Một năm trước, OpenAI phát hành ChatGPT như một bản demo giới thiệu công nghệ. Khi đó, công ty cho biết mục tiêu chỉ là thu thập thêm dữ liệu về cách mọi người sử dụng và tương tác với AI tạo sinh để tiếp tục phát triển các sản phẩm tiếp theo.
Với giao diện dễ sử dụng, như một cửa sổ trò chuyện miễn phí trên web, và khả năng nói chuyện như người thật, chatbot dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn GPT 3.5 trở thành sản phẩm công nghệ đạt mốc 100 triệu người dùng nhanh nhất trong lịch sử. Để so sánh, TikTok phải mất 9 tháng để đạt mốc này, trong khi ChatGPT chỉ mất 2 tháng.
Tận dụng sự phát triển bùng nổ khi ra mắt, OpenAI nhanh chóng cập nhật các tính năng trả phí cho ChatGPT, bao gồm cả gói hướng tới khách hàng doanh nghiệp. Công ty cũng cập nhật cho AI khả năng tìm kiếm trên Internet, phân tích tài liệu, xử lý hình ảnh nhờ tích hợp thêm mô hình DALL-E 3.
ChatGPT vẫn có hàng triệu người dùng ứng dụng hàng tháng chỉ riêng ở Mỹ. Ảnh: Digital Trends. |
Trong 2 bản cập nhật mới nhất vào cuối tháng 11, OpenAI cập nhật tính năng giao tiếp bằng giọng nói và khả năng tạo phiên bản GPT tuỳ chỉnh theo nhu cầu hoặc tác vụ cụ thể dành cho người dùng Plus và Enterprise.
Bước đột phá về thương mại hoá
ChatGPT cũng kéo theo sự ra mắt của các AI khác, chẳng hạn như Bard của Google, Amazon Q. DeepMind, phòng thí nghiệm nghiên cứu AI của Google, dự kiến sẽ ra mắt chatbot thế hệ tiếp theo, Gemini, vào cuối năm nay.
ChatGPT không phải là một bước đột phá về AI, nhưng là bước đột phá về trải nghiệm người dùng để đưa AI trở thành xu hướng, theo Stella Biderman, nhà nghiên cứu AI tại Tập đoàn Booz Allen Hamilton và EleutherAI. “Trước đây, bạn cần phải có một số kỹ năng chuyên môn nhất định để sử dụng AI tạo sinh. Bây giờ điều này đã thay đổi hoàn toàn", Biderman nói với TechCrunch.
Đến bây giờ, ChatGPT vẫn nhận được rất nhiều sự chú ý, dựa trên các số liệu thống kê của bên thứ ba. Theo Sameweb, trang web ChatGPT của OpenAI có hơn 140 triệu lượt truy cập trong tháng 10 và ứng dụng trên iOS và Android có 4,9 triệu người dùng hàng tháng chỉ riêng ở Mỹ.
Dễ sử dụng là yếu tố quan trọng giúp ChatGPT thu hút người dùng. Ảnh: Shutterstock. |
Dữ liệu từ công ty phân tích Data.ai cho thấy các ứng dụng trên 2 nền tảng đã tạo ra gần 30 triệu USD doanh thu, một con số khổng lồ vì ứng dụng cũng mới ra mắt được vài tháng.
Một trong những lý do khác khiến ChatGPT trở nên phổ biến đến tận bây giờ là khả năng thực hiện các cuộc trò chuyện cực giống người, theo Ruoxi Shang, nhà nghiên cứu về tương tác giữa con người và AI tại Đại học Washington.
AI sẽ tiếp tục thay đổi thế nào?
ChatGPT là AI đầu tiên đạt được đột phá về thương mại hoá, nhưng sản phẩm này vẫn chưa hoàn hảo do các hạn chế về công nghệ. Các mô hình ngôn ngữ lớn dự đoán từ tiếp theo trong một đoạn văn bản bằng cách quan sát hàng tỷ ví dụ về văn bản trên Internet.
Vì vậy, ChatGPT đôi khi “ảo giác” hoặc viết câu trả lời nghe trôi chảy nhưng thông tin sai hoặc bịa đặt. ChatGPT cũng bị ảnh hưởng bởi các thiên kiến trong dữ liệu đào tạo, tỏ ra phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc.
"Điều quan trọng nhất phải nhấn mạnh là AI tạo sinh rất phù hợp để tạo ra các khung cấu trúc chứ không phải nội dung. Mô hình ngôn ngữ lớn được đào tạo để dự đoán từ tiếp theo trong câu, có nghĩa là nội dung mà chatbot tạo ra thường có thể dự đoán được, trong khi các nội dung độc đáo thì không", Mushtaq Bilal, nhà khoa học xã hội tại Đại học Southern Denmark, người đã từng dạy các khóa học về sử dụng AI trong học thuật, nói với Nature.
Nguy cơ tạo ra thông tin sai vẫn là điểm yếu của các AI tạo sinh văn bản. Ảnh: Shutterstock. |
Thay vào đó, ChatGPT có thể đóng vai trò là đối tác khi được “ra lệnh” đúng, giúp xây dựng dàn ý nội dung hoặc các điểm khởi đầu, theo Bilal. OpenAI gần đây đã ra mắt tính năng tuỳ chỉnh, cho phép người dùng tạo ra các phiên bản ChatGPT bằng dữ liệu của mình, giúp hạn chế “ảo giác”.
Jamyn Edis, giáo sư tại Đại học New York với hơn 25 năm kinh nghiệm trong ngành công nghệ và truyền thông, cho biết mặc dù các ứng dụng AI tạo sinh đã phát triển nhanh chóng trong năm qua nhưng tốc độ này có thể không bền vững.
“Chúng ta cần dữ liệu để cung cấp cho mô hình và khi đã thu thập ngày càng nhiều văn bản, hình ảnh, video cũng như các định dạng dữ liệu khác, sẽ có một giới hạn nhất định", Edis nói.
Đây cũng là quan điểm của Sam Altman, CEO của OpenAI. “Chúng ta đang ở cuối kỷ nguyên của những mô hình khổng lồ, và sẽ phải làm cho mô hình hoạt động tốt hơn theo những cách khác", Altman nói tại một hội nghị AI được tổ chức tại MIT.
Mới đây OpenAI tiết lộ họ đang hướng tới việc tạo ra các bộ dữ liệu chuyên ngành để giúp các mô hình AI hiểu sâu hơn về nhiều chủ đề, ngôn ngữ và văn hóa. Một trong các dạng dữ liệu “phản ánh xã hội loài người” là các cuộc trò chuyện giữa con người với nhau, theo bài đăng trên blog của OpenAI, và công ty đang tìm kiếm tình nguyện viên để xây dựng kho dữ liệu này và tiếp tục cải thiện AI.
Những câu hỏi chúng ta phải đối mặt trong thế giới AI
Chúng ta có rất nhiều câu hỏi về thế giới AI, mà đó đều là những nghi hoặc không dễ có ngay đáp án.
Cuốn sách Thời đại AI - Và tương lai loài người chúng ta trình bày cách AI làm thay đổi mối quan hệ của chúng ta với tri thức, chính trị và xã hội. Mục tiêu tối thượng của cuốn sách này là giải thích về AI và cung cấp cho độc giả những câu hỏi mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong những năm tới lẫn bộ công cụ để bắt đầu trả lời chúng.