Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BRANDVOICE

9X Hà Nội kể hành trình 15 phút chinh phục Shark Khoa rót vốn 5 tỷ

Cường kể: “Tôi nói với anh Khoa rằng anh bán hoa, làm xây dựng phải bỏ vốn mua nguyên liệu, trả nhân công lại lo hàng tồn. Tôi bán phần mềm chỉ có thu tiền thôi, không lo gì cả".

Shark Khoa anh 1Shark Khoa anh 2

Cường kể: “Tôi nói với anh Khoa rằng anh bán hoa, làm xây dựng phải bỏ vốn mua nguyên liệu, trả nhân công lại lo hàng tồn. Tôi bán phần mềm chỉ có thu tiền thôi, không lo gì cả".

Sinh ra ở Thanh Hóa, Trương Văn Cường ra Hà Nội học Đại học Bách khoa với niềm mong mỏi của bố mẹ là trở thành kỹ sư ngành tự động hóa và có một công việc ổn định. Nhưng, Cường thú nhận mình chưa thử một ngày nào đi làm công việc được đào tạo, dù luôn khẳng định việc chọn học kỹ thuật là rất đúng.

“Bản thân tôi khá thực dụng và vạch rất kỹ đường đi của cuộc đời mình nên ngay khi ra trường, tôi lao vào kinh doanh, chấp nhận kiếm tiền cắt và khởi nghiệp trong khó khăn, giấu diếm gia đình, người thân. Có thời điểm cuối tháng không xoay đâu ra tiền trả lương, tôi mang từ sổ hộ khẩu gia đình, bằng đại học đến chứng minh thư đi cầm, gom đủ 20 triệu đồng để ứng cho nhân viên”, 9X chia sẻ.

Shark Khoa anh 3

- 28 tuổi, Cường sở hữu trung tâm đào tạo tiếng Nhật có tiếng với 3 cơ sở tại Hà Nội và chuẩn bị khai trương chi nhánh đầu tiên tại TP.HCM. Đặc biệt, phần mềm học tiếng Nhật cùng Kohi đang có hơn 200.000 lượt người dùng và được đánh giá rất tốt. Có vẻ con đường khởi nghiệp của bạn rất trơn tru và thành công nhanh?

- Tôi chỉ mới có gần 4 năm kinh doanh thôi và mọi thứ chỉ mới bắt đầu. Mô hình trung tâm đào tạo tiếng Nhật của Kohi vẫn vừa làm vừa hoàn thiện, mọi thứ còn rất ngổn ngang và chưa gọi là thành công đâu.
Shark Khoa anh 4
Thực tế, tôi đi kinh doanh hết sức chật vật, vất vả, kiếm từng đồng tiền lẻ và đã trải qua nhiều cay đắng, thất bại từ những ngày đầu. Học ngành tự động hóa ở Đại học Bách khoa Hà Nội, ra trường, tôi dường như chưa có ngày nào làm ngành mình được đào tạo mà bắt đầu với những trải nghiệm xem người ta kiếm tiền như thế nào. Tôi nghĩ làm một bài toán đơn giản, nếu mình đi làm, lương 20 triệu một tháng, tiết kiệm rất giỏi thì mỗi tháng dư 10 triệu đồng. Mỗi năm có 120 triệu, như thế thì hơn 10 năm sau cũng không mua nổi căn nhà ở Hà Nội.

Chính vì vậy khi ra trường, tôi dành một tháng để đi xem người ta kiếm tiền như thế nào và bắt đầu hành trình khởi nghiệp cho mình.

Công việc kinh doanh đầu tiên của tôi là mở một quán cà phê nhỏ và kinh doanh được một năm, cũng có lãi. Nhưng mỗi sáng, khi tôi pha cà phê cho khách uống, tôi lại nghĩ: Tại sao mình không phải là người khách ngồi uống cà phê, được phục vụ kia, mà lại vất vả pha từng ly cà phê thu tiền lẻ. Thế là tôi sang nhượng quán cà phê, bắt đầu với mô hình kinh doanh nhà trọ. Cách của tôi là thuê nhà lớn rồi cho thuê lại phòng. Hiện giờ, mô hình này vẫn chạy tốt, đã có hơn 10 cơ sở. Và đây chính là nguồn tiền để tôi thực hiện giấc mơ lớn hiện nay, đó là xây dựng trung tâm đào tạo tiếng Nhật.

- Cơ duyên nào một kỹ sư tự động hóa lại đi đầu tư trung tâm đào tạo tiếng Nhật. Hẳn Cường rất giỏi và yêu thích ngoại ngữ này?

- Câu chuyện mở trung tâm đào tạo tiếng Nhật của tôi rất tình cờ. Mấy năm trước ở Hà Nội chỉ vài cơ sở đào tạo tiếng Nhật thôi, trong khi nhu cầu học tiếng Nhật lại khá lớn, nhất là với người học kỹ thuật như chúng tôi. Khi đó, tôi cũng đi học tiếng Nhật vì muốn chiều lòng bố mẹ, sẽ đi làm đúng chuyên ngành được đào tạo. Tôi đi học được 2 buổi, lại chợt nghĩ: Tại sao mình không mở một trung tâm dạy ngôn ngữ này? Thế là tôi dừng việc học, dành thời gian đầu tư cho việc này.

Tôi bỏ ra nửa năm để đi các trung tâm đào tạo tiếng Nhật xem mô hình của họ, cách người ta làm và làm theo. Vì bắt chước làm theo trong khi mình ít vốn đầu tư cơ sở vật chất, quảng cáo hoành tráng nên trong 2 tháng đầu tiên tôi không tìm được học viên, vì chẳng ai tin mình.

Không bỏ cuộc, khi đó tôi nghĩ ra cách mời các giáo viên và hợp tác thuê phòng học, để giảm tải chi phí trung tâm. Quan trọng nhất là tạo được uy tín thu hút học viên, từ đó các học viên đến ngày càng nhiều. Người ta thấy mình nhỏ nhưng đào tạo chất lượng, học phí cạnh tranh nên gắn bó. Cứ thế mà học viên đông dần lên.

Shark Khoa anh 5

- Lần đầu tiên khởi nghiệp, Cường có trong tay bao nhiêu tiền?

- 50 triệu đồng. Đó là tất cả tiền bán xe máy, điện thoại và cả laptop, những vật dụng thiết yếu của tôi. Số tiền đó tôi dồn để mở quán cà phê. Làm quán cà phê một năm, tôi cũng mua được xe máy, điện thoại sử dụng. Khi sang lại quán cà phê thì tôi cũng có được tiền để xoay sở với mô hình kinh doanh nhà trọ, dù nhỏ lẻ.

Suốt thời gian đầu khởi nghiệp, tôi phải giấu kín với bố mẹ ở quê, vì bố mẹ tôi cũng như nhiều gia đình khác, muốn con cái ra trường, làm một công việc ổn định, lĩnh lương an nhàn hàng tháng. Không thể mất bao nhiêu công sức nuôi con ăn học rồi ra trường đi làm “linh tinh”.

Những ngày đầu, lúc nào trong tôi cũng quẩn quanh suy nghĩ làm sao để bù lỗ, giảm lỗ, nguồn tiền nào để bù chi phí phát sinh… Nhưng cũng nhờ những ngày đầu khó khăn đó mà bây giờ tôi luôn cẩn trọng, bằng mọi cách phải không được lỗ, không được mất vốn.

Tự thân vận động nên tôi quý từng đồng, từng cắc một. Bây giờ, tôi vẫn luôn nhắc nhở nhân viên như vậy, bởi mình đi lên từ con số không mà. Thực tế có những thời điểm khó khăn đến mức cuối tháng không còn một đồng thanh toán lương cho nhân viên, phải mang cả hộ khẩu gia đình, giấy chứng minh, bằng tốt nghiệp đại học đi cầm để được 20 triệu đồng trả lương, nên chuyện mất một đồng hay làm ra một đồng tôi đều quý và nhớ như nhau.

Shark Khoa anh 6

- Mất bao lâu thì Kohi đi vào vận hành ổn định? Ra đời sau, vốn đầu tư yếu, bạn lấy ưu thế gì để cạnh tranh với các trung tâm đào tạo Nhật ngữ lớn khác?

- Qua nửa năm đầu khó khăn thì trung tâm đào tạo tiếng Nhật của tôi ổn định, học viên tăng dần lên. Học viên tăng, tôi lại nghĩ cách làm thế nào để giữ học viên cũ và tăng học viên mới. Tôi không có thế mạnh đào tạo như các trung tâm ngoại ngữ truyền thống, với trường lớp hoành tráng, nên chắc chắn mình không thể cạnh tranh bằng lợi thế này. Nhưng tôi là dân kỹ thuật, tư duy về kỹ thuật ngấm trong máu và tôi luôn muốn vận dụng kỹ thuật để làm mọi thứ.
Tôi nghĩ chỉ có áp dụng công nghệ, kỹ thuật để tạo sự khác biệt mới có thể cạnh tranh được, mở rộng thị trường tốt mà không cần bộ máy cồng kềnh.
Shark Khoa anh 7
Điều đầu tiên tôi nhận thấy phương pháp đào tạo truyền thống theo kiểu học viên ngày ngày đến lớp chép bài đã quá lỗi thời, nên tôi đầu tư hệ thống đào tạo trực tuyến. Chỉ đào tạo trực tuyến mới có thể giúp người học tiện lợi hơn trong việc tiếp cận ngoại ngữ như mong muốn, bởi rất nhiều người không thể lúc nào cũng đến lớp đúng giờ giấc như mong muốn, không thể áp dụng kiểu đào tạo truyền thống được. Học trực tuyến cũng chính là phương pháp nhân lượng học viên tăng nhanh.

Sau nửa năm tập trung hoàn thiện, hệ thống học tiếng Nhật trực tuyến đưa vào vận hành. Hệ thống này giúp người học từ chưa biết gì đến trình độ trung cấp, thi thử và có thể tìm được việc làm phù hợp. Điểm mạnh của hệ thống này là có thể “quét”, xem người học trình độ đến đâu, ở vị trí nào để có thể tương tác với các công ty mong muốn. Giải quyết được bài toán bức thiết nên chỉ trong vòng 3 tháng, app học tiếng Nhật cùng Kohi ra mắt, đã có 30.000 người sử dụng. Hiện tại, sau 10 tháng ra mắt, hơn 200.000 người đã sử dụng hệ thống này.

- App học ngoại ngữ không phải là mới, rất nhiều ứng dụng đã có trước đó, phần mềm của Cường có ưu thế, tiện ích gì để tạo sự khác biệt, gây ấn tượng và nhất là hút được người học?

- Đúng là app học ngoại ngữ không mới, nhưng với riêng tiếng Nhật thì chúng tôi là đơn vị đầu tiên. Bí quyết nằm ở những tiện ích thiết thực chỉ có “người trong nghề” mới hiểu và nắm bắt được người học muốn gì và cần gì. Phần mềm của chúng tôi do chính những giáo viên bản xứ và giáo viên người Việt cùng hỗ trợ thực hiện, phù hợp áp dụng cho cả lớp đào tạo truyền thống và online. Đầu tiên là công nghệ nhận dạng giọng nói giúp kiểm tra phát âm, người thầy online sẽ giúp học viên kiểm tra phát âm một cách chính xác nhất qua công nghệ nhận dạng giọng nói hiện đại.

Shark Khoa anh 8

Thứ hai là việc học từ vựng theo phương pháp hình ảnh. Thứ ba là công nghệ tra và dịch tiếng Nhật bằng hình ảnh và giọng nói. Thứ tư là việc xem bài giảng giáo viên trên điện thoại, học tiện lợi không bị hạn chế thời gian, những người đi làm bận rộn có thể tranh thủ thời gian bất kỳ lúc nào để nghe giảng mà không cần đến lớp. Cuối khóa học có kỳ thi thử ngay trên di động, người dùng có thể kiểm tra trình độ của mình y hệt kỳ thi thật, giúp kỳ thi thật trở nên dễ dàng hơn.

Học viên chủ động hoàn toàn việc học của mình từ tìm lớp, đăng ký lớp học phù hợp thời gian, địa điểm. Hệ thống cũng có ưu thế là không cho học viên học nhảy cóc, phải học xong bài một mới đến bài 2. Ngoài ra, với những học viên vắng mặt, mất kiến thức, hệ thống sẽ tự động gửi tin nhắn, yêu cầu bật ứng dụng học online và học lại kiến thức chưa học.

Một điều khiến học viên đến Kohi và gắn bó đó là linh hồn của hệ thống, những giá trị họ được trải nghiệm như: Cách học từ vựng hiệu quả, những video bài giảng sinh động, mẹo học nhanh, cách phát âm chuẩn…

- Quay lại câu chuyện đầu tư trung tâm đào tạo tiếng Nhật, Cường nói bắt đầu từ câu chuyện chính mình đi học 3 năm trước, vậy bây giờ trình độ tiếng Nhật của Cường đến đâu?

- Thú thật là tôi không biết gì về ngôn ngữ này (cười). Nhưng điều đó có lý do cả. Tôi luôn đặt mình vào vị thế một người chưa biết gì để tập trung nghiên cứu, sáng tạo và cũng để không can thiệp sâu vào chuyên môn của những người giảng dạy. Vì không biết gì nên tôi luôn đặt mình vào vị trí người học, để xem học viên muốn gì, cần gì, hài lòng cái gì… để cải tiến công nghệ hợp lý.

Quan niệm của tôi ở đây là không học để làm cho tốt và đặc biệt hơn (cười). Tôi không muốn mình sa vào chuyên môn của giáo viên mà lơ là trải nghiệm của khách hàng, trong khi việc trải nghiệm, đánh giá của khách hàng mới là điều cần quan tâm.

- Nhưng nếu “trình độ tiếng Nhật bằng không” thì liệu Cường có quản lý được chất lượng giảng dạy? Nếu học viên phản ứng về chất lượng thì Cường làm thế nào?

- Đó là điều đặc biệt mà ai cũng thắc mắc. Điểm yếu của tôi là không biết tiếng Nhật. Nhưng để quản lý, ngay từ đầu tôi đã xây dựng phòng kiểm soát chất lượng đào tạo chặt chẽ. Bộ phận này sẽ giúp tôi giải quyết vấn đề. Đội ngũ kiểm soát chất lượng, nội dung do giáo viên người Nhật phụ trách.

Mà việc tôi biết tiếng Nhật hay không cũng không quan trọng. Tôi cũng đâu có biết lập trình, tôi không biết về kế toán, bán hàng, nhưng tôi biết lắp ghép các bộ phận này làm việc hiệu quả với nhau, miễn sao hệ thống của chúng tôi làm việc trơn tru, nhận sự phản hồi tốt nhất từ học viên của mình. Kết thúc khóa học ở Kohi, học viên sẽ là người đánh giá giáo viên, đánh giá chất lượng phục vụ của trung tâm.

Nếu giáo viên dạy nhiệt tình, học viên đáp ứng đầy đủ việc học, hệ thống sẽ tự động chấm sao tốt cho giáo viên, từ đây cũng sẽ tính lương phù hợp. Tôi coi giáo dục cũng là ngành dịch vụ, mình phải phục vụ tốt như các ngành dịch vụ khác. Nhưng giá trị vô hình mang lại không có gì đong đếm được.

Shark Khoa anh 11

- Trước đây khó khăn, bạn không đi gọi vốn. Trong khi bây giờ hệ thống chạy trơn tru với hơn 200.000 lượt người sử dụng, chưa kể 3 trung tâm đào tạo tại Hà Nội số học viên trực tiếp cũng luôn trên 1.000 người, tại sao Cường lại đi gọi vốn?

- Đúng là tôi đi gọi vốn lúc này không phải vì cần tiền, mà vì bế tắc khâu bán hàng của phần mềm học online này. Bạn sẽ tính được mình thu bao nhiêu tiền, có bao nhiêu học viên, nhưng quảng bá giá trị của nó thì không hề đơn giản.
Shark Khoa anh 12
Tôi ví dụ, khi tôi mang phần mềm học tiếng Nhật online này đi chào với khách: Chị ơi phần mềm học này ưu việt lắm, tốt lắm, chị mua đi. Không ai mua cả, vì người ta không tin tôi. Làm ra rồi, chạy được rồi, nhưng tôi nhận ra sản phẩm của mình dù xịn nhưng không biết bán thì cũng không mang lại giá trị. Tôi bế tắc trong nửa năm đầu tiên, doanh thu không thể tăng được, trong khi chúng tôi biết chắc sản phẩm rất giá trị, rất cần được mở rộng, quảng bá và tăng trưởng. Nhiều đêm suy nghĩ, trong đầu tôi cứ quanh quẩn làm sao để bán được hàng, để mang lại giá trị nhiều hơn.

May mắn là tháng 8 vừa qua diễn ra cuộc thi khởi nghiệp với tên gọi Startup wheel 2018, tôi đăng ký mang sản phẩm dự thi. Mục tiêu đi thi, như tôi nói, không phải vì tài chính, mà tôi muốn gặp những nhà đầu tư có thể giúp tôi giải quyết bài toán bán hàng. Khi đó, tôi đã quyết tâm gặp anh Lê Đăng Khoa. Anh ấy giỏi quản trị, marketing, sẽ giúp cho khiếm khuyết này của tôi nên tôi quyết tâm phải gặp nhà đầu tư này.

- Và Cường thuyết phục Shark Khoa như thế nào?

- Vì mục đích đi thi của tôi là tiếp cận Shark Khoa nên thú thật là tôi chỉ tìm cách gặp cho được nhà đầu tư này chứ không chú trọng nhiều vào phần thi. Gian hàng của tôi đầu tư sơ sài, trong khi nhiều khách mua hàng nên tôi lại lao vào bán. Vì vậy, khi thuyết trình trên sân khấu, nhiều nhà đầu tư cảm thấy sản phẩm của tôi mông lung. Chính anh Khoa cũng dự định bỏ qua. Khi phần thi kết thúc, nhiều bạn trẻ quay quanh anh Khoa nói chuyện, tôi kiên trì đợi và cố thuyết phục anh tới gian hàng của tôi, lắng nghe sản phẩm lại một lần nữa.

Sau 15 phút thuyết phục, nhìn vẻ mệt mỏi của anh ấy, tôi không nghĩ anh gật đầu đồng ý xuống 5 tỷ đồng. Và bất ngờ hơn là ngày hôm sau, khi tôi ra sân bay về Hà Nội, tôi nhận được điện thoại của anh Khoa, yêu cầu quay lại nói chuyện và chuyển luôn vốn.

Tôi tin tôi đã gặp đúng đội tôi cần. Qua 2 tháng bắt tay nhau, tôi nhận thấy Kohi bán hàng nhanh không ngờ, đó là nhờ kinh nghiệm mà nhà đầu tư đã xây dựng cho tôi. Tôi chuẩn bị khai trương trung tâm đầu tiên tại TP.HCM, tiếp đó là một trung tâm tại Đà Nẵng. Chúng tôi đặt mục tiêu trong khoảng 2 năm app Học tiếng Nhật sẽ đạt được một triệu lượt người học. Tôi cam kết với nhà đầu tư chỉ cần cho tôi đúng đội như mong muốn, thì tôi sẽ mang lại gấp đôi doanh thu nhà đầu tư đặt ra, nhưng mục tiêu nhà đầu tư giao cho tôi ban đầu là làm sao để mang lại cơ hội cho nhiều người tiếp cận ngoại ngữ hơn.

Shark Khoa anh 13

- Nhiều vất vả khi bươn chải khởi nghiệp, Cường có bao giờ nghĩ chuyện mình sẽ chọn làm ở một công ty đa quốc gia, nhận mức lương trăm triệu mỗi tháng mà không phải xoay sở chuyện phát triển cho doanh nghiệp như hiện tại?

- Khi tôi dấn thân khởi nghiệp với con đường kinh doanh, tôi đã xác định là mình không thể rập khuôn với những công việc đã lập trình sẵn sáng cấp ô đi tối cắp cặp về, tới tháng lãnh lương. Tôi cũng không giấu diếm mình là một người khá thực dụng. Thực dụng cả trong vấn đề về chiến lược của cuộc đời mình lẫn tài chính. Cũng có những thời điểm tôi đã có thu nhập hơn trăm triệu mỗi tháng rồi và tôi cũng đâu có dừng lại khi đã chạm tay vào những con số như thế.

Nói như vậy để thấy rằng, con số thu nhập đưa ra để mình so đo không có chuẩn với những quyết định của cuộc đời mình, mà mọi thứ đều có duyên của nó. Bây giờ, điều tôi vui là bố mẹ đã ủng hộ, thừa nhận với tôi: Cứ làm gì ra tiền một cách vui vẻ, chính đáng là hạnh phúc.

- Vậy có khi nào Cường nghĩ mình đi học kỹ thuật là chưa đúng, lẽ ra phải học kinh doanh?

- Không, tôi không bao giờ hối hận mình đã học kỹ thuật mà kỹ thuật chính là ngành học giúp tôi kinh doanh thành công. Kỹ thuật mang lại cho tôi tư duy kinh doanh khác biệt, áp dụng công nghệ, kỹ thuật vào kinh doanh rất hiệu quả.

Thời hội nhập, kinh doanh hay làm gì mà không áp dụng tốt công nghệ là thất bại ngay. Cũng nhờ học kỹ thuật mà Kohi của chúng tôi tiên phong là công ty giáo dục áp dụng công nghệ trong dạy và học, quản lý, khách hàng của tôi nhờ được trải nghiệm những công nghệ và gắn bó, yêu thích, vì khác biệt. Tôi có công nghệ khác biệt nên tôi dám chắc những đơn vị đào tạo truyền thống rồi cũng sẽ chạy theo công nghệ như tôi thôi, bởi đó là xu hướng. Và khi đó tôi đã đi trước rồi.

Shark Khoa anh 14

- Vì sao đang phát triển tốt ở Hà Nội, Cường lại quyết định Nam tiến, chọn khai phá thị trường mới?

- Tôi muốn Kohi trở thành thương hiệu quốc gia, muốn phần mềm học trực tuyến của tôi được nhiều người sử dụng chứ không chỉ gói gọn ở một vài nơi. Hơn nữa để đạt được một triệu lượt sử dụng trong 2 năm tới thì tôi phải mở rộng thị trường, đầu tư cho thị trường TP.HCM và các tỉnh thành khác như Đà Nẵng, Cần Thơ.

Như chia sẻ, tôi bị bế tắc trong khâu bán hàng, bởi không ai tin tôi, không ai biết đến phần mềm của tôi. Tôi có thể là nhất ở Hà Nội, nhưng nếu không Nam tiến thì ở các thị trường lớn như TP.HCM, Đà Nẵng, tôi không là gì cả.
Một lý do tôi Nam tiến nữa là để chuẩn bị cho hệ thống của tôi ra phiên bản quốc tế, tức cho học viên tại các nước khác có nhu cầu học tiếng Nhật cũng sẽ học được. Nói thì to tát, nhưng đúng nghĩa mong muốn của chúng tôi là mang trí tuệ của người Việt cho người nước ngoài học ngoại ngữ thuận lợi hơn.

- Cường dự định bắt đầu với thị trường TP.HCM như thế nào?

Shark Khoa anh 15

- Khi khảo sát tại thị trường TP.HCM, tôi khá bất ngờ là cơ sở vật chất của các trung tâm khác cũng bình thường, trong khi học phí đắt hơn Hà Nội nhưng học viên rất đông. Tôi nhận ra người Sài Gòn rất chịu chi cho học hành và thích đón nhận cái mới. Nhưng ngược lại, họ cũng yêu cầu nhiều hơn như cơ sở vật chất phải sang, đẹp, chất lượng được đảm bảo.

May mắn của tôi là đang khá mạnh về đào tạo trực tuyến với 200.000 lượt người sử dụng nên điều này sẽ bổ trợ tốt cho đào tạo offline. Người dùng đã biết đến Kohi chuyên đào tạo tiếng Nhật, nên khi tôi quảng cáo trung tâm đào tạo tiếng Nhật của Kohi sắp mở tại đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, thì học viên hào hứng chào đón ngay. Nhiều người đăng ký giữ chỗ trước khi trung tâm mở cửa.

Và một điều đặc biệt nữa, nhiều bạn trẻ biết Shark Khoa đồng hành cùng Kohi nên lòng tin cũng tăng lên, lượng người đăng ký học nhiều hơn tôi tưởng tượng. Dự định của tôi sẽ cố gắng chiếm 30% thị phần học tiếng Nhật online trong thời gian tới.

- Startup về giáo dục được đánh giá là con đường tương lai cho những người trẻ và hướng tới một thế giới phát triển hơn, Cường có thấy con đường này đúng là màu hồng như đánh giá không? Kinh doanh lĩnh vực này, ngoài đam mê thì điều gì giúp người khởi nghiệp trụ được và thành công?

- Kinh doanh giáo dục đầu tiên phải cần cái tâm và sự sáng tạo. Tôi là startup, đi kinh doanh thì đầu tiên phải nói đến là muốn kiếm tiền, tăng giá trị đầu tư. Nhưng cái lớn nhất tôi hướng đến là muốn nhiều người học tiếng Nhật, muốn việc học ngoại ngữ trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn trong thế giới phẳng này, để cơ hội việc làm với tất cả mọi người cao hơn.

Thực tế, tôi nhận thấy kinh doanh giáo dục rất thuận lợi, bởi xã hội có phát triển đến đâu thì sự học vẫn được đặt lên hàng đầu. Ngành kinh doanh này sẽ không lỗi thời. Nhưng để làm tốt thì mình phải tạo sự khác biệt, đổi mới nhanh chóng để chinh phục được thị trường, vì khách hàng ngày càng hiện đại, khó tính.

Video - Trương Văn Cường chia sẻ về Kohi Với công nghệ hiện đại, ứng dụng học tiếng Nhật của Trương Văn Cường ngày càng thu hút người dùng.

- Khởi nghiệp từ 0 đồng, đến bây giờ Cường có thể tự tin có đủ tiền để mua nhà Hà Nội và những thứ mình mơ ước chưa?

- Cuộc đời tôi tôi nhớ nhất 2 lần ký hợp đồng. Lần thứ nhất là tôi ký hợp đồng mua căn nhà đầu tiên trong cuộc đời mình, cách đây khoảng 3 tháng rưỡi. Tôi cũng không biết diễn tả tâm trạng thế nào, nhưng chỉ nói được là rất vui và hạnh phúc. Bởi tôi cứ nhớ cảnh tượng ngày trước mình phải bán từ xe máy đến máy tính, điện thoại, gom từng đồng từng cắc để có vốn kinh doanh. Bán xe máy, leo lên xe buýt đi làm trong đầu tôi luôn thể hiện quyết tâm là mình phải thành công. Nên tôi rất trân trọng khi có thể mua được căn nhà cho chính mình. Nó cũng là thành quả để chứng minh với bố mẹ con đường tôi đi là đúng.

Lần thứ 2 là ký hợp đồng đầu tư với anh Khoa. Đó là hợp đồng mà tôi sẽ phải nhớ rất lâu và tôi mong muốn chúng tôi sẽ đồng hành, xây dựng phần mềm học tiếng Nhật phát triển mạnh, không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế.

Nguyễn Hằng - Giang Di Linh

Ảnh: Thuận Thắng
Thiết kế: Ngọc Thảo

Bạn có thể quan tâm