Trong báo cáo gửi tới Quốc hội vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã cập nhật thông tin về tình hình tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD trong đó có nhấn mạnh việc tăng vốn đối với hệ thống các ngân hàng.
11 ngân hàng được chấp thuận Basel II
Theo cơ quan quản lý, năng lực tài chính của các TCTD thời gia qua đã được cải thiện đáng kể. Trong đó, vốn điều lệ các tổ chức đã tăng dần qua các năm, đến cuối tháng 8 năm nay tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 591.800 tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2018, tăng 15,5% so với năm 2017.
Cùng thời điểm, vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống cũng đạt 856.100 tỷ đồng, tăng lần lượt 12,3% so với 2018, và 29,7% so với 2017. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) ở mức 11,9%.
Theo kế hoạch trước đó, NHNN đặt mục tiêu có ít nhất 12-15 ngân hàng thương mại áp dụng thành công Basel II (phương pháp tiêu chuẩn trở lên). Đến nay, đã có 17 ngân hàng (15 trong nước và 2 ngân hàng 100% vốn nước ngoài) có văn bản đăng ký áp dụng Thông tư số 41/2016/TT-NHNN trước thời hạn.
Trong đó, có 11 ngân hàng được chấp thuận áp dụng gồm Vietcombank, VIB, OCB, MBBank, VPBank, TPBank, ACB, Techcombank, MSB, HDBank, và ShinhanBank.
Cùng với quy mô vốn, quy mô tài sản các TCTD cũng tăng lên đạt 11,81 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 8 vừa qua, tăng 6,7% so với năm 2018.
Khó mở rộng tín dụng do khó tăng vốn
Báo cáo lần này cũng cho biết nhóm các ngân hàng cỡ lớn trong hệ thống đang gặp khó trong việc tăng vốn dẫn tới tình trạng khó mở rộng tín dụng.
Theo đó, đến cuối tháng 8 năm nay, tổng vốn điều lệ của 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước trên 50% gồm Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV đạt 139.000 tỷ đồng, tăng 0,8%. Tổng tài sản nhóm ngân hàng này cũng đã tăng 5,29%, đạt 5,081 triệu tỷ đồng, chiếm 43,01% toàn hệ thống.
Tuy nhiên, NHNN cho biết việc mở rộng tín dụng của nhóm ngân hàng này bị hạn chế do phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong điều kiện vốn điều lệ chậm tăng trưởng, đặc biệt là Agribank và Vietinbank.
Nguyên nhân do tăng trưởng tín dụng sẽ làm tăng tài sản có rủi ro, trong khi vốn điều lệ chậm tăng trưởng có thể dẫn đến việc vi phạm quy định về tỷ lệ an toàn vốn.
Theo đó, để tăng năng lực tài chính cho các nhà băng này, NHNN cho biết đang phối hợp với Bộ Tài chính xử lý vấn đề tăng vốn cho các ngân hàng theo chỉ đạo của Thủ tướng. Trong đó, tập trung chỉ đạo Agribank và các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc cổ phần hóa.
Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, NHNN cho biết đã phê duyệt phương án cơ cấu trong đó tập trung chấn chỉnh các mặt tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng.
Đến cuối tháng 8, vốn điều lệ của nhóm ngân hàng này đạt 270.000 tỷ đồng, tăng 1,3%; tổng tài sản có toàn nhóm đạt 4,918 triệu tỷ đồng, tăng 8%.
Còn một ngân hàng có sở hữu chéo
NHNN cũng cho biết, sau thời gian xử lý tình trạng sở hữu chéo trong các TCTD, đến nay toàn hệ thống chỉ còn một ngân hàng với 1 cặp sở hữu cổ phần lẫn nhau là ACB và Công ty Cổ phần Bất động sản Hòa Phát – Á Châu. Trong đó, tỷ lệ sở hữu của ACB tại Bất động sản Hòa Phát – Á Châu là 2,86% và ngược lại là 0,046%.
Số lượng này đã giảm rất nhiều so với thời điểm tháng 6/2012 với 56 cặp. Ngoài ra, số cặp TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau hồi năm 2012 là 7 cặp đến nay cũng cơ bản đã khắc phục xong.