Thời gian dài, lượng bụi khổng lồ phát tán từ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành gây đảo lộn đời sống của hàng chục nghìn hộ dân nơi đây.
Trong quá trình thi công giai đoạn 1 siêu dự án, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV - chủ đầu tư) liên tục nhận nhiều cảnh báo của cơ quan môi trường từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm bụi hiện chưa cải thiện mà thậm chí còn trầm trọng hơn.
ACV thực hiện chưa đủ
Tình trạng ô nhiễm không khí do bụi phát tán ngay từ những ngày đầu chuẩn bị thi công đã được Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Đồng Nai nhiều lần cảnh báo chủ đầu tư ACV. Sở TNMT địa phương đã thực hiện nhiều đợt quan trắc không khí định kỳ tại khu vực triển khai dự án trong quá trình công trường trình thi công. Kết quả quan trắc phát hiện ô nhiễm bụi khu vực này vượt mức cho phép 18 lần.
Trao đổi với Zing, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường (BVMT) tỉnh Đồng Nai (Sở TNMT tỉnh Đồng Nai) cho biết thông qua dữ liệu chất lượng không khí môi trường từ năm 2020 - thời điểm công trình chuẩn bị khởi công, đơn vị đã bố trí mạng lưới quan trắc tương đối dày tại khu vực.
Bụi phát tán từ đại công trường sân bay Long Thành. Ảnh: Chí Hùng. |
Từ kết quả đánh giá quan trắc, cơ quan đã nhận thấy lượng bụi tăng lên và có ít nhất 4 lần văn bản yêu cầu ACV phải kiểm soát được nồng độ bụi phát sinh, không để phát tán ra môi trường xung quanh.
"Sau đó Sở TNMT thấy hàm lượng bụi ngày càng cao, đặc biệt là đầu năm 2022 và đầu năm 2023, Sở TNMT đã có văn bản gửi cho Bộ TNMT để tổ chức đoàn kiểm tra", đại diện Chi cục BVMT nói.
Quá trình kiểm tra thực địa hồi tháng 3 của đoàn kiểm tra gồm Bộ TNMT, Thanh tra Bộ, Công an, Sở TNMT, UBND huyện Long Thành, trong biên bản làm việc xác định dự án Cảng hàng không thi công phát sinh bụi là có cơ sở.
Bụi không dừng lại bán kính 5 km, có thời điểm phát tán lên bán kính 15 km.
Đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TNMT tỉnh Đồng Nai)
Đại diện Chi cục BVMT cho biết dựa theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, ACV đã thực hiện chưa đầy đủ.
"Theo quy định, họ phải kiểm soát được bụi tốt, kiểm soát được phương tiện vận chuyển, giảm tốc độ, che chắn kỹ, tưới đường theo ĐTM (đánh giá tác động môi trường thì họ thực hiện không đầy đủ", vị đại diện Chi cục BVMT nói.
Theo tính toán của cơ quan chuyên môn này, hàm lượng bụi từ dự án sân bay Long Thành hiện không chỉ dừng lại bán kính 5 km xung quanh công trường. Có những thời điểm, bụi phát tán lên đến bán kính 15 km.
Hiện nay đoàn kiểm tra của Bộ TNMT đã kiểm tra, lập biên bản và chuẩn bị báo cáo cho Bộ trưởng. "ACV cũng thừa nhận bụi do họ. Trong nội dung biên bản yêu cầu ACV cam kết thực hiện những gì cũng được đưa ra chi tiết", vị này nói.
Hiện, huyện Long Thành rà soát, cung cấp số hộ bị ảnh hưởng vì bụi đỏ từ dự án sân bay Long Thành để cung cấp cho đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ngoài xem xét xử lý vi phạm của ACV, tùy theo mức độ, Bộ TNMT sẽ kết luận ACV phải bồi thường thiệt hại, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.
Tăng cường xe tưới nước để khắc phục
Trả lời Zing về nguyên nhân không kiểm soát hàm lượng bụi, ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cho biết việc phát sinh bụi trong quá trình thi công đã được chủ đầu tư lường trước.
"Tuy nhiên, các tính toán vào thời điểm đó được đưa ra theo tiến độ thi công 30 tháng. Song, việc Chính phủ yêu cầu rút ngắn tiến độ thi công còn 15 tháng, tính chất dự án phải triển khai đồng bộ, chúng tôi đã tăng cường xe máy thiết bị bốc toàn bộ lớp phủ của 2.000 ha khiến lớp rễ, cây cỏ không còn", ông Bình giải thích.
ACV sẽ tăng cường xe cứu hỏa của sân bay để tăng tần suất và hiệu quả tưới nước.
Ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc ACV
Lãnh đạo ACV cho hay cũng đã yêu cầu các đơn vị thi công có các biện pháp như tưới nước, che đậy khi vận chuyển,… nhằm hạn chế bụi gây ảnh hưởng đến xung quanh. Tuy nhiên, với công trình thi công san lấp nền, bóc tách toàn bộ lớp thảm thực vật nên bụi bị xới tung là khó tránh khỏi.
"Thêm nữa, 2.000 đầu xe máy móc chạy liên tục rầm rập mỗi ngày cũng khiến bụi bị cuốn xoáy lên. Chúng tôi huy động 50 xe tưới nước, tưới ngày đêm nhưng không thấm vào đâu so với diện tích và thực trạng như thế", ông Đỗ Tất Bình cho biết.
2.000 xe đầu kéo, xe chở máy móc vật liệu chạy trên công trường sân bay Long Thành mỗi ngày. Ảnh: Chí Hùng. |
Cũng theo ông Đỗ Tất Bình, cách khắc phục duy nhất hiện nay của chủ đầu tư là tăng cường xe tưới nước. Đặc biệt, ACV sẽ tăng cường xe cứu hỏa của sân bay để tăng tần suất và hiệu quả tưới nước trên phạm vi dự án.
Trong bối cảnh đời sống sinh hoạt, sức khỏe của hàng nghìn con người tại xã Bình Sơn bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì bụi phát tán, ông Bình cho biết chủ đầu tư đang yêu cầu các nhà thầu thúc đẩy tiến độ từ nay đến tháng 5 - vào mùa mưa để hoàn tất công tác san nền.
"Bây giờ không thể nào làm mà không bụi, và nếu để không bụi thì chỉ có thể giảm thiểu tốc độ thi công. Đây là tiến độ cả một dự án. Mong người dân chia sẻ với chúng tôi, vì áp lực tiến độ chúng tôi đã cố gắng nhưng không có cách nào khác", lãnh đạo ACV nói.
Bụi dự án sân bay Long Thành nhìn từ khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Ảnh: Chí Hùng. |
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang trong quá trình thi công giai đoạn 1, gồm một đường cất/hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, lượng bụi khổng lồ từ đại công trường đã ảnh hưởng trực tiếp đến hàng nghìn hộ dân và gây đảo lộn đời sống của toàn bộ khu vực bán kính hơn 10 km xã Bình Sơn (Đồng Nai).
Với những ngày ít gió, công trường vẫn xuất hiện những cột bụi khổng lồ. "Bụi bốc lên như khói. Chạy xe gần dự án 10 phút là quần áo đã nhuộm đỏ. Nên ở đây chúng tôi thường mang ủng, mặc áo khoác che kín cổ, mặt", bà Dương Thị Hiếu (người dân xã Bình Sơn) cho biết.
Theo ông Quang (người dân địa phương), ô nhiễm bụi từ công trường thi công sân bay Long Thành đã kéo dài hai năm. "Những ngày gió lớn, bụi đỏ cả một góc bầu trời, người dân thường đóng kín cửa, ở trong nhà để tránh".
Cách công trường sân bay Long Thành hơn 7 km, người dân khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn vẫn có thể quan sát rõ những cột 'khói' đỏ mù mịt. "Nếu không mở cửa thì bí bách, nhưng mở thì phải lau dọn đồ đạc từ sáng đến chiều", bà Trần Định Phương Oanh, hộ kinh doanh hàng tạp hóa khu tái định cư, cho biết.
Trước đó, Bộ TN&MT có quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân ký quyết định thành lập, gồm các thành viên như: Đại diện Vụ môi trường, Cục kiểm soát môi trường, Thanh tra Bộ TN&MT; đại diện Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, đại diện Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Đồng Nai) và Phòng TN&MT huyện Long Thành.
How to Save Our Planet - Mark Maslin: Tác phẩm được ví như cuốn cẩm nang về các vấn đề còn tồn tại và các giải pháp khả thi để cứu Trái Đất; trang bị cho người đọc những kiến thức khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu, tính bền vững và các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt.
We are the Weather: Saving the Planet Starts at Breakfast - Jonathan Safran Foer. Tác giả tin rằng mối liên hệ giữa ngành nông nghiệp chăn nuôi và cuộc khủng hoảng khí hậu hiện ra không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, các hành động mang tính tập thể như giảm tiêu thụ thịt có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon.