Mới đây, Nguyễn Văn Dũng (30 tuổi, quê Bến Tre) đã dùng acid sunfuric (H2SO4) tạt vào tám nạn nhân ở TP.HCM vì cuồng yêu. Acid tàn phá cơ thể con người rất ghê gớm. Dấu ấn do acid sunfuric gây ra hằn trên da thịt suốt đời nên nhiều người chọn loại “vũ khí” này để trả thù người khác.
Dù nhà nước có quy định đây là loại hóa chất nằm trong danh mục hóa chất phải khai báo, nhưng hầu như chẳng ai quan tâm đến việc này và việc mua H2SO4 cũng dễ như… mua rau vậy.
Theo quy định (Nghị định 108/2008; Thông tư 28/2010 của Bộ Công Thương), H2SO4 nằm trong danh mục hóa chất phải khai báo. Việc mua bán hóa chất độc phải có phiếu kiểm soát, được lưu giữ tại bên bán và bên mua. Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất phải thể hiện tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân người mua và người bán; mục đích sử dụng… và hai bên phải lưu giữ phiếu này ít nhất năm năm.
Một bệnh nhân bỏng vì acid sunfuric đang được chăm sóc tại BV Chợ Rẫy (TP.HCM). |
Chúng tôi xin tờ phiếu kiểm soát theo quy định, người bán trố mắt ngạc nhiên: “Phiếu kiểm soát gì? Tôi có nghe nói tới phiếu kiểm soát gì đâu!”. Chúng tôi giải thích về phiếu kiểm soát phải ghi tên, địa chỉ, mục đích sử dụng… thì người này lầm bầm: “Anh mua về sử dụng gì thì tùy anh, tôi đâu cần biết!”.
Điểm bán hóa chất trên đường Kim Biên (quận 5) bày bán rất nhiều loại, được đựng trong những thùng nhựa lớn. Người bán giới thiệu hai loại acid dùng xạc bình ắcquy với giá mỗi lít từ 16.000 - 20.000 đồng. “Mua ít giá khác, mua nhiều giá khác. Nếu lấy nhiều thì điện thoại trước vài tiếng để tôi chuẩn bị hàng. Cần thì tôi chở tận nhà, thêm ít tiền xăng” - người bán nói.
Khi hỏi mua 1 lít, người bán nhanh tay rót thứ nước lỏng từ can nhựa lớn qua bình nhựa nhỏ. “Cẩn thận nghe, thứ này dính vô da thì cháy khét” - ngưới bán nhắc nhở. Khi chúng tôi đề nghị cho cái phiếu kiểm soát, người này khó chịu: “Mua một, hai lít cần gì phiếu đó. Ai hỏi anh cứ nói mua dùng sạc bình ắcquy”.
Không chỉ các điểm kinh doanh hóa chất trên “lạ lẫm” với phiếu kiểm soát mà nhiều điểm bán hóa chất khác cũng chẳng ai quan tâm đến loại phiếu này nếu có biết. Ai cũng biết acid để lại dị tật hết sức nặng nề cho các nạn nhân nhưng với cách quản lý gần như thả nổi hiện nay, rất khó kiểm soát người mua dùng vào việc gì và những vụ án tạt acid sẽ vẫn còn tiếp diễn.
Theo Nghị định 108/2008, danh mục hóa chất được chia làm năm dạng gồm: hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện; hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh; hóa chất cấm; hóa chất nguy hiểm; hóa chất phải khai báo.
Acid nitric; acid sulfonitric, acid sunfuric… nằm trong danh mục hóa chất phải khai báo, không bị hạn chế kinh doanh.
Cách xử lý bỏng acid
TS Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc BV Nhân dân 115 (TP.HCM), cho biết: Khi bỏng acid sunfuric sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề liên quan đến tâm lý, thẩm mỹ, chức năng hoạt động của cơ thể... Trường hợp nặng dễ dẫn đến tử vong.
Để xử lý acid sunfuric dính trên da nên nhanh chóng rửa vết bỏng dưới vòi nước sạch càng lâu càng tốt để tránh các cơ quan vùng bỏng bị hoại tử. Cởi bỏ ngay quần áo còn dính hóa chất. Khi tiếp xúc với người bị bỏng vì acid sunfuric nên mang găng tay. Trường hợp acid sunfuric văng vô mắt tuyệt đối không được dụi, dùng nước sạch rửa mắt nhiều lần trong vòng 20 phút và đưa đến bệnh viện ngay.
- Tối 3/8, do mâu thuẫn vì bị cho nghỉ việc, Đặng Đình Hải tạt acid vào gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Hương ở Hà Nội làm năm người trong gia đình chị bị thương tật từ 5% đến 44%.
- Tháng 12/2011, TAND tỉnh Đồng Nai phạt Trần Dũng 14 năm tù và Nguyễn Văn Hương 13 năm tù về tội cố ý gây thương tích vì đã tạt acid thuê, làm chị NTKT bị thương tật 95%.
- Mới đây, TAND TP Hà Nội phạt Lê Đức Chung, Trương Văn Duy mỗi người 19 năm tù; Phạm Ngọc Thành gần 17 năm tù vì tạt acid vào ba phụ nữ làm họ bị thương tật từ 56% đến 90%...