Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

QUIZZ

Ai là người tiên phong xóa bỏ thành kiến ‘xướng ca vô loài’?

Ông là người đầu tiên lập giải thưởng cho người nghệ sỹ “với cao vọng xây dựng một thế hệ cải lương tài và đức đi đôi, hầu xóa bỏ ít nhiều thành kiến đối với nghề hát xứ ta”.

Nhung nguoi Viet Nam tien phong anh 1

Câu 1: Ai là người có sáng kiến “ca ra bộ” mở đầu nghệ thuật sân khấu cải lương?

  • Nguyễn Quang Đại
  • Nguyễn Liên Phong
  • Nguyễn Tống Triều
  • Tống Hữu Định

Theo sách Những người Việt Nam đi tiên phong, đầu thế kỷ 20, đờn ca tài tử bắt đầu được đưa lên sân khấu. Tuy nhiên, các nghệ sĩ thời đó khi biểu diễn, ngoài lời ca, họ thường ngồi yên và chưa có những điệu bộ phù hợp với tình huống, tính cách nhân vật. Năm 1915, Tống Hữu Định (1869 - ?) người thôn Tân Giai, tỉnh Vĩnh Long đã cải tiến ca theo lối mới: vừa ca vừa ra bộ - vừa hát vừa thể hiện động tác hình thể hợp với lời ca. Sáng kiến này của ông đã tạo ra bước ngoặt mang tính tiền đề cho sự ra đời của sân khấu cải lương.

Nhung nguoi Viet Nam tien phong anh 2

Câu 2: Ai là người quyết định sự nghiệp hiện đại hóa sân khấu chèo nửa đầu thế kỷ 20

  • Tào Mạt
  • Trùm Thịnh (Nguyễn Văn Thịnh)
  • Nguyễn Đình Nghị
  • Cả Tam (Trịnh Thị Lan)

Theo sách Những người Việt Nam đi tiên phong, Nguyễn Đình Nghị (1886-1954), quê xã Thụy Lôi, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên là người đề xướng và thực hiện chèo cải lương - diễn chèo có sân khấu thay cho chiếu trời sân đình. Thể loại chèo mới này là cơ sở quan trọng để các nghệ sĩ khác tiếp tục hoàn thiện thành “chèo hiện đại” như ngày nay. Từ năm 1924-1944, Nguyễn Đình Nghị đã viết trên 60 vở chèo cải lương và làm sống lại nghệ thuật chèo cho phù hợp với hoàn cảnh nghệ thuật thời kỳ hiện đại.


Nhung nguoi Viet Nam tien phong anh 3

Câu 3: Ai là người đầu tiên soạn kịch theo lối Âu Tây?

  • Nguyễn Cát Ngạc
  • Nguyễn Hữu Kim
  • Vũ Đình Long
  • Vi Huyền Đắc

Theo sách Những người Việt Nam đi tiên phong, nhà viết kịch Vũ Đình Long (1896-1960) là người đầu tiên soạn kịch theo lối Âu Tây. Những năm 1920, sân khấu kịch nói Việt Nam đang đi những bước đầu tiên trên đường hình thành, nhưng phải đợi đến ngày 22/10/1921, người ta mới thật sự tin tưởng vào loại hình nghệ thuật này. Đó là ngày công diễn vở kịch Chén thuốc độc của Vũ Đình Long, tại Nhà hát lớn Hà Nội. Vũ Đình Long còn được biết đến là chủ nhà in, nhà xuất bản Tân Dân và chủ của nhiều tờ báo nổi tiếng khác.

Nhung nguoi Viet Nam tien phong anh 4

Câu 4: Ai là người tiên phong, góp phần xóa bỏ thành kiến ‘xướng ca vô loài’?

  • Trần Tấn Quốc
  • Lý Quý Chung
  • Hồ Ngọc Nhuận
  • Nguyễn Hữu Chung

Theo sách Những người Việt Nam đi tiên phong, năm 1958, nhà báo Trần Tấn Quốc, tên thật là Trần Chí Thành (1914-1987) đã đứng ra thành lập giải Thanh Tâm - giải thưởng dành cho nghệ sĩ sân khấu. Với việc lập giải thường này, cùng nhiều hoạt động tôn vinh đóng góp của người nghệ sĩ, Trần Tấn Quốc không chỉ tiên phong, góp phần tích cực xóa bỏ thành kiến “xướng ca vô loài”, mà còn nâng đỡ tâm hồn cho người nghệ sĩ về ý thức đem tài đức của mình để cống hiến cho xã hội.

Nhung nguoi Viet Nam tien phong anh 5

Câu 5: Ai là người Việt Nam đồng sáng lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương?

  • Nam Sơn
  • Lê Phổ
  • Lê Huy Miến
  • Mai Trung Thứ

Theo sách Những người Việt Nam đi tiên phong, đầu thập niên 1920, họa sĩ Nam Sơn (1890-1973) gặp gỡ và kết bạn với họa sĩ Victor Tardieu. Năm 1923, Nam Sơn đã trao cho Victor Tardieu bản Đề cương Mỹ thuật Việt Nam. Khi đọc xong bản đề cương này, Victor Tardieu đã gửi đơn lên chính quyền thuộc địa xin mở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Trong Báo cáo của Tổng nha Học chính Đông Dương năm 1937, Nam Sơn được ghi nhận là một trong hai người sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Nhung nguoi Viet Nam tien phong anh 6

Câu 6: Ai là khởi xướng phong trào “thơ mới” trong thi ca Việt Nam hiện đại?

  • Tản Đà
  • Phan Khôi
  • Thế Lữ
  • Xuân Diệu

Theo sách Những người Việt Nam đi tiên phong, Phan Khôi, hiệu Chương Dân (1887-1960) là người khởi xướng phong trào “thơ mới” với bài thơ Tình già. Ông cũng chính là người kêu gọi một lối thơ mới và mở đầu cho cuộc tranh luận giữa thơ mới và thơ cũ dữ dội từ Nam chí Bắc. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh - Hoài Chân đã nhận xét bài Tình già “mở ra một góc trời mới vì cái táo bạo”. Còn nhà phê bình Vũ Ngọc Phan thì ghi nhận: Phan Khôi là người khởi xướng thơ mới trước nhất…”.

Nhung nguoi Viet Nam tien phong anh 7

Câu 7: Ai là người mở đầu thể loại phóng sự ở Việt Nam?

  • Nguyễn Văn Vĩnh
  • Hoàng Tích Chu
  • Tam Lang
  • Vũ Trọng Phụng

Theo sách Những người Việt Nam đi tiên phong, nhà văn Tam Lang (1900-1986), tên thật Vũ Đình Chí, là người mở đầu thể loại phóng sự ở Việt Nam. Tác phẩm Tôi kéo xe của ông, viết năm 1932, in thành sách năm 1935 được xem là đánh dấu cho sự ra đời thể loại phóng sự. Trong tác phẩm Nhà văn hiện đại (1942), Vũ Ngọc Phan khẳng định: có thể coi quyển Tôi kéo xe là một quyển mở đầu cho lối văn phóng sự trong văn chương Việt Nam.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm