Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Ai là người cô độc nhất, biệt lập với sự sống của nhân loại?

Từ thuở ấu thơ, Michael Collins thường ngắm nhìn bầu trời và tự hỏi những gì đang diễn ra trong màn đêm đen huyền bí kia.

Nguoi co don nhat duoc lich su ghi nhan anh 1Nguoi co don nhat duoc lich su ghi nhan anh 2

Từ thuở ấu thơ, Michael Collins thường ngắm nhìn bầu trời và tự hỏi những gì đang diễn ra trong màn đêm đen huyền bí kia.

"Kể từ thuở Adam khai thiên lập địa, chưa có bất kỳ con người nào biết đến sự cô độc như cách Michael Collins đang trải qua lúc này, ở vùng tối Mặt Trăng. Toàn bộ hệ thống liên lạc của anh bị gián đoạn. Không có ai để nói chuyện trừ máy ghi âm trên tàu Columbia", một nhà bình luận của NASA nói ngay khi sự kiện Apollo 11 (1969) diễn ra.

“Bấy giờ tôi chỉ có một mình, thực sự đơn độc, hoàn toàn biệt lập với mọi sự sống đã biết. Có ba tỷ và hai người ở phía bên kia Mặt Trăng, còn tôi ở bên này cộng với ai nữa chỉ có Chúa mới biết", Collins chia sẻ.

Michael Collins nhớ như in những ngày ấu thơ, ông thường ngước nhìn bầu trời và luôn thấy điều kỳ diệu. Ông muốn biết thêm về chúng, đó cũng là lúc ông biết mình phải trở thành một phi hành gia.

Nguoi co don nhat duoc lich su ghi nhan anh 3

Cùng sinh năm 1930, thế hệ của Collins, Amstrong, Aldrin lớn lên trong cuộc chạy đua vào không gian giữa hai siêu cường. Điều đó gói gọn qua câu nói của Collins: "Những thanh niên như bọn tôi nhớ đầy đủ tên của 7 thành viên trong sứ mệnh Mercury" (chương trình đưa người vào vũ trụ đầu tiên của Mỹ, giai đoạn 1959-1963).

Ông xuất thân từ một gia đình quân nhân. Cha và anh trai là các tướng lĩnh, chú là tham mưu trưởng quân đội. Tuy vậy, ông quyết định không đụng đến súng đạn.

Năm 1961, Collins theo học Trường Thử nghiệm Thí điểm tại căn cứ Không quân Edwards, California. Năm đó, Tổng thống John F. Kennedy tuyên bố Mỹ sẽ đưa người lên Mặt Trăng và trở về an toàn vào cuối thập kỷ. "Khi ấy, tôi và khoảng 80% đồng nghiệp đã rất háo hức", ông nhớ lại.

Nguoi co don nhat duoc lich su ghi nhan anh 4

NASA và các chương trình không gian của họ luôn hấp dẫn, thu hút nhiều sinh viên theo đuổi giấc mộng khám phá vũ trụ. Tuy nhiên, vẫn có 20% sinh viên thà thử nghiệm máy bay mới cho Không quân còn hơn bị bắn ra ngoài vũ trụ lạnh giá, trong một con tàu không biết chắc có về được không.

Collins đã làm phi công chiến đấu trong bốn năm, tốt nghiệp trường bay ở tuổi 22. Ngay lần đầu tiên nộp đơn xin vào chương trình không gian, ông đã bị loại không thương tiếc. Collins cho rằng có hàng tá lý do để người ta loại ông ra, nhưng nguyên nhân chính là vấn đề tâm lý.

Sau nhiều nỗ lực, Collins được chọn vào lớp phi hành gia năm 1963. Gemini 10 là nhiệm vụ đầu tiên của ông, kế đến là Apollo 11.

"Sau sáu năm từ 1963 đến 1969, tôi và các phi hành gia đồng nghiệp chỉ biết chăm chỉ, dậy sớm và bỏ luôn các kì nghỉ cuối tuần", ông nói. Họ hiếm khi về nhà và liên tục bay từ bờ biển này sang bờ biển khác, thăm các cơ sở sản xuất tàu vũ trụ.

Ngoài ra, họ còn tham dự các lớp học tìm hiểu mọi thứ về con tàu vũ trụ sẽ bay, dành thời giờ trong các trình giả lập nhiệm vụ để xử lý mọi lỗi có thể xảy ra.

Khi ấy, một trong những yêu cầu để trở thành phi hành gia là tốt nghiệp một trường thí điểm thử nghiệm. Các phi công thử nghiệm đã quen với căng thẳng tinh thần và nguy hiểm về thể chất. Vì vậy Collins tin rằng NASA tập trung hơn vào khía cạnh khác. Họ muốn đảm bảo phi hành gia có thể vận hành máy móc phức tạp sẽ được đưa lên Mặt Trăng.

Nguoi co don nhat duoc lich su ghi nhan anh 5

Collins biết rằng sẽ cùng với Buzz Aldrin và Neil Armstrong đi trên tàu Apollo 11 sau cuộc gọi từ Deke Slayton. Slayton là phi công trong Thế chiến II và là một trong những phi hành gia đầu tiên của Mercury Seven, Chánh văn phòng phi hành gia NASA.

“Anh vẫn còn muốn lên Mặt Trăng chứ?”, Slayton hỏi Collins.

“Đương nhiên rồi”.

"Tuyên bố năm 1961 của Kennedy về việc đưa người lên Mặt Trăng cứ quanh quẩn trong tâm trí tôi", Collins hồi tưởng. Ở tuổi 39, khi đó ông cảm thấy mình sẽ mang trọng trách của cả thế giới.

Tuy vậy Collins không hề nói gì với vợ, bà Pat, về các nguy hiểm tiềm tàng của chuyến du hành lịch sử đó.

Nguoi co don nhat duoc lich su ghi nhan anh 6

Rất nhanh chóng, ngày 16/7/1969 cũng đến.

Ba phi hành gia đến dưới chân một tòa tháp cao 111 m. Thang máy đưa họ lên module chỉ huy tàu Columbia. Collins nhìn sang bên trái và thấy một đại dương trong vắt, bên phải là đống máy móc khổng lồ, siêu phức tạp.

"Tôi còn nhớ khi đó đã nghĩ đống máy móc này quá phức tạp với mình", ông nói, "Chúng tôi đều hiểu rằng nguy hiểm sẽ xảy ra bất cứ lúc nào một khi đã đặt chân vào vũ trụ. Song tất cả vẫn rất lạc quan ngày trở về".

Ngay sau thời khắc đó, cả ba là nhân vật chính trong chuỗi sự kiện xảy ra liên tiếp đã trở thành lịch sử.

"Điều chính yếu trong tâm trí tôi - một phi công thử nghiệm - là toàn bộ nhiệm vụ trông như một chuỗi các tác vụ nhỏ nối tiếp nhau. Chỉ cần một trong số chúng thất bại là cả nhiệm vụ tan tành".

"Tôi không thể tin rằng các thiết bị của chúng tôi, từng bu-lông nhỏ cuối cùng đều được kiểm tra triệt để. Tôi ngả mũ bái phục các nhà thiết kế, kỹ sư, thợ máy và nhân viên bảo trì, tất cả những người đã làm cho còn tàu đó trở nên đáng tin cậy", ông nói.

“Tất cả hành động đều tiềm ẩn khả năng thất bại rất cao. Đầu tiên là phải thoát ly khỏi Trái Đất từ mũi Canaveral, sau đó tiến vào không gian, bay vòng quanh Mặt Trăng rồi trở về nhà. 8 ngày trên vũ trụ, mọi thứ trong đầu bạn chỉ đơn giản là sai một ly, đi một dặm. Bất cứ sai lầm nào cũng sẽ chấm dứt cuộc đời bạn”.

Nguoi co don nhat duoc lich su ghi nhan anh 7

Collins thường được gọi là người đàn ông cô đơn nhất khi trở lại Trái Đất. Ngay cả Richard Nixon cũng bỏ qua ông. Tổng thống gửi lời chào đến hai người đầu tiên lên Mặt Trăng, nhưng quên mất người thứ 3 trong nhiệm vụ.

Song Collins không cảm thấy như vậy, ngay cả khi mất liên lạc với Trung tâm điều khiển lúc con tàu đi vào vùng khuất của Mặt Trăng, cách 2 nhà du hành còn lại vài nghìn km và Trái Đất 400.000 km. Đến nay, chưa ai ở "xa nhà" hơn Collins.

Ông cũng như những người hướng nội khác hiểu rõ, chỉ khi là "người cô đơn nhất lịch sử", ông mới tìm được hạnh phúc của một vài phút bình yên, tĩnh lặng tuyệt đối trong không gian xa xăm, cách biệt khỏi "thế giới" mà người ta từng biết.

Trong khi Aldrin và Armstrong đáp xuống Mặt Trăng, thiết lập các thí nghiệm và thu thập đá mẫu từ bề mặt, Collins vẫn ở trên tàu mẹ, giữ hệ thống vận hành trơn tru và bay vòng quanh. Khi xong việc, ông sẽ đón tất cả.

Nguyên nhân cho việc tách ra này bởi nếu toàn bộ con tàu hạ cánh trên Mặt Trăng, khối lượng quá lớn sẽ không thể tự phóng trở lại không gian và quay về Trái Đất. Vì vậy, một phần module sẽ tách khỏi tàu mẹ và hạ cánh trên Mặt Trăng, phần còn lại vẫn bay vào quỹ đạo.

Quá trình tách, đón là một trong những bài tập họ đã chuẩn bị nhiều nhất trong kỳ huấn luyện trên Trái Đất. Collins có một cuốn sổ tay với 18 kịch bản khác nhau.

Nguoi co don nhat duoc lich su ghi nhan anh 8

Dù chỉ cách bề mặt Mặt Trăng 96 km nhưng do Apollo 11 không được trang bị TV, Collins không có cách nào theo dõi hành động 2 con người kia.

“Tôi muốn quan sát đồng nghiệp của mình lắm, nhưng công nghệ thời đó chưa cho phép”, ông nói, “Tôi cũng muốn tận mắt xem thử trên Mặt Trăng có Thỏ Ngọc không”.

"Trên tàu có cà phê nóng và nhạc nếu tôi muốn. Đài radio cũng có người, đôi khi quá nhiều người nữa là khác. Cho nên tôi thực sự thích con tàu, nó như một nơi chỉ dành cho riêng tôi”, ông nói.

Sau khi cả 3 gặp lại nhau sau cuộc đổ bộ lịch sử, Collins đã muốn mở một bữa tiệc ngay tại đó để chúc mừng, nhưng nhiệm vụ vẫn còn đó. Tất cả chỉ thực sự chấm dứt khi họ đã an toàn trở về Trái Đất.

“Tôi nhớ rằng định ôm chầm lấy Buzz và hôn lên trán anh ấy, nhưng rồi quyết định thôi. Còn Neil, tôi thậm chí còn không chạm vào người khi anh ấy đi qua. Vậy đó, chúng tôi không nói gì nhiều kiểu như "Ồ, chúc mừng anh đã hạ cánh trên một hành tinh khác”, hoặc tương tự thế”.

Collins cố kiếm chút rượu cognac mà ông nghĩ rằng hẳn sẽ có ai đó đã lén đem lên tàu, thực tế ông không bao giờ tìm thấy nó.

Nguoi co don nhat duoc lich su ghi nhan anh 9

Lễ kỷ niệm 50 năm sứ mệnh lên Mặt Trăng không nhiều ý nghĩa với Michael Collins.

"Tôi biết con số 50 đẹp hơn nhiều so với 49 hay 51, nhưng với tôi thì không. Ký ức sẽ dần bị che mờ khi thời gian trôi qua. Kỷ niệm lần thứ 50 tệ hơn một chút so với 49 hay 48, 47 thì khá hơn một chút".

"Tôi cảm thấy mình là một phần của những gì đang diễn ra trên bề mặt Mặt Trăng năm đó. Sẽ là kẻ ngốc nếu tôi cho rằng bản thân có vai trò quan trọng. Thực tế, tôi hoàn toàn hài lòng với vị trí mình có được".

"Con tàu được chế tạo cho ba người, bất kỳ ai cũng là mảnh ghép quan trọng. Tôi không nói là không có cảm giác cô độc, bởi khi liên lạc vô tuyến với Trái Đất đột ngột bị cắt đứt ngay khi tôi biến mất sau Mặt Trăng, khi đó tôi thực sự lẻ loi”.

"Nhưng suy cho cùng, tôi chẳng phải người nổi tiếng cũng không phải anh hùng".

Nguoi co don nhat duoc lich su ghi nhan anh 10

"Anh hùng có rất nhiều trong cuộc sống và họ nên được tôn kính, nhưng phi hành gia không phải anh hùng. Chúng tôi làm việc chăm chỉ, đến mức gần như hoàn hảo, nhưng đó là những gì chúng tôi được thuê để làm. Chúng tôi không đủ tiêu chí để nhận Huân chương Danh dự của Quốc hội Mỹ trong đó ghi rõ anh hùng phải là người: 'Làm nhiều hơn và vượt ra khỏi lời kêu gọi nghĩa vụ'".

"Còn là người nổi tiếng? Thật vô nghĩa, đó là khái niệm trống rỗng. Như bạn tôi, nhà sử học vĩ đại Daniel Boorstin đã nói: "Nổi tiếng vì sự nổi tiếng của chính mình”. Nó chẳng có ý nghĩa gì, nhiều khi tôi làm chuyện vớ vẩn và bị tống vào tù cũng trở nên nổi tiếng, cần gì phải là phi hành gia?"

Nguoi co don nhat duoc lich su ghi nhan anh 11

Tuyên bố của Tổng thống Kennedy vẫn quanh quẩn trong đầu Collins suốt nhiều năm, tới tận nửa thế kỷ sau, nó vẫn còn đó.

Apollo 11 là khoảnh khắc đáng tự hào nhất trong cuộc đời Collins. Nỗi tiếc nuối lớn nhất của ông là những người đã chết trong tai nạn huấn luyện. Các phi hành gia Apollo 1 và người bạn Charlie Bassett của ông đã mất như thế.

Nguoi co don nhat duoc lich su ghi nhan anh 12

“Apollo 11 là thành công đỉnh cao. Cuối cùng, chúng tôi đã có thể làm những gì Tổng thống mong muốn. Neil, Buzz và cả tôi đều cảm thấy hài lòng vì đã cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ”.

Nhìn thấy Mặt Trăng thật ngoạn mục, nhưng điều làm Collins ấn tượng nhất chính là hình ảnh Trái Đất khi đó. "Tôi thấy Trái Đất bên ngoài ô cửa sổ của mình. Cả thế giới có kích thước chỉ bằng ngón tay tôi”.

"Trái Đất nhìn từ vũ trụ mang đến sự mê hoặc lạ kì. Màu xanh của đại dương, màu trắng của những đám mây, một chút nâu từ những lục địa...Tất cả chúng trông thật lộng lẫy".

Collins nhận thấy điều gì đó đột nhiên xuất hiện bên trong ông, có lẽ là chút cảm xúc quê hương của một con người.

Nguoi co don nhat duoc lich su ghi nhan anh 13

“Thật kỳ lạ, có vẻ như quê nhà thật mong manh”.

“Bạn muốn chăm sóc nó, bạn muốn nuôi dưỡng nó, bạn muốn tốt cho nó. Tất cả vẻ đẹp đó thật tuyệt vời. Nó thật nhỏ bé, nó là ngôi nhà của chúng ta, nó là tất cả mọi thứ chúng ta biết và nó mong manh đến kì lạ”.

"Ngày nay, chúng ta có tới 8 tỷ thay vì 3 tỷ người như cách đây 50 năm. Sự phát triển này không bền vững. Môi trường và thiên nhiên bị huỷ hoại làm cho sự sống trên hành tinh ngày càng bị đe doạ".

"Tôi thực sự tin rằng nếu các nhà lãnh đạo thế giới nhìn thấy hành tinh chúng ta từ khoảng cách mà tôi có được, cái nhìn của họ sẽ thay đổi. Trái Đất phải là một thể thống nhất như bản chất của nó: Xanh và trắng, không tư bản hay cộng sản, không giàu hay nghèo, không sắc tộc, màu da, không ghen tị hay đố kị. Nó là một quả cầu màu xanh và trắng, mong manh và dễ tổn thương”.

Vì sao eSports ở Hàn Quốc phát triển không đâu sánh bằng?

Sau kỳ tích Hán giang, khủng hoảng tài chính châu Á buộc chính phủ Hàn Quốc phải trở mình. Internet được chọn để phát triển, mở ra nền văn hóa eSports cực thịnh tại đây.

Huỳnh Lộc

Đồ họa: Phượng Nguyễn

Bạn có thể quan tâm