Bà Hà chia sẻ thông tin trên tại hội thảo "Một số nghiên cứu mới phòng ngừa và chống tái nghiện ma túy" do Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy (PSD) và tạp chí Trí thức & Phát triển tổ chức ngày 26/11.
Ông Lê Trung Tuấn, Chủ tịch PSD chia sẻ các giải pháp gỡ bỏ căng thẳng về tâm lý khi xuất hiện nguy cơ tái nghiện. |
Dẫn số liệu từ báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, bà Hà cho biết, đến cuối tháng 9/2014 cả nước có 204.377 người nghiện ma túy. Số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý đã tăng gần 4 lần trong 20 năm kể từ năm 1994 đến nay (năm 1994 có 55.445 người), trung bình mỗi năm tăng khoảng 7.000 người nghiện.
Đại diện trung tâm này cũng khẳng định, hiện nay Việt Nam đang gặp thử thách trên cả ba mặt trận: giảm cung ma túy, giảm cầu ma túy và giảm tác hại của ma túy.
Theo PSD, nguyên nhân của việc tái nghiện chính là con đường đấu tranh chống lại sự lệ thuộc ấy là không hề dễ dàng, ngay cả khi có một bộ phận không nhỏ người nghiện ma túy khi nhận ra tác hại của ma túy luôn khao khát muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào nó.
Việc không thắng nổi sự cám dỗ của ma túy đẩy họ và tình trạng khủng hoảng tinh thần trầm trọng, khiến họ vừa tự hủy hoại bản thân vừa gây tổn hại đến gia đình và xã hội bởi những hành vi thiếu lý trí.
“Tôi đã có 6 năm nghiện ma túy, đã cai thành công 14 năm nay. Mười bốn năm qua tôi đi tìm câu trả lời vì sao người nghiện vẫn tái nghiện. Câu trả lời là người nghiện chịu hai sự lệ thuộc rất rõ ràng, sự lệ thuộc về thể chất và sự lệ thuốc về tâm lý. Quá trình nghiện đã được tự động ghi nhớ vào trong não bộ” - ông Lê Trung Tuấn, Chủ tịch PSD nói.
Theo ông Tuấn, việc tái nghiện xuất phát từ quá trình căng thẳng tâm lý. Quá trình căng thẳng tâm lý xuất hiện qua ba trạng thái. Thứ nhất, tiếp xúc, hồi tưởng lại những đối tượng liên quan đến việc sử dụng ma túy, bơm kim tiêm, bạn nghiện.
“Bất kỳ người nghiện nào khi gặp lại bạn nghiện thì cảm xúc khoái cảm, kể cả chỉ là mùi mồ hôi lại hồi tưởng. Vì thế, có người nghiện khi vừa ra khỏi trung tâm cai mà gặp bạn đã nhảy xuống nghiện lại” - ông Tuấn chia sẻ.
Trạng thái thứ hai, theo ông Tuấn, căng thẳng tâm lý của người nghiện xuất hiện qua các cảm xúc tiêu cực, thất vọng, buồn chán, mặc cảm, nóng giận. Thứ ba, căng thẳng tâm lý dễ rơi vào những tình huống “nguy cơ” dẫn đến hành vi sử dụng ma túy.
"Muốn xóa bỏ hoàn toàn sự lệ thuộc tâm lý phải qua quá trình giải tỏa căng thẳng tâm lý. Đây là giai đoạn cần qua điều trị trợ giúp về tâm lý, tư vấn và giúp người nghiện hình thành những kỹ năng sống mới", ông Tuấn nói.