Quay trở lại tháng 7/2014, ngay sau khi kết thúc World Cup cùng đội tuyển Hà Lan, Louis van Gaal đã bay thẳng sang Mỹ để tập trung cùng MU cho chuyến du đấu ở xứ sở cờ hoa. Có lẽ không nhiều người biết việc đầu tiên Van Gaal làm trong buổi tập đầu tiên cùng “Quỷ đỏ” là chỉ cho Wayne Rooney cách sút bóng.
Không có ai ở MU hiện đủ tầm ảnh hưởng để chỉ bảo Paul Pogba. Ảnh: Getty Images. |
Khi đó ở tuổi 29, Rooney vẫn là đội trưởng tuyển Anh cũng như MU, và động thái thị phạm của ông thầy mới như một cú tát thẳng vào lòng tự trọng của “Gã Shrek”. Thực tế sau đấy cũng cho thấy rằng Rooney không hoàn toàn có được lòng tin của Van Gaal, và ngược lại.
Hành trình của Van Gaal cùng MU kết thúc với chỉ một chiếc cúp FA, và một mùa bị loại khỏi đấu trường Champions League từ vòng bảng cùng những lời chỉ trích về lối đá buồn ngủ tới mức tra tấn những cổ động viên, bất chấp việc họ đã chi ra một núi tiền cho thị trường chuyển nhượng. Rooney chỉ có tổng cộng 29 bàn/79 trận sau 2 mùa này, và bắt đầu bước vào hành trình sa sút.
Những ngôi sao lớn như Rooney có cái tôi lớn, và việc môi trường xung quanh họ có một ngôi sao đủ tầm để họ “nể” và cùng phối hợp (hoặc tuân lệnh) là điều không mới trong thế giới bóng đá. Như chính MU trong quá khứ duy trì được vị thế hàng đầu châu Âu trong hơn 20 năm là vì sở hữu Sir Alex Ferguson đầy uy quyền trên băng ghế chỉ đạo, cùng những công thần kéo dài qua nhiều giai đoạn như Bryan Robson, Steve Bruce, Eric Cantona, Roy Keane, Paul Scholes, Ryan Giggs, Rio Ferdinand hay chính Rooney.
Dưới thời Sir Alex, các cầu thủ tuân thủ tuyệt đối mệnh lệnh của nhà cầm quân người Scotland. Những trường hợp muốn nổi loạn đều có chung một kết cục là rời khỏi sân Old Trafford, cho dù đó có là biểu tượng như David Beckham, thủ lĩnh như Roy Keane hay những trụ cột tưởng chừng không thể thay thế như Jaap Stam hay Ruud Van Nistelrooy.
Cách quản lý chặt chẽ, và luôn tạo ra tính kế thừa này của Sir Alex đã in sâu vào không chỉ tiềm thức những CĐV "Quỷ đỏ", cả những CĐV trung lập. MU với họ luôn là một CLB có thể “trị” được những ngôi sao bằng chính nguồn lực bên trong.
Song ở thời điểm này, MU đang không thể “trị” được Pogba. Tiền vệ người Pháp ở mùa thứ hai khoác áo “Quỷ đỏ” đang ngày một trở thành cái gai trong mắt những CĐV. Những trận đấu đỉnh cao ngày càng ít đi, trong khi những màn trình diễn vẽ vời thiếu hiệu quả ngày một nhiều lên. Đỉnh điểm trong số này là trận lượt về gặp Sevilla tại Champions League.
Paul Pogba không có mối quan hệ tốt đẹp với huấn luyện viên Jose Mourinho. Ảnh: Getty Images. |
Kể từ khi Pogba được tung vào sân, thế trận của MU gãy đổ. Trong bối cảnh buộc phải ghi bàn, Pogba vẫn chơi thứ bóng đá biểu diễn của riêng mình, báo hại MU để thủng lưới vì những lỗ hổng nơi vị trí tiền vệ mà anh đảm nhiệm.
Mới đây báo chí Anh cũng tiết lộ tiền vệ người Pháp và HLV trưởng Jose Mourinho đã không còn chung tiếng nói, thậm chí còn có tin Pogba sẵn sàng quay trở lại CLB cũ Juventus hoặc tới PSG, nói chung là sẽ rời khỏi sân Old Trafford.
Lý do nào để Pogba, tiền vệ trung tâm được đánh giá hay nhất nhì thế giới không thể phô diễn được tài năng trong màu áo MU? Nguyên nhân có là vì trong đội hình "Quỷ đỏ" hiện tại không còn một ai đủ tầm và cả cái uy để “dạy bảo” Pogba, như cách mà Cantona từng dạy bảo Roy Keane, Beckham, Giggs hay cách Scholes, Giggs chỉ dẫn Ronaldo?
Còn nhớ tại Juventus, tiền vệ người Pháp trưởng thành từ một cầu thủ dự bị tại MU, thành ngôi sao trong một môi trường có Andrea Pirlo, Gianluigi Buffon, Andrea Barzagli… những nhà vô địch thế giới, hay Arturo Vidal, đội trưởng ĐT Chile và là một mẫu thủ lĩnh cả trong lẫn ngoài sân cỏ.
MU hiện không có những mẫu cầu thủ như thế. Không thể trông chờ Pogba sẽ nghe lời Chris Smalling hay Antonio Valencia trên sân cỏ. Người khả dĩ nhất có thể chỉ bảo Pogba, Michael Carrick thì không phải mẫu cầu thủ có phong thái thủ lĩnh. Cầu thủ cuối cùng của MU từng vô địch Champions League quá trầm tính để trở thành một hình mẫu truyền cảm hứng tới người đàn em.
Jose Mourinho cũng không thể chỉ bảo ngôi sao cá tính kiểu thời đại mới như Pogba. Cách huấn luyện dựa nhiều vào tâm lý chiến, đặt mình vào thế cửa dưới để tạo động lực của “Người đặc biệt” không thích hợp với mẫu cầu thủ ngôi sao như tiền vệ sinh năm 1993.
Tại Juve, Pogba đâu phải hạ mình trước đối thủ nào để giành Scudetto. Trên sân cỏ, Jose Mourinho lại càng không phải người có thể thị phạm cho Pogba. Nếu như Zidane “dạy” được Cristiano Ronaldo cách sút phạt, Fabio Capello rèn được Zlatan Ibrahimovic hay Clarence Seedorf cách sút bóng, thì tại MU không một ai có thể làm được điều tương tự với Pogba.
Nghiễm nhiên là ngôi sao sáng nhất, Pogba có quyền “diễn”. Khi ấy, mọi thứ chỉ có thể tệ đi, cho chính anh và cả MU.