Theo AFP, Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng các cơ sở sản xuất để tung ra thị trường 1 tỷ liều vaccine chống Covid-19 trong năm 2021. Bắc Kinh đang xây nhiều cơ sở ở Brazil, Morocco và Indonesia.
Trong khi đó, đại gia thương mại điện tử Alibaba đã xây nhà kho ở Ethiopia và Dubai (UAE). Đây sẽ là trung tâm phân phối vaccine Trung Quốc tại châu Phi và Trung Đông.
Trung Quốc đang phát triển 4 loại vaccine chống Covid-19 và đã thử nghiệm trên người ở một số nước, bao gồm Brazil, UAE và Thổ Nhĩ Kỳ. Ước tính 1 triệu người tại Trung Quốc cũng đã được tiêm vaccine thử nghiệm.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Essence Securities ở Hong Kong, nếu chiếm được 15% thị phần vaccine chống Covid-19 tại các nước có thu nhập trung bình và thấp, Trung Quốc sẽ dễ dàng kiếm được 2,8 tỷ USD.
Chất lượng vaccine chống Covid-19 của Trung Quốc còn là dấu hỏi lớn. Ảnh: Xinhua. |
Tuy nhiên, khác với các loại vaccine do Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson phát triển, vaccine “Made in China” đối mặt nhiều nghi kỵ về chất lượng. Bởi chính quyền Trung Quốc hầu như không công khai thông tin về hiệu quả và độ an toàn của chúng.
“Trung Quốc chưa hề công bố dữ liệu về các cuộc thử nghiệm vaccine”, AFP dẫn lời nhà phân tích Natasha Kassam thuộc Viện Lowy cho biết. Hơn nữa, các nhà sản xuất vaccine Trung Quốc từng dính nhiều scandal về chất lượng sản phẩm.
Do đó, các nước đang tỏ ra dè dặt với vaccine Trung Quốc. Một số nước tham gia thử nghiệm vaccine Trung Quốc đã đặt mua gần 500 triệu liều từ Sinovac và Sinopharm. Trong khi đó, chỉ riêng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) đã nhận đặt hàng 2,4 tỷ liều.
Theo Reuters, khảo sát của Datafolha tại Brazil cho thấy phần lớn người được hỏi ở nước này cho biết họ không chấp nhận tiêm vaccine có nguồn gốc Trung Quốc.