Hiện tại, Bộ Công Thương cho hay một ứng viên công bố thông tin về việc đăng ký mua khối lượng lớn để sở hữu từ 25% trở lên cổ phiếu đang lưu hành của Sabeco là Công ty TNHH Vietnam Beverage.
Đây là doanh nghiệp có vốn điều lệ hơn 681 tỷ đồng và được sở hữu 100% bởi Công ty CP Đầu tư F&B Alliance Việt Nam. Trong đó, một nhà đầu tư nước ngoài có tên Beerco Limited sở hữu 49% F&B Alliance Việt Nam. Beerco Limited lại là công ty được sở hữu 100% bởi Thai Beverage - tập đoàn đồ uống Thái Lan thuộc sở hữu của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi.
Có thể thấy mọi con đường trong mối quan hệ phức tạp này đều dẫn về đích duy nhất là Thai Beverage. Đây là cái tên đủ thách thức các ứng viên khác bao gồm Heineken Việt Nam, AB Invev, Kirin, Asahi…
Những ông lớn dòm ngó Sabeco
Giới chuyên gia phân tích trong 6 ứng viên hiện tại là AB Inbev, Heineken, Kirin Holdings, Asahi Group, ThaiBev, Singha và cũng có thể là Masan thì chỉ 1-2 đơn vị có thể đáp ứng được yêu cầu “thách cưới” nghiệt ngã như hiện tại.
Trong cuộc chinh phục Sabeco, tiềm lực tài chính mạnh không hẳn là người có lợi thế nhất. Về mặt tài chính, ưu thế thuộc về AB Inbev, một trong những đại gia trong làng bia thế giới. Tại Việt Nam, doanh nghiệp này hiện diện thông qua thương hiệu Budweiser. Doanh nghiệp này cũng đang xây nhà máy tại Việt Nam.
Tuy nhiên, giới phân tích chỉ rõ việc niêm yết trên thị trường chứng khoán New York với cơ chế quản lý chặt chẽ dành cho doanh nghiệp niêm yết sẽ cản trở hãng bia này tiếp cận Sabeco.
Trong khi đó các hãng bia của Nhật Bản như Kirin và Asahi nổi tiếng với sự cẩn trọng trong đầu tư. Với mức giá chào bán của Bộ Công Thương được đánh giá là cao đến mức phi lý, có lẽ họ phải xem xét kỹ và minh bạch hơn trong soát xét đầu tư.
Thời hạn 3 tuần sau khi công bố thông tin có thể không đủ để những người kỹ tính như 2 doanh nghiệp Nhật đưa ra quyết định trong thương vụ tỷ USD. Liệu Sabeco có đủ sức hấp dẫn để họ bỏ qua những giá trị truyền thống, đưa ra một quyết định chóng vánh vẫn là câu hỏi ngỏ.
Tăng trưởng sản lượng tiêu thụ bia ở Việt Nam đang làm nhiều đại gia thèm khát |
Như vậy, cuộc đua còn thu hẹp ở 2 ứng viên Heineken và ThaiBev.
Với Heineken lợi thế lớn là họ đang sở hữu 5% cổ phần tại Sabeco. Doanh nghiệp cũng có động lực lớn để nâng tỷ lệ sở hữu khi Sabeco luôn là chướng ngại lớn nhất để họ gia tăng thị phần tại Việt Nam.
Heineken thân cận với Sabeco, hiểu rõ thị trường bia Việt Nam hiểu rõ quy trình M&A tại đây. Tuy nhiên rào cản lớn nhất là khả năng tự quyết của công ty con tại Việt Nam. Giới phân tích cho rằng 3 tuần không đủ để Tập đoàn Heineken khảo sát minh bạch Sabeco trong khi đó các điều lệ chặt chẽ về quản trị không thể cho phép công ty con ở Việt Nam tự ý thực hiện giao dịch.
ThaiBev luôn thể hiện là người theo đuổi Sabeco nhiệt thành nhất ngay khi Sabeco vừa nhen nhóm thông tin tái cấu trúc lại phần vốn nhà nước. Ông lớn chiếm 40% thị phần bia ở Thái Lan này định giá Sabeco khoảng 2 tỷ USD vào năm 2014 và năm 2015 họ sẵn sàng đặt lên bàn đàm phán 1 tỷ USD để sở hữu 40% cổ phần.
Tuy nhiên, thời điểm đó, Sabeco chưa thể tự quyết và cũng không đồng ý với mức giá này.
Nhiều người cho rằng với lợi thế về “cự ly”, ThaiBev sẽ chinh phục Sabeco bằng mọi giá và Sabeco rất thích hợp cho họ xây dựng đế chế đồ uống trong thị trường ASEAN.
Cuộc đua tay đôi Heineken - ThaiBev lần 2
Với cơ chế đấu giá như hiện tại, kịch bản cuộc chiến giành 38,5% cổ phần của Sabeco nhiều khả năng chỉ là cuộc đua song mã giữa Thai Bev và Heineken. Đây vẫn là đụng độ quen thuộc trên thị trường M&A mảng đồn uống ở Việt Nam.
Trước đây, 2 ông lớn từng đụng mặt nhau trong việc sở hữu nhãn hàng Tiger và phần thắng thuộc về Heineken.
Vào năm 2012, liên doanh APB gồm Heineken và F&N sở hữu 64,8% bia Tiger. Khi đó, ThaiBev chỉ sở hữu không nhiều trong F&N. Heineken muốn nâng tỷ lệ trong liên doanh bằng cách mua lại cổ phần của F&N, qua đó dành quyền chi phối để có thể sở hữu Tiger.
Bây giờ thì khác, ThaiBev đang đơn vị chi phối lớn nhất trong F&N. Rất có thể họ sẽ tìm cách “trả đòn” trong thương vụ Sabeco.
Thị trường bia Việt sẽ xoay chuyển ra sao?
Thị trường bia sẽ xoay chuyển lớn khi một trong hai ông lớn thành công trong việc chinh phục Sabeco.
Nếu Heineken thành công, thị trường bia Việt có thể nằm gọn trong tay doanh nghiệp này. Hiện nay, thị phần của Heineken có thể thua Sabeco nhưng lợi nhuận doanh nghiệp này tạo ra lại gấp đôi (11.600 tỷ đồng so với 5.900 tỷ đồng). Nếu có thêm thị phần, Heineken trở thành kẻ độc chiếm chi phối thị trường này.
Tuy nhiên ThaiBev cũng không dễ để Heineken có thể định đoạt thị trường béo bở này trong khi họ đang cần một thị trường để mở rộng giới hạn tăng trưởng.
Với vốn hóa 4 tỷ USD ở Thái Lan với thương hiệu bia Chang nhưng dư địa phát triển trên thị trường này đang ngày một thu hẹp. Việc mở rộng là bài toán sống còn nên ThaiBev nhắm vào thị trường Việt Nam là mục tiêu rõ ràng nhất trong ngắn hạn.
Nếu Heineken nắm lợi thế về việc là cổ đông hiện hữu thì ThaiBev lại nhỉnh hơn về quyền tự quyết.
Với cơ chế “tập quyền”, không phức tạp trong mô hình quản trị gia đình có thể giúp ThaiBev ra quyết định nhanh trong đầu tư khi cơ hội đến. Đó là cơ sở để họ tạo ra một hệ sinh thái lớn về ngành hàng F&B ở trong khu vực.
Thương vụ M&A nổi tiếng nhất của ThaiBev đến nay là mua lại tập đoàn F&B số một Singapore là F&N với tổng giá trị lên tới 11,2 tỷ USD vào tháng 1/2013.
Mới đây, ngày 12/10/2017, Thai Beverage đã thâu tóm thành công hai nhà sản xuất và đóng chai nhãn hiệu rượu whiskey số 1 tại Myanmar trong thương vụ mua lại 75% cổ phần trị giá 741,6 triệu USD thông qua công ty thành viên International Beverage Holdings.
Ở Việt Nam, F&N đã mua thành công 16,04% cổ phần tại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), 100% cổ phần Metro Cash & Carry Việt Nam, sở hữu 65% Phú Thái và 65% khách sạn 5 sao Melia Hà Nội.
Thống kê để thấy những doanh nghiệp mà Thaibev chi phối đều có vị thế nhất định trên thị trường, thông qua đó dễ dàng tăng cường năng lực cạnh tranh.
Sabeco có lẽ là cái tên đầu ngành mà Thaibev mong muốn sở hữu nhất để thống nhất đế chế F&B của mình trong khu vực.
Triển vọng của các đối thủ lăm le là mối lo ngại đối với Heineken, khiến ông lớn này có thể phải chi nhiều tiền để ngăn cản sự xâm nhập thị trường của nhân tố mới mới.
Quyết tâm của ThaiBev cũng vậy, với lần thứ 3 “dạm hỏi” Sabeco, họ cũng không muốn ra về tay không.
Dẫu vậy, nhiều chuyên gia thị trường cho rằng tỷ suất sinh lợi (EBITDA) của Sabeco cũng đang tới ngưỡng. Quyết tâm này là một cú đặt cược vào sự tăng trưởng liên tục của công ty.
Quy trình sàng lọc cuối cùng
Chỉ gói gọn trong vòng 3 tuần sau khi công bố thông tin đợt chào bán công khai các nhà đầu tư ngoại phải tham gia vào phiên đấu giá. Giá chào bán đang treo ở mức cao khiến nhiều nhà đầu tư “nhăn mặt”. Quy trình đấu giá này được xem là bước sát hạch cuối cùng để sàng lọc những ứng viên thực chất, và kiên nhẫn nhất.
Bộ Công Thương đã công bố thông tin đợt chào bán công khai hơn 343,5 triệu cổ phần của Nhà nước tại Sabeco, tương đương 53,59% vốn điều lệ của hãng bia. Tổng giá trị theo mệnh giá là 3.437 tỷ đồng và mức giá khởi điểm chào bán là 320.000 đồng/cổ phần.
Theo đại diện Bộ Công Thương, phương thức chào bán là chào bán cạnh tranh giữa các nhà đầu tư có đủ điều kiện tham gia mua cổ phần, theo quy định tại Quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần của Bộ Công Thương tại Sabeco.
Ông Trương Hoành Hải, đại diện Bộ Công Thương, khi đó chia sẻ giới rằng, mức giá này do thị trường quyết định. Mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu là mức giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/11, trước ngày công bố thông tin nói trên.
Nhà đầu tư nước ngoài sẽ sở hữu tối đa 49% cổ phần của Sabeco. Khối ngoại đang chiếm 10,41% trong Sabeco thì các nhà đầu tư nước ngoài lần này chỉ còn tối đa 38,59% được mua và phải đặt cọc bằng ngoại tệ và có bảo lãnh.