Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tạp chí tri thức trực tuyến

Alexander (2004)

Alexander đại đế được chấm 5.5 trên IMDB, với khoảng 5000 người bầu chọn. Nhưng tôi cảm thấy bộ phim không khiến tôi thất vọng.

Alexander (2004)

(Zing) - Alexander đại đế được chấm 5.5 trên IMDB, với khoảng 5000 người bầu chọn. Nhưng tôi cảm thấy bộ phim không khiến tôi thất vọng.

Alexander (2004)

Colin Farell trong vai Alexander

Bộ phim bị đa số các nhà phê bình phim chê thậm tệ. Là 1 trong 10 phim tệ nhất của một số bảng xếp hạng cuối năm.  So trong 3 phim sử thi đã xem trong năm nay, Alexander hơn hẳn King Arthur và ngang ngửa Troy.

Alexander (2004)

Phim mở đầu bằng câu chuyện kể của Ptolemy, vua Ai Cập, để ghi lại sử sách. Ông ta đứng trên ban công của thư viện Alexandria để bắt đầu kể về vị hoàng đế của mình.

Có hai chuyện không hay ho ở đây.

Một là, tôi cóp nhặt được rằng thư viện này mãi đến đời con của Ptolemy nó mới được xây, nên chuyện ông đứng trong toà nhà, rồi đi tới đi lui, và hẳn đạo diễn cũng tự hào vì có dịp giới thiệu một công trình kiến trúc đồ sộ cho khán giả thế giới, trở nên gượng ép và "hố".

Hai là, tôi thất vọng về Anthony Hopkins lẫn đạo diễn Oliver Stone trong việc xử lý nhân vật này. Ông ta đặt quá nhiều cái tôi vào câu chuyện, kể lể dài dòng và cuối phim còn có một đoạn rất buồn cười, đại loại "nãy giờ ta kể gì thôi bỏ hết đi, huyền thoại sẽ mãi là huyền thoại".

Alexander (2004)

Dù vậy, chúng ta cũng được bắt đầu câu chuyện về Alexander với một đêm định mệnh. Đêm gắn liền với những phát triển tâm sinh lý sau này của Alexander. Dĩ nhiên, đó không phải là đêm duy nhất. Có lẽ nó đã lặp đi lặp lại nhiều lần. Cũng có thể trước đó chưa từng, bởi trong một đoạn thoại sau đó, vua Phillips nói với vợ ông "đã sáu tháng rồi, nàng có nhớ ta không?".

Alexander trong phòng với mẹ, nữ hoàng Olympias, người luôn dạy Alexander rằng cậu là con của thần Zeus, là dòng dõi của Achilles. Người đàn bà tham vọng, chơi với bầy rắn và căm thù đức ông chồng bợm rượu và lỗ mãng. Bà dồn hết tình yêu thương cho Alexander vì có lẽ, cậu là niềm an ủi cuối cùng của bà. Cậu bé Alexander chứng kiến cảnh cha cậu vào phòng, đập phá, la hét và hãm hiếp mẹ mình. Cảnh tượng đó ám ảnh cậu bé, mãi mãi về sau.

Alexander (2004)
Angelina Jolie trong vai Hoàng hậu Olympias

Angelina Jolie là một diễn viên mà tôi yêu thích. Nhưng trong phim này, tôi cảm giác diễn xuất của Jolie nặng nề. Có lẽ vì vai diễn buộc phải thế. Quá nhiều cảnh Jolie phải độc thoại, bởi Olympias sống trong sự cô đơn khắc khoải.

Alexander lớn lên với những truyền thuyết của thần thoại Hy Lạp trong những dòng thơ của Homer. Cha ông dắt ông đi xem những bức tranh vẽ trên tường về những người anh hùng, những con người đã tạo nên huyền thoại, và dạy rằng, những người anh hùng ấy đều trả một cái giá rất đắt. Achilles chết vì trả thù cho người yêu. Hercules giết ba đứa con của mình. Promete bị con đại bàng ăn lá gan...

Những truyền thuyết ấy ám ảnh Alexander. Ông tin rằng mình là hậu duệ của Achilles và sống cuộc đời như Achilles: chiến đấu ngoan cường để tên tuổi vang dội ngàn đời sau, sẵn sàng trả thù cho người bạn trai mình yêu thương nếu anh ta chết. Ông muốn thực hiện những cuộc chinh phục vĩ đại không thua kém Hercules, mà mãi sau này, ông không muốn quay đầu trở lại mà tiếp tục đắt đoàn quân của mình để đến Ấn Độ, cho đến khi đại bại tại đây. Ông muốn mình là Promete, được làm điều gì đó cho nhân loại.

Alexander (2004)

Alexander yêu thương cha ông. Ông vừa giận cha, vừa kính nể cha, vừa yêu thương cha. Ông sợ hãi mẹ và bị ám ảnh bởi tình yêu thương của bà. Khi Phillips lấy vợ khác, Alexander đã gây gổ ngay trong đám cưới và thất kính với ông. Sau đó, Phillips bị ám sát ngay khi ông ta dành được vinh quang trên đất Hy Lạp. Alexander lên ngôi hoàng đế. Ông bàng hoàng trước cái chết của cha, và trong nước mắt, Alexander lên ngôi vua khi người bạn của ông, Hephaistion, nắm tay Alexander đưa lên. Olympias mỉm người tự hào với ánh mắt kỳ lạ. Người ta cho rằng, chính bà đã cho người giết vua Phillips. Alexander mặc cảm tội lỗi này mãi mãi về sau. Người ta cũng cho rằng, Alexander đi chinh chiến khắp nơi, không chỉ vì ông muốn thu phục thế giới mà vì ông muốn tránh xa người mẹ của mình.

Thế nhưng, hình ảnh của bà vẫn vây lấy tâm trí của Alexander. Ông lấy vợ, một cô gái Ba Tư không chức phận, Roxane. Mặc cho những người dưới quyền phản đối kịch liệt bởi cô ta là một người châu Á man di. Với những người Macedonia, đó là sự sỉ nhục. Thế nhưng, Alexander đã cưới Roxane. Dù trước đó, ông vẫn nói với Hephaistion rằng, ông rất yêu Hephaistion, tin tưởng Hephaistion. Có lẽ, lời răn dạy của Aristotle, thấy của Alexander, đã ảnh hưởng nhiều đến ông. Rằng khi hai người đàn ông nằm chung giường, với những suy nghĩ dục vọng, thì đó là điều đồi bại. Nhưng nếu họ chia sẻ với nhau những kiến thức thì đó là điều cao quý.

Alexander (2004)
Roxane có hình ảnh của mẹ ông, hoàng hậu Olympias

Roxane có hình ảnh của mẹ ông, hoàng hậu Olympias. Ánh mắt. Đôi môi. Sự hung tợn. Chiếc vòng rắn quấn. Trong đêm động phòng, Roxane chứng kiến Alexander ôm Hephaistion. Cô ta lồng lộn... Nhưng khi đó, giữa Alexander và Hephaistion hay với những người đàn ông khác vẫn chưa có gì. Có lẽ, Alexander vẫn tin vào lời thầy của mình.

Cho đến khi ông nhận ra, sự khinh miệt những giống người khác của Aristotle là vô nghĩa. Rằng người châu Á không man di, không kém thông minh, bởi họ có nền văn hoá lâu đời hơn. Có thể xây dựng được thành Babylon. Về sau, Alexander ái ân với một vũ nam người Ba Tư và hôn anh ta trước mặt vợ và những tướng lĩnh của mình.

Alexander (2004)

Khi càng đạt được nhiều vinh quang, Alexander càng cô đơn. Ông bắt đầu sợ hãi những âm mưu chống lại mình - mẹ ông luôn dạy dỗ rằng sẽ có người phản bội ông. Ông cho giết những người thân cận. Và chính tay ông đâm chết cả người trung thành nhất và thẳng thắn nhất, từng được cha ông gửi gắm lại khi còn sống. Alexander, cũng như những anh hùng trong thần thoại Hy Lạp, sống cô đơn.

Colin Farrell đóng rất hay trong những cảnh mô tả tâm trạng của Alexander. Đặc biệt là phần yếu đuối trong con người của vị vua vĩ đại này. Vẻ ngông nghênh của gã côn đồ thường thấy trong những phim trước mà anh đóng không còn. Thật ra, xem Colin đóng những đoạn mô tả tâm trạng của một con người yếu đuối (trong AlexanderHome at the End of the World) lại khiến tôi tin rằng anh ta yếu đuối thật sự ở ngoài đời - dù rằng ai cũng biết Colin nổi tiếng là một gã ăn chơi sa đoạ, quậy phá hết biết trong cuộc sống thật.

Alexander (2004)
Đại cảnh

Nhưng trong những cảnh đánh trận, Colin cũng thuyết phục rằng đó là một viên tướng giỏi, một chiến binh ngoan cường. Có hai trận chiến được mô tả kỹ trong phim: trận đánh nhau với Ba Tư - khi mà quân của Alexander chỉ có 40.000 trong khi quân Ba Tư lên đến 250.000, và trận ở Ấn Độ. Trận đánh ở Ba Tư khiến người ta so sánh với trận chiến ở Troy - tôi muốn nói về mức độ hoành tráng trong phim.

Nhưng nếu Troy là cảnh đánh nhau của một phim hoạt hình được làm y như thật thì Alexander khiến bạn đôi khi nhắm mắt lại, hoặc giả rùng mình vì mức độ tàn khốc chân thật của trận chiến. Máu nhuộm đỏ. Tay chân, đầu rơi vung vãi. Và khuôn mặt của Alexander bê bết máu đến nỗi bạn chẳng dám nhìn thẳng vào mặt ông ta.Trận đánh với Ấn Độ, khi Alexander cưỡi ngựa phi đến trước mặt con voi, tôi thật sự choáng ngợp trước cảnh phim này. Ánh mắt trợn trừng của Colin Farrell khiến bạn kinh hoàng và hoảng sợ theo...

Alexander (2004)
Cảnh làm phim

Dường như tôi đang quá ca ngợi một bộ phim mà hầu như mọi ý kiến đều chê. Tôi nghĩ rằng, Alexander bị chê, một phần vì nó đụng chạm đến chuyện tình cảm của ông. Một vị vua vĩ đại nhưng lại đồng tính luyến ái. Điều này khiến người ta bị "dội". Có người bình luận chính vì đồng tính mà Alexander mất đi chất vĩ đại trong bộ phim này. Khi đi xem phim ngoài rạp, tôi nghe có tiếng cười đùa, nhạo báng những đoạn Alexander bày tỏ tình cảm với Hephaistion hay vũ công Ba Tư. Và bất kể ông ôm vị tướng lĩnh nào, người ta cũng xì xào. Bộ phim sử thi trở thành trò hề trước mặt họ, và vị vua vĩ đại trở thành anh hề chính.

Cũng có thể, vì phim làm quá dài. Kể về cuộc đời của một con người vĩ đại và thâu tóm trong vòng 3 tiếng đồng hồ, Oliver Stone đã quá tham lam. Chính vì thế, nhiều thứ phải lược bớt. Và khi lược bớt, Ptolemy có nhiệm vụ kể lể cho khán giả nghe. Và kể lể khiến bộ phim trở nên lê thê dài dòng, mệt mỏi.

Alexander (2004)
"Alexander" hội ý với đạo diễn

Cũng có thể vì phim không có những cao trào. Nó cứ diễn tiến ra từ tốn. Thắng trận này sang trận khác. Làm chuyện này xong sang chuyện khác. Không có những biến cố bất ngờ. Biến cố bất ngờ về đám cưới của Alexander đã được Ptolemy kể trước khi nó xảy đến.

Phim có những câu thoại khá thú vị. Phim còn mở ra cho ta một cái nhìn mới (hoặc giả vì trước đó chúng ta chưa biết) về Alexander, một con người có tư tưởng tiến bộ. Ông cho rằng, chẳng có giống người nào thấp kém hơn giống người nào và muốn bình đẳng mọi dân tộc. Ông xem thường Aristole vì điều này. Ông đánh giá cao nền văn hoá châu Á. Và còn nhiều điều thú vị khác mà có lẽ, bạn nên tự khám phá khi đi xem (tôi không thích thành một Ptolemy ở đây ;)

Phan xi nê

Bạn có thể quan tâm