Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

92 tỷ tấn tài nguyên khai thác mỗi năm, môi trường chịu hậu quả lớn

Báo cáo LHQ chỉ ra một người ở các nước phát triển cần tới 10 tấn tài nguyên khai thác từ những nơi khác trên thế giới, gấp 13 lần nhu cầu một người ở nước thu nhập thấp.

Trong 5 thập kỷ qua, khi dân số thế giới tăng gấp đôi, lượng tài nguyên con người khai thác đã tăng gấp 3 lần từ 27 tỷ tấn/năm của 1970 lên tới 92 tỷ tấn vào năm 2017.

Báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc (LHQ) về tài nguyên công bố tại Hội nghị Môi trường UNEP 4 ở Nairobi, Kenya, hôm 12/3 chỉ ra quá trình khai thác tài nguyên tăng mạnh trong hai thập kỷ qua và chiếm tới 90% nguyên nhân làm biến mất hệ sinh thái toàn cầu. UNEP cũng tính toán thế giới tổn thất từ 4.000-20.000 tỷ USD vì hệ sinh thái biến mất trong giai đoạn 1995-2011.

Lang phi tai nguyen anh 1
Janez Potocnik, đồng chủ tịch của Ủy ban Tài nguyên thuộc UNEP, nói con số GDP được dùng trước giờ dễ tính, dễ so sánh nhưng không tính tới yếu tố tài nguyên. Ảnh: Thanh Tuấn.

Trong khai thác tài nguyên thì các tài nguyên phi kim loại như cát, sỏi, đất sét chiếm khối lượng lớn tăng từ 9 tỷ tấn lên 44 tỷ tấn trong giai đoạn 1970-2017. Các nhiên liệu hóa thạch tăng từ 6 tỷ tấn lên 15 tỷ tấn.

Báo cáo của LHQ nhấn mạnh “cách thức sử dụng tài nguyên trong quá khứ và hiện tại dẫn tới những hậu quả tai hại đối với môi trường và sức khỏe con người”. Nếu không có những giải pháp khẩn cấp và đồng bộ, tốc độ tăng trưởng nhanh và việc sử dụng tài nguyên không hiệu quả sẽ tiếp tục gây những áp lực không bền vững lên môi trường.

Các nước phát triển tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong khối lượng tài nguyên được khai thác với tỷ trọng tiêu thụ tài nguyên tăng từ 33% của 1970 lên 56% của 2017.

Sự bất bình đẳng trong khai thác tài nguyên cũng rất lớn khi trung bình một người ở các nước phát triển cần tới 10 tấn tài nguyên khai thác từ những nơi khác trên thế giới, gấp 13 lần nhu cầu một người ở nước thu nhập thấp. Sự lãng phí trong sử dụng tài nguyên cũng rất lớn khi ước tính 1/3 thực phẩm con người tạo ra bị bỏ phí.

Lang phi tai nguyen anh 2
Các chuyên gia công bố báo cáo về tài nguyên toàn cầu của LHQ. Ảnh: Thanh Tuấn.

Áp lực đối với môi trường sẽ còn tiếp tục tăng khi các nước nghèo và đang phát triển sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng lớn (như các nước phát triển từng trải qua).

“Các hoạt động kinh tế giờ sẽ phải tính cả tài nguyên được sử dụng cho phát triển kinh tế… con số GDP được dùng trước giờ dễ tính, dễ so sánh nhưng không tính tới yếu tố này”, Janez Potocnik, đồng chủ tịch của Ủy ban Tài nguyên thuộc UNEP, nói. “Chúng ta sẽ cần thay đổi mô hình kinh tế của quá khứ”.

Theo tính toán, hiện mỗi năm lượng ximăng Trung Quốc sử dụng tương đương với số lượng Mỹ từng sử dụng trong cả một thế kỷ để xây dựng các thành phố lớn của mình.

Các chuyên gia đều đồng ý sẽ cần phải có mô hình kinh tế khác trong đó tính toán tới chi phí của các nguồn tài nguyên sử dụng.

Các biện pháp các chuyên gia đưa ra bao gồm từ sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên (cùng sản phẩm, ít nhiên liệu hơn, giải pháp thông minh hơn), tăng chi phí đối với tài nguyên (áp lực phải sử dụng tài nguyên hiệu quả, chuyển từ thuế thu nhập sang thuế khai thác tài nguyên), tăng thuế đối với CO2 thải ra, giữ tài nguyên lâu hơn trong chu trình sử dụng…

Khi được hỏi về vòng luẩn quẩn khi nhiều nước vẫn sử dụng các hình thức cũ như khai thác than để phát triển, ông Potocnik nói: “Chúng ta sẽ phải nghĩ tới lợi ích chung. Chúng ta cần phải tồn tại (chỉ bằng những biện pháp mới)”.

Thế giới tổn thất gần 20.000 tỷ USD do hệ sinh thái biến mất

Báo cáo của Liên Hợp Quốc tính toán thế giới mất từ 4.000-20.000 tỷ USD do hệ sinh thái biến mất trong giai đoạn 1995-2011, các tổn thất do ô nhiễm lên tới 4.600 tỷ USD mỗi năm.

Báo động ma túy đá bành trướng chóng mặt ở Đông Nam Á

Cơ quan chống ma túy của Liên Hợp Quốc ngày 11/3 báo động lượng ma túy tổng hợp được sản xuất và sử dụng tại Đông Nam Á đang tăng nhanh bất chấp các nỗ lực chống ma túy ở khu vực.



Thanh Tuấn

(từ Nairobi)

Bạn có thể quan tâm