Cơ quan chức năng quận Hà Đông đang xác minh vụ bé trai đuối nước tại Công viên nước Thanh Hà hôm 23/9 để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan.
Đây là lần thứ hai trong vòng 3 tháng, nơi đây xảy ra tại nạn chết người. Trách nhiệm của ban quản lý công viên nước này ra sao khi Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội và UBND quận Hà Đông đều né trách nhiệm cấp phép, quản lý các điều kiện an toàn đối với khu vực xảy ra tai nạn.
Công viên nước Thanh Hà, nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Việt Linh. |
Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa) cho biết theo Điều 8 Nghị định 106/2016 của Chính phủ, kinh doanh bể bơi là hoạt động kinh doanh có điều kiện, chủ kinh doanh phải luôn đề cao sự an toàn và tính mạng, sức khỏe của người khác, tránh đuối nước.
Ngoài ra, Thông tư 03/2018 của Bộ Văn hóa - Thể thao cũng chỉ rõ việc kinh doanh phải đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn bơi, lặn.
Nếu sự cố xảy ra ở Công viên nước Thanh Hà do lỗi của đơn vị chủ quản là Tập đoàn Mường Thanh do không tuân thủ, không đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định thì ban quản lý công viên phải chịu trách nhiệm về dân sự.
Căn cứ các điều 591 và 600 của Bộ luật Dân sự 2015, cơ sở kinh doanh bể bơi phải bồi thường thiệt hại về tính mạng người khác, hoặc bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra.
Về trách nhiệm hình sự, ông Giáp đánh giá việc để xảy ra tình trạng đuối nước có phần lỗi của chủ đầu tư và nhân viên đã bất chấp hoạt động không phép kéo dài. "Cơ quan điều tra cần khởi tố vụ án để làm rõ nguyên nhân, xem xét trách nhiệm người đã gây ra hậu quả nếu có", luật sư Giáp nhấn mạnh.
Công viên tạm dừng hoạt động sau sự cố. Ảnh: N.H. |
Cùng quan điêm, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật Chính Pháp) nói hoạt động công viên nước chính là hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thể dục thể thao, cụ thể là lĩnh vực bơi lội.
Đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện bởi có thể ảnh hưởng đến tình mạng, sức khỏe của con người. Bởi vậy, bất cứ cơ quan, đơn vị nào xây dựng bể bơi, tổ chức hoạt động bơi lội phải đáp ứng những tiêu chí, điều kiện kinh doanh theo quy định pháp luật và phải được cấp phép mới được phép hoạt động.
Theo luật sư Cường, Nghị định 36/2019 của Chính phủ nêu rõ cơ sở kinh doanh dịch vụ bơi lội phải có nhân viên cứu hộ (có đủ bằng cấp chuyên môn) thường trực khi có người tham gia tập luyện và thi đấu.
Số lượng nhân viên cứu hộ phải đảm bảo ít nhất 200 m2 mặt nước bể bơi/1 nhân viên. Trường hợp có đông người tham gia tập luyện phải đảm bảo ít nhất 50 người bơi/1 nhân viên trong cùng một thời điểm.
Trong trường hợp chưa đủ điều kiện hoạt động nhưng doanh nghiệp này vẫn đưa vào hoạt động dẫn đến hậu quả có người tử vong do nguyên nhân từ hoạt động bơi lội thì người đứng đầu cơ sở này phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Nếu cơ quan chức năng có căn cứ chứng minh chủ doanh nghiệp hoặc người liên quan mắc lỗi làm nạn nhân tử vong thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Hình sự về tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính.
Bé trai 6 tuổi bị đuối nước chiều 22/9 tại Công viên nước Thanh Hà ở khu đô thị Thanh Hà - Mường Thanh (phường Phú Lương, quận Hà Đông). Sau khi phát hiện, những người có mặt đã sơ cứu cho cháu bé rồi đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng nạn nhân không qua khỏi.
Đây là lần thứ hai nơi đây xảy ra sự cố gây chết người. Hơn 3 tháng trước, công viên nước này cũng là nơi xảy ra vụ đuối nước khiến cháu bé tử vong.
Thời điểm đó, Công viên nước Thanh Hà được các cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động bơi, lặn; chưa được cấp giấy phép đủ điều kiện bơi, lặn. Các nhân viên cứu hộ và nhân viên y tế chưa có chứng chỉ nghiệp vụ và bằng cấp theo quy định.
Sau sự cố mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội và UBND quận Hà Động đều phủ nhận trách nhiệm quản lý, cấp phép đủ điều kiện an toàn cho khu vực xảy ra tai nạn.