Nhân sự trẻ tuổi tại các công ty giải trí lớn và nhiều hãng tạo mẫu thời trang tại Hàn Quốc đang đối mặt với lỗ hổng luật lao động, Korea Bizwire đưa tin.
Bộ Việc làm và Lao động nước này đã điều tra về điều kiện làm việc tại hai công ty giải trí lớn và 10 công ty tạo mẫu thời trang đã hợp tác với các công ty này.
Theo Bộ, hai công ty trên đã vi phạm 12 lỗi về sử dụng lao động, trong đó bao gồm việc không trả 16 triệu won (12.200 USD) tiền làm thêm giờ, vi phạm giờ làm việc và không tiến hành giáo dục về phòng chống quấy rối tình dục.
Các công ty tạo mẫu thời trang bị điều tra vi phạm 43 lỗi, bao gồm không ký hợp đồng với các trợ lý thời trang và không đưa ra biên lai tiền lương.
Nhiều nhân viên trong ngành giải trí bị bóc lột sức lao động, không được ký hợp đồng. Ảnh: Korea Bizwire. |
"Các stylist thường xuyên phải thay đổi ca làm việc để chạy theo lịch trình của những người nổi tiếng, phải có mặt làm việc mỗi khi họ có nhu cầu. Hợp đồng ký với các công ty giải trí thường không quy định đầy đủ về chi phí, dẫn đến những vi phạm lao động", Bộ cho biết.
Bộ Việc làm và Lao động đã tiến hành cuộc khảo sát với các quản lý và trợ lý tạo mẫu thời trang. Kết quả, 24,1% quản lý và 20% trợ lý cho biết họ làm việc hơn 52 giờ mỗi tuần.
Các quản lý đều đã ký hợp đồng lao động và nhận biên lai tiền lương, tuy nhiên nhiều trợ lý chưa được ký hợp đồng (20%) hoặc không được nhận biên lai tiền lương (46,7%).
Không riêng ngành giải trí, người lao động ở nhiều lĩnh vực khác nhau tại Hàn Quốc đều có thể trở thành nạn nhân của phân biệt và bóc lột sức lao động. Những kiểu hành vi này còn được đặt một tên riêng: Gapjil - từ chỉ sự lạm dụng quyền lực của cấp trên đối với cấp dưới.
Sếp bắt nhân viên làm thêm giờ mà không trả lương hoặc nhân viên bị người quản lý bắt nạt, bạo lực ngôn ngữ, yêu cầu đưa hối lộ hoặc trả lương không đúng hạn là những ví dụ cho gapjil.
Tháng 7/2019, chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra những quy định nhằm loại bỏ văn hóa làm việc độc hại. Theo đó, những ông chủ sa thải nhân viên theo cách bất công có thể đối mặt 3 năm tù giam hoặc khoản tiền phạt 30 triệu won, CNN đưa tin.
Luật sư Shin Hana, người làm việc cho đường dây nóng có tên "Gapjil 119", cho biết nhóm này hỗ trợ 80-100 người mỗi ngày, với nhiều vấn đề được báo cáo như rối loạn căng thẳng sau chấn thương, biểu hiện là hoảng loạn tự phát, mất ngủ và ám ảnh không thể giải thích.
"Các nhà tuyển dụng mang thái độ 'Tôi trả tiền cho nhân viên, nghĩa là tôi sở hữu người đó'. Họ tin rằng có thể mua được người đó", Shin nói.