn trong lớp không thích chiếc váy kỳ lân nhưng con vẫn thấy thoải mái, vui vẻ khi diện bộ đồ này.
Trầm cảm vì định kiến "đàn ông thực thụ"
Thực tế, việc phái mạnh có những sở thích nghiêng về tính nữ thường khiến người khác cảm thấy bối rối, thậm chí phản cảm.
Năm 2020, Hội Nam Hướng đạo Mỹ (BSA) tuyên bố cho phép thành viên nữ gia nhập. Điều này khiến không ít bậc phụ huynh xứ cờ hoa vui mừng vì trẻ em gái có cơ hội tham gia các hoạt động tương tự nam sinh, giúp các cô bé có cá tính mạnh được thể hiện bản thân trong môi trường phù hợp.
Tuy nhiên, không bài báo nào đề cập với vấn đề “Có phải tất cả trẻ em nam đều thích ứng với môi trường tại BSA?” hay “Các nam sinh có thể tham gia Hội Nữ Hướng đạo Mỹ (GSA) không?”.
Năm 2019, Hội Nam Hướng đạo Mỹ (BSA) tuyên bố cho phép thành viên nữ gia nhập, mở ra cơ hội trải nghiệm mới cho trẻ em gái. Ảnh: CNN. |
Hiếm ai có thể tưởng tượng nam giới lại muốn tham gia các hoạt động ngoại khóa hướng đến tình bạn, chăm sóc cộng đồng. Ngay cả những bé trai học mẫu giáo cũng hiểu rằng chúng sẽ bị trêu chọc, chế giễu nếu có ý nghĩ như vậy.
Trong khi định kiến áp đặt lên nữ giới đang dần được nới lỏng, nam giới vẫn chịu nhiều ràng buộc về việc thể hiện bản thân.
Để khắc họa hình tượng nam tính theo chuẩn mực xã hội, thanh thiếu niên buộc phải đẽo gọt khía cạnh mềm mại, cảm tính vốn có. Từ sở thích cá nhân như màu sắc yêu thích, phong cách ăn mặc cho đến các mối quan hệ thân thiết, cách thể hiện cảm xúc.
Nhiều nghiên cứu cho thấy quá trình trưởng thành như trên khiến một số trẻ em nam rơi vào trạng thái trầm cảm và rối loạn lo âu.
Trong bộ phim tài liệu The Mask You Live (2014), đạo diễn Jennifer Siebel Newsom mời các cậu bé tuổi teen chia sẻ về giai đoạn dậy thì của mình. Một số nhân vật thừa nhận họ từng có ý định tự sát vì áp lực “khẳng định độ nam tính”.
Nhiều nam sinh từng rơi vào trầm cảm, rối loạn lo âu, thậm chí nảy sinh ý định tự sát vì áp lực chứng minh bản lĩnh nam nhi. Ảnh: Getty. |
Ngoài ra, nhà làm phim có đề cập tới các vụ xả súng hàng loạt gây rúng động khi đó. Từ Virginia Tech, Aurora hay Sandy Hook, thủ phạm đều là các nam thanh niên.
“Dù là bạo lực hay ý niệm tự sát, nam giới trẻ tuổi tìm đến cách thức tuyệt vọng như vậy vì cảm giác xấu hổ, nhục nhã. Nhiều thủ phạm nghĩ rằng họ buộc phải làm thế để chứng minh mình là một người đàn ông thực thụ”, bác sĩ tâm lý James Gilligan - lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Bạo lực tại ĐH Harvard, bình luận trên The Mask You Live.
“Đàn ông thực thụ” là một khái niệm bền vững, khó thay đổi tới mức khi thế hệ trẻ mong muốn thay đổi định nghĩa về tính nam, họ bị chỉ trích là “không phù hợp”.
Thay vì thấu hiểu, động viên trẻ em thách thức quan niệm xã hội về sự nam tính, các bậc cha mẹ lại cho rằng chúng đang trong giai đoạn “ngỗ nghịch” hoặc không muốn sống như một người đàn ông.
Đáng nói, không phải đứa trẻ nào cũng cảm thấy mình được sinh ra đúng với giới tính sinh học. Đồng thời, không phải trẻ em nam nào thích mặc váy cũng muốn trở thành con gái.
Nhiều ông bố, bà mẹ chia sẻ rằng họ từng cố gắng ngăn con trai thể hiện cá tính vì sợ con cái bị bắt nạt, chế giễu. Tuy nhiên, hầu hết đều nhận ra con mình kém hạnh phúc hơn khi không được sống là chính mình.
Định kiến xã hội
Do định kiến xã hội, ngay cả trẻ em cũng ít có cơ hội được trải nghiệm để nhận thức đúng về cá tính, con người của mình.
Những bữa tiệc tiết lộ giới tính thường sử dụng 2 màu sắc xanh và hồng để thông báo đứa trẻ sắp chào đời là nam hay nữ. Ảnh: Pinterest. |
Elizabeth Sweet, nhà xã hội học tại ĐH bang San Jose, từng nghiên cứu vấn đề phân biệt giới tính ở lĩnh vực đồ chơi trẻ em thế kỷ 20. Cô cho biết quan niệm giới tính của người Mỹ ngày nay cứng nhắc hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử.
“Các nhà sản xuất đồ chơi đang tăng doanh số bán hàng bằng cách tạo ra phiên bản riêng cho mỗi giới tính”, Sweet nhận định.
Không chỉ riêng đồ chơi, các sản phẩm dành cho trẻ em khác như quần áo, đồ dùng học tập hay đồ ăn dặm đều chứa dụng ý tương tự.
Dần dần, các bậc cha mẹ bắt đầu ấn định giới tính của con cái từ trước khi đứa trẻ ra đời, thể hiện qua xu hướng tổ chức tiệc tiết lộ giới tính.
Ngày nay, nhiều ông bố, bà mẹ có con gái bắt đầu thay đổi quan điểm “nữ giới phải thích màu hồng” và cho con cơ hội khám phá, mạo hiểm như các bạn nam. Tuy nhiên, điều này hiếm khi xảy ra với các bé trai.
“Không ít đàn ông thừa nhận bị cha bắt nạt, chì chiết ở độ tuổi trưởng thành”, Matt Duron - chồng của tác giả cuốn sách Raising My Rainbow Lori Duron - chia sẻ.
Matt - cảnh sát viên với 20 năm kinh nghiệm tại quận Orange, bang California - và vợ luôn ủng hộ con trai thách thức định kiến giới, thể hiện cá tính riêng, dù nhận về nhiều chỉ trích.
Con trai của Duron (hiện 11 tuổi) đã từ bỏ sở thích mặc váy nhưng vẫn đam mê trang điểm và nuôi tóc dài. Dù bị bạn cùng lớp bắt nạt, cậu bé nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình và cộng đồng.
Các cuốn sách thiếu nhi đề cập tới đa dạng giới, hướng tới các bé trai vẫn mang nội dung rập khuôn. Ảnh: Bright Horizons. |
Giờ đây, một số cuốn sách thiếu nhi cũng hướng ngòi bút vào động viên trẻ em nam thể hiện khía cạnh nữ tính cá nhân song đều có chung mạch nội dung: một nam sinh bị bạn bè chế nhạo vì ăn mặc khác người, sau đó vượt qua mặc cảm để khẳng định bản sắc riêng.
“Nhưng trẻ em sống trong thế giới thực. Mọi chuyện không diễn ra như sách truyện”, Ian Hoffman - đồng tác giả cuốn Jacob’s New Dress (2014) - chia sẻ.
Vài năm sau khi ra mắt, cuốn sách bị cấm lưu hành tại North Carolina vì đề cập tới vấn đề bắt nạt và quấy rối.
Khi các cơ sở giáo dục và phụ huynh truyền tải thông điệp “nữ giới mạnh mẽ là đáng khâm phục, nam giới mềm tính lại đáng xấu hổ”, họ đang khiến trẻ tin rằng chỉ tính nam mới được trân trọng trong xã hội.