Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp. Ảnh: NVCC |
Tổng tuyển cử bầu ra quốc hội mới của Singapore sẽ diễn ra vào ngày mai 11/9. Cuộc bầu cử trùng dịp Singapore kỷ niệm 50 năm Quốc khánh. Đây cũng là lần đầu tiên ông Lý Quang Diệu không còn xuất hiện với tư cách nhân vật thu hút của đảng cầm quyền. Báo chí Singapore cho biết cử tri nước này tranh cãi về vấn đề nhập cư và việc làm.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tại Singapore, chia sẻ với Zing.vn một số quan sát về tình hình trước ngày bỏ phiếu ở đảo quốc sư tử.
- Năm nay, số lượng cử tri trẻ tham gia cuộc bầu cử ở Singapore đạt mức kỷ lục. Theo quan sát của ông, mối quan tâm lớn nhất của họ là gì?
- Tôi cho rằng những vấn đề mà thanh niên Singapore quan tâm sâu sát đều là các vấn đề thiết thực và gắn với cuộc sống. Trong đó, cơ hội việc làm chính là ưu tiên hàng đầu. Kinh tế Singapore vẫn thể hiện tốt trong các năm qua. Tuy nhiên, tình hình suy giảm vào các quý gần đây.
Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng chung của thế giới và ảnh hưởng từ sự suy giảm của Trung Quốc vừa qua. Do vậy, duy trì việc làm ổn định và cơ hội việc làm mới là ưu tiên của những cử tri trẻ.
Chuyện nhà ở và phúc lợi xã hội là mối quan tâm tiếp theo, đặc biệt với những người có ý định lập gia đình hoặc mua nhà. Hiện tại, điều kiện để người trẻ ở Singapore sở hữu một căn nhà, chăm sóc con… tương đối khó khăn.
Vấn đề thứ 3 là việc thanh niên mong muốn một chính phủ đại diện lớn hơn, nền chính trị mang tính đa nguyên hơn. Những cử tri trẻ có xu hướng ủng hộ đảng đối lập, trong khi những cử tri lớn tuổi sẽ trung thành với đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền.
- Ông dự đoán thế nào về những thay đổi chính sách về người nhập cư hậu bầu cử?
- Tranh luận về người nhập cư là mối quan tâm của nhiều người. Vấn đề này đã được chính phủ ít nhiều xoa dịu sau cuộc bầu cử năm 2011 qua các điều chỉnh về chính sách. Biện pháp cụ thể nhất là việc thắt chặt đầu vào của người nhập cư là lao động phổ thông. Theo đó, mức lương tối thiểu để công nhân có thể đón gia đình sang Singapore được nâng từ 2.800 SGD lên 4.000 SGD (1.900 USD đến 2.800 USD). Đây là cách trực tiếp để giảm sức ép tăng dân số cơ học ở đảo quốc.
Người nhập cư đông kéo theo các sức ép về cơ sở hạ tầng. Do vậy, PAP áp dụng biện pháp gián tiếp là đầu tư nâng cơ sở hạ tầng, như giảm sự quá tải của hệ thống giao thông công cộng. Các cách làm này ít nhiều đã có kết quả.
Thắt chặt người nhập cư chỉ là những chính sách trấn an dư luận của chính phủ. Về dài hạn, Singapore vẫn rất cần nguồn lực lao động này. Đầu năm 2013, chính phủ công bố Sách Trắng về dân số, dự báo nước sẽ tăng dân số, bao gồm người nhập cư. Nguồn cung lao động đang trở thành vấn đề nghiêm trọng, do tỷ lệ sinh ở Singapore thấp khiến tổng dân số có xu hướng giảm. Vì vậy, Singapore một mặt vẫn sẽ thắt chặt lao động nước ngoài phổ thông, đồng thời duy trì chính sách nhập khẩu lao động về lâu dài.
Tôi cho rằng nhà cầm quyền Singapore đang ở thế lưỡng nan, vừa phải xoa dịu chỉ trích của dư luận, vừa phải đảm bảo kinh tế Singapore tăng trưởng trong lâu dài mà không bị thiếu hụt lao động.
- Đảng cầm quyền dự kiến vẫn giành chiến thắng nhưng liệu PAP có lặp lại tình hình phiếu bầu thấp kỷ lục như hồi năm 2011?
Người dân ủng hộ đảng cầm quyền Hành động Nhân dân (PAP) tham gia một buổi vận động tranh cử ngày 8/9. Ảnh: AFP |
Đảng PAP có xu hướng giảm tỷ lệ phiếu bầu liên tục trong những cuộc bầu cử vừa qua, như năm 2001 là hơn 75%, năm 2006 đạt khoảng 66%, năm 2011 chỉ còn 60,1% và cũng là mức thấp nhất đến nay của họ. Vào ngày mai, số phiếu bầu của PAP có thể sẽ rớt xuống dưới 60%. Một số ý kiến cho rằng, con số thậm chí có thể xuống đến khoảng 55%.
Tuy nhiên, sau các điều chỉnh chính sách ban hành từ năm 2011, đảng PAP vẫn hy vọng họ có thể đảo chiều suy giảm này.
Cuộc bầu cử năm nay có 9 đảng tham gia, bao gồm đảng cầm quyền và phe đối lập lớn nhất là đảng Công nhân (WP). Sự cạnh tranh tập trung vào cuộc đối đầu giữa PAP và WP. Đảng WP hiện chiếm 9 ghế trong quốc hội. Mục tiêu của PAP là không để WP có cơ hội tăng thêm ghế.
Những đảng đối lập còn lại vẫn chưa gây dựng được uy tín với người dân. Dù còn nhiều bức xúc, nhân dân Singapore vẫn tin tưởng vào các chính đảng, với khả năng tổ chức bộ máy nhà nước và các chính trị gia năng lực trong việc điều hành quốc gia.
- Cuộc bầu cử năm nay sau khi Singapore kỷ niệm 50 năm quốc khánh và ông Lý Quang Diệu qua đời. Theo ông, điều này ảnh hưởng thế nào đến số phiếu bầu của PAP?
Sau khi ông Lý Quang Diệu từ trần, một số ý kiến cho rằng PAP vẫn cố gắng tận dụng cảm tình của nhân dân đối với "người cha lập quốc". Chính phủ cũng đã cố gắng tổ chức bầu cử sớm hơn để trùng dịp kỷ niệm 50 năm quốc khánh. Theo tôi, đây là một quyết định khôn ngoan của PAP khi họ có thể liên hệ giữa những thành công của đảng với thành tựu mà Singapore đạt được trong 50 năm qua.
Do vậy, tôi cho rằng tác động của việc ông Lý Quang Diệu qua đời đến tỷ lệ phiếu bầu của PAP năm nay sẽ không quá lớn. Điều này sẽ thể hiện rõ hơn ở những cuộc bầu cử trong tương lai.
Ngoài cương lĩnh chung, các ứng cử viên của đảng PAP khi vận động tranh cử đều đưa ra những chính sách gắn liền với cuộc sống của người dân. Khu vực tôi đang ở là địa phương ứng cử của ông Tharman Shanmugaratnam (Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore). Tài liệu tranh cử của ông nêu lên những biện pháp cụ thể như xây đường, tăng thêm tuyến xe buýt, xây các trung tâm cho người già, mẫu giáo…
- Thủ tướng Lý Hiển Long từng tỏ ý rời ghế quyền lực trước năm 70 tuổi. Năm nay ông đã 63 tuổi, vẫn có thể giữ chức thêm một nhiệm kỳ nhưng dư luận bắt đầu quan tâm về người sẽ kế nhiệm ông Lý. Theo quan sát của ông, những nhân vật nào có thể trở thành thủ tướng tương lai của Singapore?
Thủ tướng Lý Hiển Long phát biểu trước cử tri hôm 8/9. Ảnh: AFP |
Các thông tin nội bộ PAP dự đoán 4 gương mặt có khả năng kế nhiệm ông Lý Hiển Long. Trong số này, hai nhân vật xuất thân từ quân đội là Bộ trưởng Chan Chun Sing (Văn phòng Thủ tướng) và Bộ trưởng Tan Chuan Jin (Bộ Phát triển Xã hội và Gia đình). Hai người còn lại xuất thân dân sự là Bộ trưởng Giáo dục Heng Swee Keat và ông Lawrence Wong, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên.
Dư luận cũng đã chất vấn ông Lý Hiển Long rằng, liệu Singapore đã sẵn sàng để chọn ra một thủ tướng không phải người gốc Hoa? Thủ tướng Lý trả lời đại ý rằng, điều này còn tùy thuộc nhân vật có thể giao tiếp với đa số người dân và được nhân dân chấp nhận hay không. Theo tôi, một xã hội mà dân số phần lớn là người gốc Hoa như Singapore sẽ chưa thể sớm chấp nhận thủ tướng không phải người gốc Hoa.
- Cuộc bầu cử tập trung nhiều về chính sách đối nội. Liệu chính sách đối ngoại của Singapore sẽ có những thay đổi đáng kể không?
Tôi cho rằng các chính sách đối ngoại của Singapore sẽ không thay đổi nhiều hậu bầu cử. Chính sách đối ngoại thường mang tính chất nhất quán và liên tục. Nhiều khả năng PAP vẫn sẽ là đảng cầm quyền, và họ sẽ tiếp tục duy trì các cách làm từ trước đến nay.