Chỉ trong ngày 12/3, giới chức Italy ghi nhận thêm 27.000 bệnh nhân Covid-19 và 389 trường hợp tử vong. Thủ tướng Mario Draghi tuyên bố: “Hơn một năm trải qua cuộc khủng hoảng sức khỏe, chúng ta lại phải đối mặt với một làn sóng lây nhiễm mới”.
“Ký ức về thảm kịch năm ngoái vẫn còn đó. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để ngăn điều này lặp lại”, Guardian dẫn lời ông Draghi.
Từ ngày 15/3, phần lớn địa phương ở Italy sẽ phong tỏa nghiêm ngặt và người dân chỉ được ra ngoài khi có nhu cầu thiết yếu. Tại đây, hầu hết cửa hàng, quán bar và nhà hàng cũng phải đóng cửa.
Đường phố thủ đô Paris, Pháp, trong thời đại dịch. Ảnh: US News. |
Ở Pháp, các nhà chức trách cũng đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về dịch bệnh. Bộ trưởng Y tế Olivier Veran miêu tả tình hình ở thủ đô Paris khá căng thẳng và đáng lo ngại. Ông tiết lộ: “Cứ 12 phút mỗi ngày lại có một người Paris bị đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã áp đặt lệnh giới nghiêm và nhiều biện pháp hạn chế xã hội tại một số khu vực. Các bác sĩ và chuyên gia y tế còn thúc giục ông Macron nhanh chóng đóng cửa biên giới.
Đức hôm 13/3 có thêm 12.674 bệnh nhân Covid-19, cao hơn số liệu của tuần trước 3.117 trường hợp. Một quan chức y tế hàng đầu đã thừa nhận nước Đức chuẩn bị đối mặt với làn sóng dịch bệnh lần ba.
Điều tương tự đang xảy ra tại Ba Lan, nơi có thêm 17.260 bệnh nhân Covid-19 chỉ trong ngày 10/3. Đây là số liệu trong ngày cao nhất kể từ tháng 11/2020. Chính phủ Ba Lan cho biết các biện pháp hạn chế sẽ sớm được công bố trong tuần này.
Ba Lan vốn đã ban hành nhiều quy định để kiểm soát các cuộc tụ họp xã hội. Ở nước này, hầu hết trường học và nhà hàng đều đóng cửa.
Ngoài ra, cả Hungary và Cộng hòa Czech đều ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm và tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tăng nhanh. Các quan chức y tế cảnh báo số liệu sẽ còn nghiêm trọng hơn trong những tuần tới.
Tính đến ngày 14/3, thế giới có tổng cộng hơn 120,1 triệu ca mắc và 2,6 triệu ca tử vong vì Covid-19, dẫn số liệu từ Worldometers.