Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Agribank chậm cổ phần hóa vì vướng pháp lý về đất

Chưa hoàn tất hồ sơ pháp lý đất đai, cùng những sai phạm trong hoạt động mua bán vốn doanh nghiệp khiến tiến trình cổ phần hóa tại nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn bị chậm trễ.

Sáng nay (28/3), Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp chuyên đề “Kết quả tái cơ cấu, cổ phần hoá của doanh nghiệp Nhà nước năm 2018”.

Số liệu được Bộ Tài chính đưa ra cho biết tính đến hết năm 2018, có 35/526 DNNN được phê duyệt phương án cơ cấu lại. Chính việc chậm phê duyệt phương án cơ cấu lại đã và đang ảnh hưởng đến tiến độ và khả năng hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại DNNN.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2017-2020, dự tính sẽ cổ phần hóa 127 doanh nghiệp và thoái vốn khoảng 60.000 tỷ đồng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp.

Năm 2018, chính là năm cao điểm của việc thoái vốn và cổ phần hóa với số doanh nghiệp thực hiện cao vượt trội trong giai đoạn.

cham co phan hoa thoai von dnnn anh 1

Tuy nhiên, năm vừa qua chỉ có 23 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị 31.706 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 16.739 tỷ đồng. Lũy kế giai đoạn 2016-2018, mới 159 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 442.275 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 206.024 tỷ đồng.

Trên thực tế, năm 2018, có 28 doanh nghiệp thực hiện bán cổ phần lần đầu với giá trị cổ phần bán ra là 13.950 tỷ, thu về 21.827 tỷ đồng.

Trong khi đó, các doanh nghiệp năm vừa qua cũng mới thoái được 8.640 tỷ đồng, thu về 19.618 tỷ đồng. Lũy kế giai đoạn 2016-2018, cả nước đã thoái được 22.064 tỷ, thu về 165.956 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, cả việc cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước vẫn còn chậm và chưa đạt kế hoạch đề ra. Nhiều đơn vị có số lượng doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa lớn nhưng chưa thực hiện theo đúng kế hoạch và chưa báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiến độ thực hiện.

Một số bộ, ngành, địa phương có nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn vẫn đang triển khai thực hiện nhưng kết quả đạt thấp hoặc chưa có kết quả, tuy nhiên vẫn chưa báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiến độ thực hiện.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cho biết nguyên nhân khiến việc cổ phần hóa cũng như thoái vốn chậm tại một số doanh nghiệp lớn như Agribank, MobiFone… nằm ở việc định giá đất đai sở hữu.

cham co phan hoa thoai von dnnn anh 2
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp.

Theo đó, với trường hợp của Agribank, tuy Bộ đã có hướng dẫn rà soát đất đai, nhưng do quy mô quá lớn, đến nay Agribank vẫn chưa rà soát, đưa ra được phương án sử dụng đất cụ thể.

Trong khi đó, MobiFone do vướng vụ AVG ảnh hướng đến quá trình cổ phần hóa chậm và nhiều cá nhân làm sai đã bị kỷ luật.

 “Nhiều doanh nghiệp trong quá trình thoái vốn còn lúng túng, đầu tư các dự án bất động sản rồi thua lỗ nên không dễ để thoái các khoản vốn tại đây”, ông Tiến nói.

Dẫn ví dụ về Tổng công ty Giấy đang gặp khó khăn khi thoái vốn tại giấy Phương Nam, ông Tiến cho hay Nhà máy bột giấy này đã đấu giá 3-4 lần nhưng không có nhà đầu tư nào mua.

“Chúng tôi cho rằng, thoái vốn phải tính theo giá thị trường, còn cứ nói nhà máy hoạt động rồi và muốn bán với giá hơn 1.000 tỷ đồng thì rất khó. Trên thực tế, nhà máy cũng chưa đi vào hoạt động", ông Tiến nhận định.

Một trường hợp khác là Tổng công ty Thép muốn thoái vốn ở Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.

Theo đó, ông Tiến cho biết có thể bán cả doanh nghiệp nhưng trước hết phải xử lý vấn đề tồn tại về tranh chấp pháp lý giữa nhà thầu, chủ đầu tư.

"Vừa qua, kết luận thanh tra nêu có sai phạm. Như vậy, phải xác định rõ sai phạm mới bán được. Quan trọng phải xử lý tranh chấp rõ ràng giữa nhà thầu thi công và chủ đầu tư, ông Tiến nói.

Về giải pháp cổ phần hoá, lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng quan trọng nhất là phải đảm bảo nguyên tắc đúng pháp luật, công khai minh bạch, theo thị trường.

Một dự án thua lỗ không thể đòi bán với giá cao. Với các doanh nghiệp thua lỗ, làm sai ở đâu thì phải chỉ ra ở đó và người làm sai phải chịu trách nhiệm để không ảnh hưởng tới quá trình tái cơ cấu DNNN.



Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm