Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ai đang kiểm soát nền kinh tế Hong Kong?

Đằng sau sự hào nhoáng, nền kinh tế của thành phố 7,2 triệu dân này đang bị chi phối hoàn toàn bởi những "ông trùm" - những người kiểm soát từ siêu thị đến bất động sản.

Hong Kong luôn được ca ngợi là thành phố có nhiều ngành công nghiệp đang bùng nổ và luôn dẫn đầu danh sách các thành phố có môi trường kinh doanh tự do và nhiều cơ hội nhất. Nhưng thực tế, đằng sau sự hào nhoáng đó, nền kinh tế của thành phố 7,2 triệu dân này đang bị chi phối hoàn toàn bởi một số ít những "ông trùm" - những người kiểm soát tất cả mọi thứ từ siêu thị đến bất động sản.

Những

Những "ông trùm" kinh tế đang phủ cái bóng quá lớn lên nền kinh tế Hong Kong.

Hong Kong hiện là nơi sinh sống của người đàn ông giàu nhất châu Á, Li Ka-shing, 86 tuổi, với giá trị tài sản ước tính khoảng 33 tỷ USD. Gia đình của Li Ka-shing sở hữu rất nhiều tập đoàn lớn như Cheung Kong Holdings, Hutchison Whampoa, Hong Kong Electric, Cheung Kong Infrastructure, CK Life Sciences, website nổi tiếng Tom.com và PCCW. 

Khối tài sản của ông Li không chỉ nằm ở lượng bất động sản khủng mà còn ở hệ thống siêu thị lớn nhất thành phố, hệ thống mạng viễn thông, cảng chính và các công ty vận tải, thậm chí cả các công ty năng lượng và dịch vụ tiện ích, công cộng.

Trong khi đó, hai "ông trùm" Lui Che-woo, 85 tuổi và Cheng Yu-tung, 89 tuổi cũng đang chi phối nhiều ngành công nghiệp - xây dựng, sòng bạc, bán lẻ cao cấp, cơ sở hạ tầng và giao thông địa phương (từ xe buýt đến các bến phà).

Có thể nói, gần như mọi chi phí dù là nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày của người Hong Kong, như chi phí mua hàng tại các cửa hàng tạp hóa, siêu thị, điện chiếu sáng hay vé xe bus,... cuối cùng đều chảy vào túi của các ông trùm.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng chính trị và kinh tế ngày càng lớn của các ông trùm hiện nay đã trở thành một "điểm nóng", khơi mào cho các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ đã và đang "càn quét" Hong Kong trong thời gian gần đây. 

Nguyên nhân của vấn đề này chủ yếu đến từ chính sách "giá đất cao" của Hong Kong. Việc giá đất tăng quá cao dẫn tới một hệ quả tất yếu trong xã hội Hong Kong: Sự bất bình đẳng.

Hong Kong là một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Tại châu Á, Hong Kong thường chỉ đứng sau một số thành phố lớn của Nhật Bản, như Tokyo hay Osaka về giá đất. Thành phố này cũng thường đứng top đầu thế giới về giá mua nhà, giá thuê, cùng nhiều con đường thuộc loại đắt đỏ nhất thế giới. Do đó, tại Hong Kong, đất đai là quyền lực.

Có một mẫu số chung đối phần lớn các ông trùm của Hong Kong đó là họ đều bắt đầu với bất động sản, rồi sau đó dần nuốt trọn các dịch vụ tiện ích và dịch vụ công cộng. Trong đó, chính phủ - người sở hữu đất, thu về những lợi ích không nhỏ từ việc bán đất và bán quyền sở hữu đất. 

"Hong Kong là một trong những xã hội bất bình đẳng nhất thế giới", Willy Lam, một giáo sư tại một Đại học Trung Quốc, trụ sở Hong Kong cho biết. "Ngoài các động lực chính trị, sự thất vọng về bất bình đẳng thu nhập..., và ít cơ hội để thăng tiến sau khi tốt nghiệp đại học cũng là nguyên nhân khiến cho các sinh viên tại đây biểu tình", ông Lam nói thêm.

Các "ông trùm" gần như nắm giữ độc quyền trong các ngành công nghiệp. "Chỉ khoảng hơn một chục ông trùm nhưng đã nắm giữ toàn bộ thị trường và sự cạnh tranh bình đẳng, cũng như một sân chơi công bằng thực tế không có chỗ đứng tại Hong Kong", ông Lam nói.

Nếu không có bất kỳ luật chống độc quyền nào được thực hiện ở Hong Kong, thì các ông trùm đồng thời là tỷ phú đô la này sẽ biến nền kinh tế Hong Kong thành "sân chơi riêng" mang lại lợi ích hệ thống cho họ.

Sự thiếu công bằng trong cạnh tranh tại Hong Kong được thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực bất động sản, nơi chỉ ba công ty đang chiếm giữ tới 72% thị trường bất động sản, theo CLSA. Giá nhà đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua, trong khi tốc độ tăng lương cho người dân phần lớn vẫn trì trệ.

Thêm vào đó, người dân càng thất vọng hơn trước sự thiếu quan tâm đến cải cách thể chế của lãnh đạo thành phố. Thậm chí nhiều người trong số các lãnh đạo còn bị mua chuộc bởi các lợi ích về kinh tế.

Điều này càng thể hiện rõ ràng hơn khi các doanh nghiệp tại Hong Kong đang kiểm soát khoảng 700 trên tổng số 1.200 ghế thành viên Ủy ban bầu cử, cơ quan phụ trách việc lựa chọn lãnh đạo thành phố, Ma Ngok, một giáo sư tại Đại học Trung Quốc (Hong Kong) cho biết.

Trung Quốc đại lục muốn giữ chính quyền Hong Kong theo cách này, vì qua đó chính quyền trung ương có thể gây ảnh hưởng tới Hong Kong thông qua các ông trùm. Các ông trùm này lại không thể từ chối chính quyền trung ương, vì tất cả họ đều đang đầu tư nhiều tỷ đô la vào đại lục và họ không muốn đánh mất lợi ích từ các khoản đầu tư này", ông Ma nói thêm.

Không ít các tòa nhà chọc trời ở Hong Kong đều thuộc sở hữu của 6

Không ít các tòa nhà chọc trời ở Hong Kong đều thuộc sở hữu của 6 "ông trùm" giàu có nhất thành phố này.

Điều này đã xảy ra tại Hong Kong suốt nhiều năm, và nó vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tuy các ông trùm nắm giữ nền kinh tế Hong Kong phần lớn đã trên dưới 80 tuổi, nhưng hiện nay, họ sẽ vẫn là "một phần của cơ cấu văn hóa Hong Kong", Ben Cavender, chuyên viên nghiên cứu thị trường Trung Quốc cho biết.

"Bạn không thể gạt họ ra ngoài, bởi vì họ luôn ở đó - trong những tin tức, hoặc thậm chí trong chính những thương hiệu mà bạn đang làm việc", Ben Cavender khẳng định.

10 nền kinh tế tự do nhất thế giới

Danh sách 10 nền kinh tế được đánh giá là tự do nhất thế giới do trang China.org.cn giới thiệu...

http://bizlive.vn/bizlife/nhung-ong-trum-dang-kiem-soat-nen-kinh-te-hong-kong-545164.html

Theo Đinh Thơm/ Bizlive

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm