Hôm 27/8, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell thông báo thay đổi chính sách và sẽ cho phép lạm phát gia tăng để tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. FED cũng phát tín hiệu duy trì lãi suất của Mỹ ở mức thấp trong một thời gian dài. Ông Daniel Moss, chuyên gia kinh tế châu Á tại Bloomberg, nhận định quyết định này "đã bật đèn xanh cho các nền kinh tế châu Á tăng tốc trong thập kỷ tới".
"Điều này sẽ mang tới cho châu Á cơ hội để chữa lành vết sẹo sâu do dịch Covid-19 gây ra. Rủi ro của việc tăng trưởng nóng sẽ giảm trong nhiều năm", ông Moss bình luận.
Ngân hàng Indonesia có thêm dư địa để thử nghiệm các biện pháp mới. Philippines tăng cường khả năng kiếm tiền từ nợ. Hàn Quốc cũng có thể dứt khoát hơn trong việc nới lỏng định lượng. Còn các nhà hoạch định chính sách ở Ấn Độ gạt bỏ nỗi lo lạm phát cao và tiếp tục giảm lãi suất.
Hôm 27/8, Chủ tịch FED Jerome Powell tuyên bố thay đổi chính sách và sẽ cho phép lạm phát gia tăng. Ảnh: Bloomberg. |
Về lý thuyết, nếu FED cho phép lạm phát ở trên mức 2% trong một thời gian, sức mạnh của đồng bạc xanh sẽ suy yếu. Điều đó có nghĩa là các nền kinh tế châu Á có thể thoải mái hơn trong việc duy trì chính sách mà không phải lo ngại về vấn đề đồng tiền mất giá. Nhiều quốc gia tại châu Á có chế độ tỷ giá mềm (soft peg) với đồng USD. Morgan Stanley mô tả động thái mới của FED là lực cản chính của đồng USD trong thời gian tới.
"Khi chúng ta vượt qua đại dịch, tác động lớn nhất của động thái từ FED - một động thái có khả năng thúc đẩy quá trình hồi phục - sẽ được phơi bày", chuyên gia Daniel Moss nhận xét.
Cuộc "đại tu" đã được hình thành từ năm 2018, trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra và 10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đó là bối cảnh nền kinh tế gượng dậy chậm chạp và lạm phát rất thấp.
"Vậy điều gì sẽ xảy ra vào thời điểm hiện tại? FED đang đấu tranh cho cuộc chiến cuối cùng. Các chính sách cho thấy cơ quan này tin rằng giá cả sẽ hoạt động giống thời kỳ hậu khủng hoảng năm 2008. Đó là lạm phát không xảy ra như dự đoán", ông Moss bình luận.
Giới đầu tư châu Á không lo ngại đồng tiền mất giá so với đồng bạc xanh. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa hai cuộc khủng hoảng là tốc độ phản ứng của các ngân hàng trung ương và hiệu lực của những chính sách tài khóa. Vì vậy, theo ông Moss, giá cả có thể diễn biến khác trong thời kỳ hậu khủng hoảng vì dịch Covid-19.
Và sự xáo trộn không bắt nguồn từ Mỹ. 10 năm qua, một trong những giai đoạn bất ổn nhất của châu Á là nỗ lực phá giá đồng tiền của Trung Quốc.
Một rủi ro khác là nếu các nhà chức trách tiếp cận quá mức hoặc tự tin thái quá vào khả năng vượt qua giới hạn thông thường. Indonesia không bị sa lầy vào cuộc khủng hoảng nợ như nước này có thể có trong kỷ nguyên trước. Tuy nhiên, không có gì là miễn phí. Sau quý II/2020, đồng rupiah Indonesia là đồng tiền có hoạt động tệ nhất ở châu Á so với đồng USD kể từ ngày 1/7.
Tuy nhiên, các nước châu Á hưởng lợi nhiều hơn từ chính sách mới của FED. Hiện giờ, vấn đề lạm phát tăng đột biến cũng không còn đáng lo ngại. Ngay cả khi giới chức trách cho phép tăng trưởng bật tăng vào cuối năm nay và năm sau, có thể còn lâu giá cả mới leo thang.
Món quà mới nhất của Chủ tịch FED Jerome Powell giờ còn kèm theo sạc pin để kéo dài thời lượng. Tất cả những gì châu Á cần làm là cắm vào.
- Daniel Moss (Bloomberg)
Trong khi thị trường lao động ở nhiều nền kinh tế có thể đã chạm đáy, tỷ lệ thất nghiệp vẫn sẽ chỉ giảm và giảm. Toàn bộ ngành, chẳng hạn như hàng không, du lịch và khách sạn, mất nhiều năm nữa để vượt qua dịch Covid-19. Vậy nên, giảm phát mới là mối đe dọa lớn nhất.
"Khi FED bắt đầu lùi việc tăng lãi suất từ năm 2019, tôi đã viết rằng Chủ tịch FED Jerome Powell đã tặng cho châu Á một món quà. Món quà mới nhất của ông ấy giờ còn kèm theo sạc pin để kéo dài thời lượng. Tất cả những gì châu Á cần làm là cắm vào", chuyên gia của Bloomberg bình luận.