Ngày 17/9, Wealth-X và UBS (ngân hàng Thụy Sĩ) đã công bố báo cáo “Billionaire Census 2014”. Trong đó, Việt Nam có 2 tỷ phú với tổng tài sản khoảng 3 tỷ USD. Một trong hai cái tên được xác định chắc chắn là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup - người đã có 2 năm liên tiếp lọt vào bảng xếp hạng tỷ phú thế giới của Forbes, với tài sản được ước tính vào khoảng 1,6 tỷ USD (công bố tháng 3/2014).
Tuy nhiên, cái tên còn lại vẫn còn là ẩn số, khi các con số thống kê chính thức trên sàn chứng khoán Việt Nam cho thấy chưa có doanh nhân nào đứng tên trực tiếp lượng cổ phiếu trị giá tương đương 1 tỷ USD. Các ứng viên sáng giá nhất được giới doanh nhân và truyền thông dự báo gồm ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch tập đoàn Masan), bà Trần Thị Hường (Chủ tịch tập đoàn Hoàn Cầu) và ông Dương Công Minh (Chủ tịch tập đoàn Him Lam).
Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang
Ông Nguyễn Đăng Quang được coi là ứng cử viên sáng giá nhất cho danh hiệu tỷ phú thứ hai chưa lộ diện của Việt Nam. Mặc dù vị Chủ tịch của công ty chuyên về hàng tiêu dùng này chỉ đứng tên số cổ phiếu vỏn vẹn 10 đơn vị (với thị giá khoảng 830.000 đồng - tính đến ngày 16/9) nhưng tổng giá trị khối lượng cổ phiếu do các công ty mà vị này sở hữu và tài sản trên sàn của gia đình ông đã vượt qua con số 1 tỷ USD.
Cụ thể, ngoài 10 cổ phiếu Masan (MSN), ông Nguyễn Đăng Quang còn nắm trong tay 23.000 cổ phần Masan Consumer (MSF) và 2,855 triệu cổ phần ngân hàng Techcombank (TCB). Giá cổ phiếu của TCB trên sàn OTC trong tuần qua dao động quanh mốc 9.500 đồng/đơn vị, của MSF là trên 60.000 đồng/đơn vị. Như vậy, tổng giá trị cổ phần trên sàn của ông Quang tính đến ngày 16/9 là 27,26 tỷ đồng. Riêng số cổ phiếu trên sàn chứng khoán và OTC của vợ và mẹ ông Quang có trị giá khoảng 1.991,6 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đăng Quang. Ảnh: Thành Luân. |
Đáng chú ý nhất, trong số các cổ đông hiện tại của MSN, có một công ty do ông Quang làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc đang sở hữu tới 34,03% cổ phần của Masan. Nếu tính cả số cổ phiếu sở hữu gián tiếp này, doanh nhân Nguyễn Đăng Quang và gia đình đang nắm lượng chứng khoán có giá trị tương đương 22.803,8 tỷ đồng, tương ứng khoảng 1,1 tỷ USD.
Ông Nguyễn Đăng Quang sinh ngày 28/3 tại Hà Nội, từng đạt học vị tiến sĩ Vật lý hạt nhân tại Liên Xô. Khi quay trở lại Nga sau hai năm sống tại Việt Nam với mức lương không đủ nuôi gia đình, ông mở công ty chuyên sản xuất mì gói và tương ớt nổi tiếng tại quốc gia Đông Âu này. Năm 2001, ông đưa công ty về Việt Nam, và hiện là Chủ tịch kiêm CEO của Masan Group, công ty có thị giá tính đến năm 2013 là hơn 3 tỷ USD.
Chủ tịch tập đoàn Hoàn Cầu Trần Thị Hường
Bà Trần Thị Hường sinh ra tại Hoài Nhơn, Bình Định, được xem là một trong những nữ doanh nhân giàu có và dẻo dai nhất của Việt Nam. Ở tuổi gần bát thập, bà vẫn nắm giữ vị trí cao nhất tại một tập đoàn có tới hàng chục công ty con và đối tác đầu tư. Bà cũng đồng thời là cố vấn tại ngân hàng Nam Á, nơi ba người con thay nhau giữ chức vụ cao nhất trong HĐQT. Mặc dù khối tài sản của bà Hường chưa từng được thống kê, nhưng giới doanh nhân vẫn ngầm hiểu về sự thành đạt của người phụ nữ 78 tuổi này từ chính những thương vụ đầu tư trị giá hàng chục triệu USD.
Xuất thân từ một gia đình thất bát, từng làm thợ may, lấy chồng, rồi chuyển sang kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (trong 5 năm), bà Hường nhanh chóng giàu lên nhờ vào ngành bất động sản. Năm 1993, bà thành lập công ty TNHH Hoàn Cầu, chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và sản xuất vật liệu xây dựng. Doanh nghiệp này có 10 công ty thành viên, tổng vốn điều lệ (tính đến năm 2010) khoảng gần 6.000 tỷ đồng. Năm 2008, để đăng cai tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới, bà Hường đã bỏ ra khoảng 65 triệu USD đầu tư vào khu nghỉ dưỡng Diamond Bay và các sự kiện quanh cuộc thi này.
Trước đó, trong những năm 90, bà Hường nổi tiếng nhờ hai thương vụ trong ngành kinh doanh đồ uống, bao gồm việc đầu tư 15 triệu USD để xây dựng nhà máy bia Vinagel rồi bán lại cho San Miguel giá 25 triệu USD. Sau đó, bà Tư Hường bỏ ra 5 triệu USD để xây dựng nhà máy nước giải khát rồi tiếp tục bán lại cho Lipovital với giá 17 triệu USD.
Nếu tính số tài sản trên sàn, bà Hường hiện giữ khoảng 4,19% cổ phần tại công ty Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584, với giá trị tương đương 7 tỷ đồng. Ngoài ra, bà và 5 thành viên khác trong gia đình đang nắm khoảng 11,63% cổ phần tại ngân hàng Nam Á, với giá trị tương đương 348 tỷ đồng, trong đó người con trai Nguyễn Quốc Toàn đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch (theo báo cáo thường niên tháng 6/2014 của Nam Á).
Chủ tịch tập đoàn Him Lam Dương Công Minh
Ông Dương Công Minh được biết đến với vai trò là ông chủ của công ty cổ phần Tập đoàn Him Lam - một công ty bất động sản lớn tại Việt Nam và Chủ tịch của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, cũng như chứng khoán Liên Việt. Là một người khá kín tiếng, ít xuất hiện trước báo chí, giá trị của khối tài sản của ông Minh hiện vẫn còn là một ẩn số. Thế nhưng, từ lời khẳng định của của người từng giữ danh hiệu giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam - đại gia Đặng Thành Tâm - rằng: "Nếu công ty anh ấy (ông Dương Công Minh) niêm yết, chắc khó có người nào vượt qua”, người ta cũng có thể ngầm đoán ra gia tài đồ sộ của doanh nhân gốc Bắc Ninh này.
Xuất thân từ một doanh nhân mặc áo lính, rồi ra kinh doanh riêng, nghiệp kinh doanh của ông Minh phất lên nhờ sở hữu một công ty chuyên làm dịch vụ hợp thức hóa nhà đất, rồi thành lập tập đoàn chuyên về địa ốc Him Lam. Theo các báo cáo năm 2009, Him Lam có vốn điều lệ khoảng 6.500 tỷ đồng. Trong đó, Chủ tịch Dương Công Minh sở hữu tới 99% cổ phần, tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng.
Ông Dương Công Minh (người bên trái) nổi tiếng với nghiệp kinh doanh trải dài từ ngân hàng, chứng khoán đến bất động sản. Ảnh: Tuấn Mark. |
Ngoài chức vụ Chủ tịch tại Him Lam, ông còn là Chủ tịch của công ty chứng khoán Liên Việt (LVS), ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và công ty Liên Việt Holding. Tại Liên Việt Holding, ông Minh nắm khoảng 31,3 triệu cổ phần, trong khi tại LienVietPostBank, ông đứng tên cho khoảng 80,4 triệu cổ phần thông qua tập đoàn Him Lam, tương ứng 12,5% vốn. Theo báo cáo thường niên của LienVietPostBank, ngân hàng này hiện có vốn điều lệ 6.460 tỷ đồng.
Nổi tiếng trên thương trường với nghiệp kinh doanh trải dài từ ngân hàng, chứng khoán đến bất động sản, nhưng điều làm nên sự khác biệt của ông chủ Him Lam là những công trình từ thiện mà ông xây dựng trên khắp Việt Nam. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, ông Minh và các công ty mà đại gia này làm chủ đã bỏ ra cả nghìn tỷ đồng để thực hiện các hoạt động từ thiện, xã hội trên khắp Việt Nam mà xây trường học ở khắp các tỉnh thành là một hoạt động nổi bật. Theo dự kiến, đến năm 2020, Tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh sẽ tặng mỗi tỉnh thành trên toàn quốc một trường học mà số tiền bỏ ra ở mỗi điểm đều lên tới hàng chục tỷ, có nơi xấp xỉ 100 tỷ đồng.