Theo một nghiên cứu toàn cầu được công bố trên tạp chí Lancet vào tháng 7/2021, có khoảng 1,5 triệu trẻ em dưới 18 tuổi trên toàn thế giới đã mất cha mẹ, ông bà hoặc người chăm sóc, giám hộ do đại dịch Covid-19.
Tiến sĩ Seth Flaxman, một trong những tác giả chính của nhóm nghiên cứu đến từ Cao đẳng Hoàng gia London, cho biết: "Đại dịch mồ côi tiềm ẩn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu và chúng ta không thể chờ đến ngày mai để hành động. Dịch bệnh Covid-19 ngoài tầm kiểm soát đã làm thay đổi đột ngột và vĩnh viễn cuộc sống của những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau".
Đối phó với "đại dịch mồ côi", mỗi quốc gia có một phương án khác nhau. Trong khi một số nơi khuyến khích việc nhận con nuôi, nhiều nước khác có cơ chế khó khăn hơn để đảm bảo sự an toàn và tương lai của trẻ trong những mái ấm mới.
Một phụ nữ cùng hai đứa trẻ chờ đến lượt xét nghiệm Covid-19 ở Hyderabad (Ấn Độ) vào ngày 25/4/2021. Ảnh: AP. |
Kêu gọi nhận con nuôi là bất hợp pháp ở Ấn Độ
Sohini (12 tuổi) và Mohan (7 tuổi) mất cha vì Covid-19 trong đợt dịch đầu tiên của Ấn Độ vào năm 2020.
Đến đợt bùng phát thứ hai vào đầu năm nay, họ mất cả mẹ, cũng vì Covid-19.
Ông bà nội của Sohini và Mohan khá khó khăn, trong khi bà ngoại của cả hai đã ngoài 50 tuổi, đang làm giúp việc nhà để lo cho các con.
Sonal Kapoor, người sáng lập Protsahan India Foundation, tổ chức phi chính phủ về quyền trẻ em có trụ sở tại Delhi, nói rằng các phương tiện truyền thông của Ấn Độ hiện đầy rẫy lời kêu gọi giúp đỡ, nhận con nuôi tương tự như trường hợp của Sohini và Mohan.
Tuy nhiên, theo luật pháp nước này, những lời kêu gọi như vậy là bất hợp pháp.
Luật pháp quy định nghiêm ngặt cách trẻ mồ côi hoặc trẻ em bị bỏ rơi được chăm sóc, nhận nuôi hoặc đưa vào cơ sở chăm sóc như nhà tạm lánh.
Theo Kapoor, điều này một phần để đảm bảo rằng trẻ em được nhận nuôi bởi các bậc cha mẹ thực sự có nhu cầu, chứ không đơn giản chỉ là mong muốn làm từ thiện.
Hai chị em sinh đôi, những đứa trẻ đã mất cả cha lẫn mẹ do Covid-19, chơi đồ chơi tại nhà một người họ hàng ở Bhopal (Ấn Độ). Ảnh: AFP. |
"Quy định cũng bảo vệ trẻ khỏi mối đe dọa của những kẻ buôn người, buôn bán tình dục và lao động cưỡng bức. Do đó, những lời cầu xin trên mạng xã hội cho trẻ em được nhận làm con nuôi là bất hợp pháp. Những người khuếch đại các bài đăng như vậy hoặc chuyển tiếp tin nhắn xin nhận con nuôi có thể gặp bất lợi về mặt pháp lý", Kapoor nói.
Ở Ấn Độ, nếu không có gia đình chăm sóc trẻ mồ côi hoặc trẻ bị bỏ rơi, chính phủ sẽ vào cuộc. Chỉ những trẻ bị bỏ rơi, tức không có đại gia đình, họ hàng chăm sóc, mới được người lạ nhận làm con nuôi.
Đưa trẻ vào những mái ấm tình thương, ngôi nhà tạm trú là phương sách cuối cùng.
Không có số liệu thống nhất về số trẻ mồ côi do đại dịch. Cuối tháng 5, Bộ Phụ nữ và Phát triển Trẻ em công bố có thêm 577 trẻ mồ côi trong tháng 4 và tháng 5.
Còn theo Ủy ban Quốc gia Bảo vệ Quyền Trẻ em (NCPCR), có ít nhất 1.742 trẻ em mất cả cha và mẹ trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 5/2021.
Trong số 9.346 trẻ em bị bỏ rơi, mất cả cha lẫn mẹ hoặc một trong hai người, từ tháng 4/2020 đến tháng 5/2021, chỉ có 364 (3,9%) ở lại các nhà tạm lánh, trại trẻ mồ côi hoặc được chăm sóc bởi "cơ quan nhận con nuôi đặc biệt". Số còn lại (96,1%) được chăm sóc bởi người giám hộ, thành viên gia đình của cha mẹ còn sống, theo dữ liệu NCPCR.
Indonesia khuyến khích họ hàng nhận nuôi
Theo Bộ Xã hội Indonesia, ước tính 11.045 trẻ em ở nước này đã mất cha, mẹ hoặc cả hai kể từ khi đại dịch xảy ra. Con số này được thu thập trên dữ liệu của những người từ 19 đến 45 tuổi đã qua đời vì Covid-19 và đã có con, theo Jakarta Post.
Tuy nhiên, quá trình này gặp khó khăn khi biến chủng Delta lây lan phức tạp. Số ca nhiễm mới và trường hợp tử vong đều gia tăng, các bệnh viện thường xuyên trong tình trạng quá tải, khiến việc tìm kiếm và hỗ trợ trẻ mồ côi nhiều trắc trở.
“Rất khó để biết chính xác có bao nhiêu đứa trẻ đã mất cha mẹ vì tỷ lệ xét nghiệm Covid-19 của Indonesia thấp. Ngoài ra, thông tin nhận về cũng không đầy đủ. Ngoài tên tuổi của người mất, chúng tôi không biết liệu họ có con hay không”, Dino Satria từ Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Indonesia, cho biết.
Satria còn lo sợ nhiều đứa trẻ sẽ bỏ lỡ cơ hội được chăm sóc khi số liệu tử vong Covid-19 chưa phải con số chính xác.
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ tăng cường hệ thống hỗ trợ ở cấp cộng đồng, nơi chúng tôi có được những thông tin chính xác và cần thiết”, Satria nói.
Trẻ em tụ tập tại một cửa hàng bán thức ăn đường phố ở khu Muara Baru, trong bối cảnh dịch bệnh lây lan nghiêm trọng tại Jakarta, Indonesia, vào ngày 14/7/2021. Ảnh: Reuters. |
Kanya Eka Santi, giám đốc cơ quan Phục hồi chức năng trẻ em tại Bộ Xã hội Indonesia cho biết có nhiều thách thức trong việc tìm kiếm ngôi nhà mới cho các em nhỏ cần được giúp đỡ bởi nhiều gia đình gặp khó khăn kinh tế.
“Một số họ hàng thân thiết không muốn nhận nuôi cháu ruột của họ bởi không có khả năng. Đại dịch đã khiến tình hình kinh tế của nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Việc đề nghị một gia đình đang nhận nuôi một đứa trẻ trong lúc nhiều nhà còn chật vật, không đủ tiền mua thức ăn là điều gần như không thể”, Santi nói.
Theo Santi, trẻ em gái và trẻ khuyết tật là hai đối tượng dễ bỏ học nhất sau khi thành trẻ mồ côi, khi chúng phải thay thế vai trò của người lớn trong gia đình. Ngoài ra, nhiều vấn đề xã hội phát sinh từ tình trạng này như tảo hôn, bạo lực và buôn bán trẻ mồ côi trong đại dịch cũng đáng lo ngại.
Ủy ban Quốc gia về Phụ nữ Indonesia đưa ra khuyến cáo các bậc cha mẹ cần phải bàn bạc với các thành viên khác trong gia đình về người sẽ nhận quyền giám hộ, chăm sóc cho con cái, trong trường hợp xấu nhất là họ không qua khỏi, đặc biệt nếu đứa trẻ vẫn còn nhỏ tuổi.
Brazil hỗ trợ tài chính
Theo công bố của tạp chí Lancet vào tháng 7/2021, Brazil là quốc gia có số trẻ em mồ côi vì Covid-19 cao thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Mexico. Còn theo ước tính sơ bộ của Viện Nghiên cứu Kinh tế Ứng dụng Brazil, ít nhất 45.000 trẻ em và thanh, thiếu niên đã mất cả cha lẫn mẹ vì đại dịch.
Với những trẻ chuyển sang cho người thân nuôi nấng, một số bang đưa ra giải pháp hỗ trợ các nhà có điều kiện kinh tế hạn hẹp như cung cấp tiền và thực phẩm.
Chính quyền bang Maranhao trả 100 USD/tháng cho những gia đình nhận nuôi những trẻ mồ côi vì Covid-19 cho đến khi các em đến 18 tuổi. Tính đến 25/8, đã có 9 tiểu bang khác ở vùng đông bắc Brazil đưa ra chính sách tương tự.
Động thái này được cho là học tập theo nước láng giềng Peru. Hồi tháng 3, các nhà chức trách ở thủ đô Lima đã tuyên bố cấp 55 USD mỗi tháng cho những đứa trẻ có cha, mẹ mất vì Covid-19.
Những đứa trẻ ở bang Sao Paulo (Brazil) đã mất cha mẹ và ông nội vì Covid-19. Ảnh: EPA. |
Lựa chọn khác cho những đứa trẻ bơ vơ là gửi đến các trung tâm chăm sóc do chính phủ quản lý hoặc do nhà thờ vận hành.
“Nhưng đó chỉ nên là phương án cuối cùng”, Maristela Cizeski, điều phối viên văn phòng trẻ em của Hội đồng Giám mục Brazil, cho biết.
“Trẻ mới mất cha mẹ, thiếu đi người giám hộ chuyển đến trại mồ côi sẽ dễ dẫn đến tâm lý đau buồn, mất mát. Có gia đình để sống chung vẫn là lựa chọn cần ưu tiên”, Cizeski nói.
Tuy nhiên, nhiều nhà chức trách không nhạy cảm với vấn đề này và chỉ đơn giản là gửi trẻ mồ côi vào các cơ sở tập trung.
“Vì việc nuôi dưỡng tác động trực tiếp đến quá trình phát triển của trẻ, chính phủ cần đảm bảo quyền của trẻ về nhà ở, giáo dục, chăm sóc sức khỏe. Trẻ mồ côi dễ bị tổn thương hơn trong các vấn đề như lạm dụng, lao động trẻ em hay bóc lột tình dục”, Marcio Thadeu Marques, công tố viên về các vụ việc liên quan đến thanh thiếu niên ở bang Maranhao, đánh giá.