Review
Phùng Khánh Linh năm 2020, hơn cả một giọng ca đẹp trong đội Thu Phương (Giọng hát Việt 2015), là hình ảnh một nữ ca sĩ ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng chân dung âm nhạc. Cô vừa ra mắt album đầu tay, lấy tên Yesteryear (Những ngày tháng đã qua) với 13 ca khúc tự sáng tác và thể hiện.
Một đĩa vật lý dày dặn với số lượng bài tương đối nhiều, khó tránh “sạn”. Nhưng vượt qua những hạt sạn, người nghe có thể thấy Phùng Khánh Linh trưởng thành, mạnh mẽ và cá tính hơn bao giờ hết, khác xa thời Hôm nay tôi buồn hay Những ô cửa máy bay. Sau 5 năm ca hát, Phùng Khánh Linh đang có được một diện mạo âm nhạc mới đáng chú ý trên thị trường.
Tự truyện bằng âm nhạc
Đi kèm với CD Yesteryear là một tập ghi chú, ngoài việc cung cấp lyrics (ca từ) của các ca khúc, Phùng Khánh Linh cũng trải lòng qua phần mở đầu và lời bạt. Ở đó, nữ ca sĩ thành thật là Yesteryear từng chỉ là thế giới của riêng nhưng giờ đây cô quyết định gửi những tác phẩm của mình đến khán giả để được lắng nghe và cảm nhận.
Qua 13 ca khúc, thứ dễ nhận thấy nhất là câu chuyện nội tâm của Phùng Khánh Linh. Có buồn vui, có yếu mềm - mạnh mẽ, có những phút thơ ngây nhất và có cả những phút nữ quyền nhất trong cô gái sinh năm 1994.
Yesteryear giống như một tự truyện bằng âm nhạc, nơi Phùng Khánh Linh kể lại những tự sự của chính mình, chân thật và tình cảm.
Mở đầu là một cô gái Yêu hết tâm thân này, tràn đầy năng lượng yêu đương và ngất ngây không chút ngập ngừng trong buổi hò hẹn lãng mạn. Chỉ biết yêu và yêu, dù đêm hay ngày dù tỉnh hay say.
Đến ca khúc thứ hai tình yêu nâng lên nấc thang khác: Chỉ còn lại hai ta. Thế giới xung quanh như thu nhỏ lại trong thế giới quan của chỉ hai người. Điệu valse thành điệu France, cô gái và người mình yêu tay nắm tay, môi kề môi. Tình yêu nóng rực hơn bao giờ hết.
Nhưng ngay sau đó, ở bài hát tiếp theo, trạng thái tình yêu đã hoàn toàn khác. Từ “anh vẫn ở bên rất gần” chuyển thành “xa hàng trăm ngàn cây số”. Hai người yêu xa ngút ngàn, yêu dưới một bầu trời. Từ thành phố của yêu đương ngàn sao thành một thành phố mong manh, bất an, không ai thân quen bên cạnh, mà cô gái thì vẫn phải nhủ lòng Chỉ buồn hôm nay, ngày mai phải mạnh mẽ.
Đến sáng tác thứ 4 Lá thư #100, mọi thứ dường như nặng trĩu hơn. Ca khúc mở đầu với một đoạn dạo từ bản nhạc cổ điển. Cô gái sau đó xuất hiện với khao khát tình yêu mãnh liệt. Thay vì cố che giấu đi cảm xúc, cô sẵn sàng bày tỏ tình cảm, sẵn sàng mong muốn được chàng trai gần thêm “dù chỉ là một chút”. Bài hát như một lá thư tự sự của một người đã dành trọn tâm trí cho tình yêu nhưng cũng quá đỗi lụy tình.
Đến mpg, cô gái mạnh mẽ như chưa từng có. Với tempo thuộc nhóm nhanh nhất trong album và những từ Hán Việt được đan cài hợp lý, ca khúc khá cuốn hút và cho thấy chân dung một cô gái làm chủ cuộc chơi, làm chủ “rượu đào nhấp môi” và hơn cả là làm chủ cuộc tình của mình.
Phùng Khánh Linh ý thức xây dựng chân dung âm nhạc khi ra mắt album đầu tay. |
Tinh thần chủ động ấy sau đó được tiếp nối ở Đừng thả thính. Nhưng đến Anh đã không rõ ràng với em, mạch cảm xúc được sắp đặt hơi khó hiểu. Giai điệu và ca từ của bài này khá bình thường, thiếu ấn tượng, chỉ như một khoảng nghỉ giữa album. Đang là một cô gái chủ động, mạnh mẽ, những câu hỏi như “Có điều gì ngăn anh lại đúng không? Không được yêu em nữa” như thoại phim truyền hình dài tập, không cần thiết phải có.
Song, bản ballad với những tiếng piano cuốn hút Sao anh không hiểu kế tiếp đã xóa đi những hạn chế của Anh đã không rõ ràng với em. Cảm xúc và khao khát của cô gái được gọi tên rõ ràng: “Muốn anh mãi ở bên em / Chia sớt bao nhiêu buồn vui”. Nhưng hơi tiếc là phần hook của bài này ca sĩ hát hơi mờ khi mà người nghe đang chờ một điểm nhấn táo bạo và rõ ràng hơn trong xử lý dù ca từ tương đối ổn: “Chẳng ai thấy / Buồn biết mấy / Ngay lúc này / Anh có về bên em?”.
Phùng Khánh Linh chạm đến giấc mơ chính mình
Sau câu hỏi mạnh mẽ: Sao anh không hiểu, album tiếp tục với phần cuối bao gồm 5 sáng tác: Thế giới không anh, Cô gái nhân ái, Hoa tiêu dao, Gói tình em về rồi và Yesterme.
Trong đó, Thế giới không anh đã được giới thiệu cách đây vài tháng như MV độc lập trước album. Ca khúc không xuất sắc về sáng tạo ca từ nhưng có phần ending tạo dư âm với hai câu: "Anh đã đi mang cả tâm hồn / Thế giới ngày không anh". Trong một ca khúc có tempo 95 - thuộc nhóm tốc độ hơi nhanh và sôi động - phần ending này là một kết đẹp.
Sau Thế giới không anh là một Phùng Khánh Linh sắc sảo và đầy phản biện trong Cô gái nhân ái “Không họ đang sai đấy anh / Biến em thành kẻ rất đa tình / Anh đừng để lời nói ấy / Sẽ ngăn lại chuyện mình đấy / Hãy tin lời em”. Đáng bàn là một số đoạn chuyển giữa các verse của ca khúc này có điểm tương đồng với Đóa hoa hồng của Chi Pu. Nhưng ngay cả khi là vô tình có điểm giống hay cố ý học hỏi, Cô gái nhân ái cũng nhỉnh hơn nhiều Đóa hoa hồng về chất lượng làm nhạc, ca từ lẫn giọng hát ca sĩ.
3 ca khúc cuối Hoa tiêu dao, Gói tình em về rồi và Yesterme là một Phùng Khánh Linh khá màu sắc. Một bản ballad dễ nghe, một bản R&B với nhịp cuốn hút và một sau đó khép lại với dòng tự sự chính mình từ những tháng ngày đã qua.
Phùng Khánh Linh theo đuổi nhiều thể loại âm nhạc trong Yesteryear. Ảnh: Phương Lâm. |
“Bóng trăng tàn lưng”, những lời khuyên khép lại, cuối cùng là một cô gái là chính mình nhất, sống thật với cảm xúc mình nhất. Đoạn chuyển (bridge) trong Yesterme như lời thông điệp trọn vẹn khép lại, rằng hành trình có ra sao thì mỗi người đều phải học cách mạnh mẽ và vững vàng, học cách đương đầu và đối mặt với cảm xúc:
“Em chưa bao giờ nghĩ cuộc sống sẽ dễ dàng / Nhưng thâm tâm em luôn học cách để vững vàng / Để chạm tới con đường / Chạm tới ước mơ của em / Em luôn luôn thầm ơn bao khó khăn trải qua / Cho em thêm niềm tin cùng rất nhiều lạc quan / Chạm tới ước mơ ngày hôm qua”.
Dù hôm qua hay hôm nay, với Yesteryear, Phùng Khánh Linh cũng đã chạm tới giấc mơ chinh phục âm nhạc của chính mình. Cô đã dùng âm nhạc để kể chuyện, để chia sẻ cảm xúc từng giấu kín của bản thân. Yesteryear cũng cho thấy chân dung một nữ singer/songwriter có thể thử thách mình trong nhiều thể loại âm nhạc khác như từ pop ballad, R&B đến dance pop với màu retro hoài cổ.
Các ca khúc trong album Yesteryear cũng có cấu trúc đa dạng. Một số lấy verse (đoạn), chorus (điệp khúc) làm ấn tượng, trong khi một số bài lại có hook, bridge là điểm cộng. So với một số bài đã ra lẻ trước đó, xét tổng thể album 13 bài, khả năng viết lời của Phùng Khánh Linh có nhiều cải thiện đáng khen ngợi.
Phùng Khánh Linh chia sẻ rằng cô từng bị kỳ thị, bị trêu chọc vì những khuyết điểm trên cơ thể. Nhưng từ một album chứa đựng nội tâm mạnh mẽ, cá tính như Yesteryear, còn ai dám làm điều ấy với Phùng Khánh Linh?