Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ai đủ thẩm quyền ký quyết định giấy chứng tử?

Luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng việc cán bộ phường Văn Miếu gây khó dễ khi cấp giấy chứng tử là bài học đối với cán bộ công chức phường xã, nơi gần dân nhất.

Sau vụ việc chị Vũ Thanh Hoa (phường Văn Miếu, quận Đống Đa) gặp khó khăn khi xin giấy chứng tử ở phường sở tại, có nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng. Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn luật sư Hà Nội), gửi đến Zing.vn góc nhìn riêng của mình.

Giấy chứng tử sẽ được cấp trong ngày

Điều 34 Luật Hộ tịch 2014 quy định về thủ tục đăng ký khai tử như sau: Thứ nhất, người có trách nhiệm đi đăng ký khai tử nộp tờ khai theo mẫu quy định.

Thứ hai, ngay sau khi nhận giấy tờ theo quy định, nếu thấy việc khai tử đúng, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai tử vào sổ hộ tịch, cùng người đi khai tử ký tên vào sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã, phường cấp trích lục cho người đi khai tử.

Việc UBND Hà Nội căn cứ Luật Hộ tịch 2014 để ban hành bộ quy định về thủ tục hành chính đối với thủ tục khai tử là đúng pháp luật về mặt thời gian, cũng như phù hợp với thực tiễn công tác cấp giấy chứng nhận trong lĩnh vực hộ tịch. Cụ thể, UBND thành phố quy định giấy chứng tử sẽ được cấp trong ngày, trong trường hợp làm thủ tục sau 15h thì kết quả sẽ được trả vào ngày hôm sau, đối với trường hợp phải điều tra, xác minh thì thời hạn là không quá 3 ngày.

Tôi cho rằng, quy định này đã rõ ràng và phù hợp với thực tiễn công tác tại các UBND phường, xã, thị trấn. Bởi, thủ tục khai tử đối với một con người chính là căn cứ pháp lý để đánh dấu sự chấm dứt các quyền về nhân thân cũng như tài sản của người đó dưới góc độ pháp lý.

Chính vì vậy, việc xem xét, thẩm định hồ sơ và cấp giấy chứng tử cũng cần phải cẩn trọng, đúng quy trình.

Theo quy định của pháp luật về hộ tịch, người có thẩm quyền ký giấy khai tử là Chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn hoặc người được Chủ tịch UBND phân công và phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND về việc thực hiện nhiệm vụ này, đó là Phó chủ tịch UBND.

Mặt khác, các cơ quan hành chính có cơ chế thường trực, nếu chủ tịch hay phó chủ tịch được ủy quyền phụ trách vấn đề hộ tịch bận không ký được giấy khai tử thì lãnh đạo thường trực ngày hôm đó có đủ thẩm quyền giải quyết, ký giấy khai tử.

Như vậy, pháp luật đã rõ ràng. Vấn đề còn lại chỉ nằm ở những người thực thi pháp luật.

Dan bi hanh khi xin giay chung tu anh 1
Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch. Ảnh: Bảo Lâm.

Văn hóa từ chức sao khó thế?

- Ngày 25/7, chị Hoa lên mạng xã hội kể lại việc gặp khó khi làm thủ tục cấp giấy chứng tử cho bố đẻ.

- Sáng 26/7, Chủ tịch UBND Hà Nội giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với quận Đống Đa kiểm tra làm rõ thông tin công dân tố cáo và có hình thức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân sai phạm (nếu có).

- Chiều 26/7, Chủ tịch UBND quận Đống Đa ký quyết định tạm đình chỉ nhiệm vụ, quyền hạn đối với bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó chủ tịch UBND phường Văn Miếu, từ ngày 27/7 đến hết ngày 29/7 để phục vụ việc kiểm tra, xác minh vụ việc.

-  Quận Đống Đa cũng yêu cầu UBND phường Văn Miếu kiểm tra, xem xét thái độ tiếp dân của ông Nguyễn Lê Hiếu. Nếu có sai phạm, quận sẽ đề nghị UBND phường Văn Miếu chấm dứt hợp đồng lao động với cán bộ này.

- Sáng 27/7, Đoàn Thanh tra công vụ TP Hà Nội đã làm việc với chị Vũ Thanh Hoa và Vũ Thị Thanh Hằng (chị gái Hoa).

Tôi cho rằng, để giải quyết tận gốc vấn đề này, chúng ta cần phải tăng cường và có những biện pháp quyết liệt trong việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương cán bộ cấp xã, phường. Tại các cơ quan này phải thường xuyên tổ chức đánh giá cán bộ thông qua ý kiến trực tiếp của người dân.

Trong trường hợp phát hiện cán bộ, công chức nào cố ý gây khó cho dân để trục lợi thì cơ quan có thẩm quyền dứt khoát phải xử lý nghiêm, buộc thôi việc. Không thể chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm rồi điều chuyển công tác.

Đối với cán bộ, công chức, cần phải ý thức mình là người thực hiện công vụ, là người phục vụ người dân các dịch vụ công, chứ không phải tầng lớp đặc biệt để có thể hách dịch, sách nhiễu người dân.

Chỉ khi nào cán bộ, công chức nhận thức được rằng, họ là do dân bầu lên, lương của họ là do người dân trả và nghĩa vụ của họ là phải phục vụ người dân thì những con người đó mới thay đổi được tư duy và lối phục vụ.

Con người ai cũng có sai lầm. Rõ ràng cách khắc phục sai lầm chính là thước đo để đánh giá bản lĩnh, trình độ và đạo đức của những người có liên quan.

Giờ đây, người dân đang rất mong nhìn thấy sự cầu thị thực sự của những người cán bộ, công chức sau khi làm dư luận “dậy sóng”, dù đó có thể chỉ là một lời xin lỗi. Văn hóa xin lỗi hay nặng hơn là từ chức của cán bộ công chức của chúng ta sao khó thế?

Chủ tịch phường Văn Miếu: 'Không rõ ai phát ngôn camera bị hỏng'

Chủ tịch UBND phường Văn Miếu cho biết không rõ thông tin camera bị hỏng do ai phát ngôn. Lúc đó, bà vẫn thấy camera ở phòng tiếp dân nối với màn hình trong phòng bà hoạt động.

'Cán bộ phường Văn Miếu quá vô cảm'

Tiến sĩ Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, kể lại cách hành xử ấm áp tình người ở phường Đức Giang (Hà Nội) khi em trai ông mất vào dịp nghỉ lễ 1/5.

Luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội)

Bạn có thể quan tâm