Trong một thông báo hôm 7/8, tập đoàn Airbus xác nhận Cơ quan Chống gian lận nghiêm trọng Anh điều tra nghi án gian lận, đưa hối lộ và tham nhũng trong mảng hàng không dân dụng từ tháng trước, Bloomberg đưa tin.
Các cáo buộc đều liên quan tới vài nhà thầu trong những đơn cấp tín dụng xuất khẩu của Airbus. Hãng cũng tự mở cuộc điều tra nội bộ để làm sáng tỏ mọi nghi vấn.
Hàng loạt cơ quan cấp tín dụng xuất khẩu ở châu Âu đã ngừng xem xét đơn xin cấp tín dụng của Airbus từ khi các cáo buộc xuất hiện cách đây 4 tháng.
Trong khoảng thời gian không được hưởng tín dụng xuất khẩu, Airbus và đối thủ lớn nhất, Boeing, phải đối mặt với tình trạng khó lường trên thị trường khi chính phủ không hỗ trợ. Tập đoàn Boeing ở Mỹ cũng không thể xin cấp tín dụng thương mại do sự bất đồng trong Quốc hội Mỹ khiến Ngân hàng Xuất khẩu - Nhập khẩu không thể phê chuẩn các yêu cầu.
Một phi cơ A380 của Airbus. Ảnh:Airbus. |
Sau khi Airbus công bố vụ điều tra, giá cổ phiếu của hãng hôm 8/8 rơi xuống mức thấp nhấp (50,39 Euro/cổ phiếu) kể từ 11/7.
Nhiều chính phủ sử dụng tín dụng xuất khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Với nó, chính phủ bảo lãnh mọi khoản vay ngân hàng cho những doanh nghiệp mua hàng từ nước ngoài. Tổ chức nghiên cứu Jefferies Equity ước tính, các cơ quan tín dụng xuất khẩu cấp 7% tổng tín dụng cho các thương vụ giao máy bay của Airbus trong năm ngoái.
"Cuộc điều tra Airbus sẽ gây nên ảnh hưởng xấu. Các nhà tư vấn và bên trung gian thường khiến người ta lo ngại. Bán máy bay là hoạt động có tính cạnh tranh cao đến nỗi nhiều người muốn dùng thủ đoạn để đạt mục đích", Shukor Yusof, người sáng lập hãng tư vấn hàng không Endau Analytics ở Malaysia, bình luận.