Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ai thu mua cây cà gai leo ở Quảng Ngãi?

Một người đàn ông nói giọng miền Bắc giới thiệu là chủ điểm thu mua cà gai cho biết: số cà gai leo mua để chở ra Hà Nội bán cho công ty Tuệ Linh làm thuốc chữa bệnh gan chứ không phải bán sang Trung Quốc.

Ai thu mua cây cà gai leo ở Quảng Ngãi?

Một người đàn ông nói giọng miền Bắc giới thiệu là chủ điểm thu mua cà gai cho biết: số cà gai leo mua để chở ra Hà Nội bán cho công ty Tuệ Linh làm thuốc chữa bệnh gan chứ không phải bán sang Trung Quốc.

Với giá bán từ 3.500 - 5.000 đồng/kg, hơn 1 tháng nay, người dân ở các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi đổ xô đi săn lùng cây cà gai leo (người địa phương gọi là cây cà quánh, cà quýnh) để bán cho đầu nậu từ phía Bắc vào thu mua. Điều này giúp cho nhiều người dân thêm thu nhập, nhưng nguồn lợi này có thực sự tốt?

Sự thật về tác dụng của cây cà gai leo

Chúng tôi tìm đến điểm thu mua cây cà gai leo của một người phụ nữ có tên là Bình nằm ở phía nam cầu La Hà (thị trấn La Hà, Tư Nghĩa -Quảng Ngãi). Lúc này khoảng 5 giờ chiều, điểm thu mua này khá nhộn nhịp, bởi hàng chục người dân ở trong vùng và lân cận đang chở cây cà gai leo đến đây để bán.

 
Người dân đến bán cây cà gai leo tại điểm thu mua của bà Bình.

Cầm trên tay số tiền gần 300 nghìn đồng vừa có được từ việc bán 80kg cây cà gai leo, chị Thơm ở xã Nghĩa Phương có vẻ không hài lòng: thấy người dân đổ xô đi săn lùng cây cà gai leo về bán nhiều nên các điểm thu mua ép giá. Mấy ngày trước giá còn 5.000 đồng/kg, thì 80 kg chị cũng kiếm được 400 nghìn đồng, giờ chỉ giảm xuống còn 3.500 đồng/kg nên chỉ còn 280 nghìn đồng.

Chị Thơm kể, đang không có việc làm, thấy người ta mua cây cà gai leo, nên hai vợ chồng chị đi kiếm về bán. Mỗi ngày hai vợ chồng anh chị cũng có được trên 200 nghìn từ việc bán cây cà gai leo.

Theo người dân, có bao nhiêu cây cà gai leo thì bà Bình cũng mua hết. Với giá bán từ 3.500 đồng- 5.000 đồng/kg cà gai leo tươi, thấy dễ kiếm tiền nên khá nhiều người đổ xô đi tìm loại cây này.

"Lúc đầu còn ít người đi tìm chặt, nhổ cây cà gai leo, nhưng bây giờ nhiều người đi lùng sục khắp các nơi để tìm kiếm theo kiểu tận diệt đào cả gốc, rể bán cho các chủ thu mua, nên cây cà gai leo cũng ít dần, muốn kiếm được nhiều hai vợ chồng chị phải đi xa cả chục cây số"- Chị Thơm cho hay.

Theo quan sát của chúng tôi, tại điểm thu mua của bà Bình, đủ mọi thành phần, lứa tuổi, không chỉ người lớn mà còn có cả những em học sinh đến đây để bán cây cà gai leo.

Đang đứng chờ đến lượt để bán số cà gai leo kiếm được, em Phước (15 tuổi) ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) cho biết, tranh thủ những ngày cuối tuần em đi kiếm cây cà gai leo về bán. Bình quân mỗi ngày em cũng kiếm được gần 100 nghìn đồng.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, chỉ tính riêng một điểm của bà Bình, thì mỗi ngày lượng cây cà gai leo đã được thu mua tại đây ước tính khoảng vài tấn cây cà gai leo tươi.

 
Cà gai leo sau khi thu mua sẽ được các chủ đầu nậu thuê người chặt thành đoạn nhỏ để phơi khô.

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tiếp tục tìm một điểm thu mua cây cà gai leo khác nằm ở gần khu công nghiệp La Hà (Tư Nghĩa) - nơi đây được xem là điểm tập kết hàng khá lớn từ nhiều điểm thu mua trong tỉnh. Bình quân mỗi ngày có cả chục tấn cà gai leo được tập kết về.

Trên khuôn viên gần 500m2 đất trống, những đống cà gai leo chất la liệt khắp nơi. Tại đây, có khoảng 20 lao động đang cật lực để sơ chế số cà gai leo từ các điểm nhỏ chở đến. Số cà gai được chặt thành từng đoạn nhỏ, với chiều dài từ 10-20cm để phơi khô dọc theo các tuyến đường gần với điểm thu mua. Sau đó được cho vào khuôn bằng sắt để ép thành từng bánh để vận chuyển đi.

Theo lời của ông Phương, ở xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa), đang chặt thuê cà gai leo thành đoạn nhỏ tại đây, thì mỗi ngày chặt khoảng 200 tạ, được trả công 50.000 đồng/tạ.

Khi chúng tôi hỏi có biết người ta thu mua cây cà gai leo về làm gì không, thì ông Phương lắc đầu: nghe đâu người ta nói là chở ra bán ở các tỉnh phía Bắc để làm thuốc chữa bệnh gan, còn sự thật ra sao thì chịu. Còn một số người bán thì cho rằng, người ta thu mua cây cà gai leo đưa ra ngoài Bắc để xuất sang Trung Quốc, chế biến thành các loại biệt dược, thần dược.

 
Nơi được xem là điểm tập kết cây cà gai leo từ nhiều nơi trong tỉnh.

Tiếp xúc với chúng tôi, một người đàn ông nói giọng miền Bắc giới thiệu là chủ điểm thu mua này cho biết: số cà gai leo mua tại đây để chở ra Hà Nội bán cho công ty Tuệ Linh để làm thuốc chữa bệnh gan chứ không phải bán sang Trung Quốc như một số người nói. Bình quân khoảng 4kg cà gai leo tươi thì phơi được 1kg cà gai leo khô.

Thế nhưng, điều chúng tôi băn khoăn là nếu mua loại cây này để chở ra Hà Nội làm thuốc thì chẳng có vấn đề gì phải giấu giếm đến nỗi, khi chúng tôi có ý định chụp ảnh thì một số người nói giọng miền Bắc trong điểm thu mua ngăn cản, thậm chí hăm dọa không cho chụp ảnh.

Hiện tại, ngoài huyện Tư Nghĩa, ở nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng có người đứng ra thu mua loại cây này. "Không biết người ta thu mua về để chế biến thuốc, hay xuất đi đâu? Thế nhưng cứ cái đà này vài ngày nữa cây cà gai leo sẽ bị tận diệt "- ông Nguyễn Long (70 tuổi) ở thị trấn La Hà lo lắng.

Cây cà gai leo có nhiều tên gọi khác như: cà vạnh, cà cườm, cà quánh, cà quýnh, cà gai dây, cà lù. Tên khoa học Solanum hainanense hoặc Solanum procumbens lour, thuộc họ cà (Solanaceae). Cây mọc hoang nhiều nơi ở nước ta. Theo một số tư liệu thì đây là cây thuốc nam dùng để điều trị bệnh viêm gan B, với bộ phận dùng là rễ, cành lá và cả quả.

Cây cà gai leo là loại cây có chức năng giữ đất rất tốt, người dân thường dùng để che chắn, làm hàng rào cho đồng ruộng... Trước đây, từ những tin đồn thổi, đã có nhiều cây thuốc bị săn lùng theo kiểu tận diệt như: cây mật nhân, cây xáo tam phân... thì nay lại bùng lên cơn sốt săn tìm cây cà gai leo, nhiều người đặt câu hỏi, liệu sau cây cà gai leo thì sẽ tới loại cây nào sẽ tiếp tục được săn lùng, tận diệt ?

Theo Báo Quảng Ngãi

Theo Báo Quảng Ngãi

Bạn có thể quan tâm