TchyA là bút danh của nhà văn, nhà thơ Đái Đức Tuấn. Tên của ông bắt nguồn từ sự say mê một mỹ nhân Hà thành tên Bích Ngọc, nàng mang nét đẹp Tây phương nên lấy tên mình là Angèle. Cũng từ tình yêu đó mà chàng phong lưu công tử một thời đã chọn bút hiệu của mình là Tuấn (hay Tôi) chỉ yêu Angèle, viết gọn thành cái tên TchyA như bây giờ.
Bút danh lạ lùng này đã từng rất nổi danh bởi những vần thơ được gọt dũa điêu luyện, đầy thanh tao ý tứ, đặc biệt hơn khi TchyA còn là văn sĩ viết rất nhiều truyện kinh dị truyền kỳ. Mặc dù mang tiếng là “truyện đường rừng” ba xu nhưng tiểu thuyết Ai hát giữa rừng khuya vẫn là một tác phẩm nổi bật, thể hiện quan điểm sống dấn thân, vội vã của thế hệ thanh niên bấy giờ.
Ai hát giữa rừng khuya kể về kiếp hồng nhan bạc phận của nàng đào kép Oanh Cơ. Sinh thời đã mồ côi cha mẹ, Oanh Cơ sống cùng với anh trai cả là Văn Quản và chị gái Huyền Cơ. Tương truyền rằng hai nàng đều được trời ban cho vẻ đẹp sắc nước hương trời sánh ngang với Thúy Vân, Thúy Kiều năm xưa của cụ Nguyễn Du.
Huyền Cơ thương em gái út cực khổ cái gì cũng nhường nhịn, dành cho em hết trong lòng không so đo ghen tị. Quả vì thế mà cô em út Oanh Cơ cứ ngày càng xinh đẹp hơn, hữu xạ tự nhiên hương. tiếng thơm bay khắp vùng. Thế nhưng kiếp đào đơn, đào kéo cũng không thể giúp ba anh em thoát khỏi cơn túng quẫn. Họ quyết định vượt chốn rừng thiêng nước độc để tìm cơ hội đổi đời.
Cuốn sách Ai hát giữa rừng khuya. Ảnh: Nhã Nam |
Định mệnh nghiệt ngã đã khiến ba người gặp cảnh chia ly, Oanh Cơ tạm biệt anh chị và để lại một tiếng đàn nhạc khóc than ai oán trong rừng. Sự kiện kỳ lạ này đã đến tai tác giá TchyA trong một chuyến du ngoạn về thăm bạn, đồng thời ông còn bắt gặp cảnh hai hồn ma không đầu đang tỉ thí võ công. Liên kiết những sự kiện, tìm kiếm sử liệu qua những tàng sách cũ kỹ cuối cùng ông đã vén lên bức màn bí mật đau thương và bất hạnh của Oanh Cơ.
Tiểu thuyết được viết dựa trên những chi tiết có thật tác giả được chứng kiến kèm việc khéo léo thêm thắt những yếu tố huyền bí kỳ ảo nên đã tạo ra một cốt truyện mạch lạc, rõ ràng. Dù biết là một phần thật chín phần hư cấu nhưng độc giả vẫn cuốn hút không thể rời mắt cho đến khi cuốn sách khép lại. Số phận của nàng Oanh Cơ lần lượt được thể hiện qua ba giọng kể.
Đầu tiên là sự tò mò đầy phấn khích của tác giả, tiếp theo là thái độ nghiêm túc, văn vẻ hoa mỹ của Thủy, người bạn vong niên đã lâu và cuối cùng sự thật của toàn bộ bức màn bí mật qua lời giải thích của cụ Chất. Mỗi người thể hiện một cái nhìn riêng về sự việc nhưng tất cả đều có điểm chung là tính liêu trai rợn người.
Nhiều nhà phê bình đánh giá văn của TchyA dài dòng và cũ kỹ, nhưng chính sự dài dòng ấy lại đem đến một sự thích thú, mở toang ra nhiều kiến thức mới mà chỉ có những kẻ đi rừng lâu năm, phiêu bạt chân trời góc bể mới biết. Ví dụ như khi ông miêu tả về vùng đất Đồng Giao. Nhiều người hẳn nghe rất nhiêu câu “chốn rừng thiêng nước độc” nhưng hẳn chưa ai cắt nghĩa rõ ràng được như TchyA.
Ông giải thích theo cả góc độ tâm linh lẫn khoa học bằng những lập luận chắc chắn “Sở dĩ nước độc, tại vì bốn chung quanh hạt toàn rừng rú, ngàn nội, lá cây mục nát chất đống trên mặt đất, lòng suối khiến nước xanh lèo như rêu, hoặc đục váng như nước ao tù… Lá cây rụng xuống lâu ngày mục dần rồi biến thành những tảng đất đen hôi thối đầu độc vào nguồn nước, sông ngòi xung quanh”.
Xuất thân từ một người có niềm đam mê với Hán học nên giọng văn của TchyA rất uyển chuyển, sử dụng linh hoạt nhiều tính từ tạo nên một hình thái phong phú, thoải mái gợi hình, gợi cảm đầy thi thú. Vốn từ hán cổ được sử dụng nhiều, lạ lẫm gây được chú ý với độc giả, đặc biệt với những sinh viên khoa văn hay những con mọt sách muốn bổ sung vốn từ vô hạn. Chính cách hành văn sinh động ấy đã lột tả được vẻ đẹp mà khiến Tứ đại mỹ nhân Trung Hoa cũng phải ghen tị vì bị lu mờ.
“Oanh Cơ là công trình tuyệt mỹ, tuyệt xảo của Hóa công, gồm cả thanh âm lẫn nhan sắc. Nàng đẹp, một vẻ đẹp oái oăm, huyền bí, oanh liệt, lại dịu dàng, tựa hồ đấng Thiên liêng đem hết bao nhiêu tinh túy của non sông cây cỏ mà chung đúc vào nhan sắc ấy”. Tiểu thuyết Ai hát giữa rừng khuya tuy ảnh hưởng mạnh bởi phong cách Liêu Trai nhưng mức kinh dị, giật gân chỉ ở dừng lại vừa đủ, thay vào đó người đọc xót xa, tiếc thương cho những kiếp người nhiều hơn.
Người đời có câu “Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả” hàm ý thế gian đều có nhân quả. Nhưng nhân quả lại do tâm tạo, tâm khởi một niệm thiện thì có thiện quả, tâm khởi một niệm ác chiêu cảm ác quả. Mọi hành động không suy xét đều dẫn đến hệ quả khó lường. Đây cũng là một trong những chủ đề được thể hiện rất mạnh trong tiểu thuyết.
Khi xây dựng các nhân vật như vậy hẳn tất cả đều có nguyên do, tại sao số phận Oanh Cơ lại bi đát như vậy, hai linh hồn không siêu thoát không đầu kia do đâu mà thành? tất cả sẽ được giải đáp chi tiết và đầy bất ngờ trong Ai hát giữ rừng khuya.
Từ những câu chuyện hoang đường thủa ấu thơ tác giả TchyA đã có riêng cho mình một câu chuyện lạ, mang đậm tính giải trí dù rất tinh khôi đơn thuần. Một cái duyên của nhà văn với thể loại văn chương không được đề cao nhất là trong giai đoạn văn học một thời nhạt màu đằm thắm.