Ngày 1/7, MobiFone công bố tăng gấp 6 lần dung lượng tốc độ cao của các gói 3G/4G phổ biến. Trước đó, Viettel và Vinaphone đã lần lượt tăng dung lượng tốc độ cao của các gói 4G, đồng nghĩa giá cước 4G tại Việt Nam đang giảm mạnh.
Ăn miếng trả miếng
Cuối tháng 5/2018, nhà mạng quân đội mở màn cuộc đua hạ giá cước 4G khi tuyên bố tăng gấp 5 lần dung lượng các gói data 4G nhưng không tăng giá.
Cụ thể, với mức giá không đổi 70.000-200.000 đồng mỗi tháng, thuê bao Viettel sử dụng các gói cước Data: MIMAX70, MIMAX90, MIMAX125, MIMAX200 được dùng từ 3GB đến 15GB dung lượng data 3G/4G tốc độ cao, tăng từ 4-5 lần so với chính sách cũ của nhà mạng.
Đây được xem là động thái hợp lý khi các gói 4G truyền thống đang dần trở nên kém hấp dẫn hơn so với các gói 4G mới như 4G70, 4G90 và 4G125 cũng của Viettel.
Bên cạnh đó, giá cước 70.000 đồng cho 0,6GB đã tồn tại khoảng 5 năm trở lại đây, từ thời điểm bùng nổ 3G nên theo nhiều người dùng, mức giá này đã không còn phù hợp.
Sau Viettel, Vinaphone cũng ra tuyên bố tương tự. Tuy nhiên, nhà mạng này nâng dung lượng tốc độ cao của các gói 4G phổ biến lên tới 6 lần, cao hơn công bố 4-5 lần của Viettel.
Giống như Vinaphone, MobiFone cũng không thua kém mức tăng 4-5 lần dung lượng của Viettel, khi nhân 6 lần dung lượng các gói 4G của nhà mạng này. Cụ thể, các gói như MIU, MIU90, MIU120 và hàng loạt các gói 3G, 4G khác của MobiFone đều tăng 6 lần dung lượng nhưng giá không đổi.
Nhà mạng này cũng khẳng định hiện các gói cước 3G/4G của mình đang "có dung lượng data nhiều nhất nếu so sánh trên cùng mức giá".
Ai mở màn?
Hơn một năm sau khi ra mắt 4G, thị trường đã định hình, việc lần lượt 3 nhà mạng lớn bất ngờ giảm giá cước 4G là động thái bất ngờ và được người dùng đón nhận tích cực.
Tuy nhiên, theo nhiều người dùng, khả năng các nhà mạng lớn đồng loạt giảm giá cước 4G là do áp lực đến từ gói cước data siêu rẻ từ nhà mạng nhỏ Vietnamobile.
Nhiều người dùng cho rằng việc Vietnamobile úp mở về Thánh SIM 4G đã tạo sức ép về giá cho các nhà mạng lớn. |
"Mình thấy giá 4G tại thời điểm ra mắt đã khá hợp lý, nay lại được giảm thêm nên tất nhiên là người tiêu dùng như mình rất vui", D. Anh (Đống Đa, Hà Nội), khách hàng đang sử dụng thuê bao của Viettel, chia sẻ.
"Tuy nhiên bỗng dưng các nhà mạng lớn giảm giá vào thời điểm này nhiều khả năng là để cạnh tranh với Thánh SIM của Vietnamobile, bởi nhà mạng nhỏ đã quảng cáo Thánh SIM 4G", D. Anh nói.
Thánh SIM là bộ hòa mạng thuê bao trả trước mới được Vietnamobile cho ra mắt và đã gây sốt trên thị trường, nhờ mức giá data rẻ hơn nhiều so với các nhà mạng khác.
Giá bán lẻ một bộ hòa mạng Thánh SIM chỉ 40.000 đồng. Khách hàng mua và sử dụng được ngay 4GB data 3G tốc độ cao mỗi ngày, tổng dung lượng data tốc độ cao chu kỳ 30 ngày là 120GB. Để duy trì ưu đãi trên, người dùng chỉ cần nạp tiền vào tài khoản và sử dụng tối thiểu 20.000 đồng.
Chính vì mức giá rẻ hơn gấp hàng trăm lần các gói 4G phổ biến của 3 nhà mạng lớn, bộ hòa mạng này từng bị Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) "tuýt còi", yêu cầu dừng triển khai, vì có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về quản lý giá cước viễn thông.
Ngay sau cơn sốt Thánh SIM, chính những gói 4G trên của 3 nhà mạng lớn đã được nhân 4-6 lần dung lượng tốc độ cao, đồng nghĩa với việc giảm mạnh về giá cước.
Có thể thấy phản ứng giảm giá của Viettel, Vinaphone và MobiFone được đưa ra rất nhanh, và cả ba nhà mạng đều nêu lý do giảm giá là để phục vụ nhu cầu sử dụng data ngày càng tăng cao của người dùng.
Theo số liệu từ Bộ TT&TT, tổng số thuê bao di động cả nước đang giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2017, tuy nhiên lượng thuê bao sử dụng 3G/4G là tăng 29,2%, cho thấy xu hướng sự dịch chuyển nhu cầu sử dụng của người dùng từ thoại và nhắn tin sang data. Xu hướng này hứa hẹn thị trường data Việt sẽ còn tiếp tục sôi động trong tương lai gần.