Phân vai ác vai hiền: Đây là thói quen nuôi dạy con của nhiều bậc cha mẹ. Một người đóng vai ác - luôn nghiêm khắc, la mắng con. Một người đảm nhận vai hiền - dễ tính, nuông chiều trẻ. Theo chuyên gia tại tổ chức Understood, việc này gây khó khăn cho cả phụ huynh lẫn trẻ, khiến trẻ không thích người thường nghiêm khắc. Họ cho rằng hai vợ chồng nên san sẻ trách nhiệm trong việc rèn tính kỷ luật cho con. Ảnh: Getty Images. |
“Lập trình” cuộc đời con: Một số phụ huynh, có thể vô tình, áp đặt nỗi sợ hãi, ước mơ, tham vọng thời thơ ấu của mình lên con cái. Việc này khiến trẻ khó trưởng thành như một cá thể riêng biệt. Vì thế, cha mẹ cần chú trọng phát hiện đam mê, tài năng của con để tạo điều kiện cho con phát triển thay vì nuôi con như kiểu đang nuôi phiên bản hồi nhỏ của chính mình. Ảnh: Monkey Business Images. |
Bắt chước: Nhiều người nuôi dạy con theo phương pháp cha mẹ họ từng thực hiện như dùng câu nói giống nhau, lặp lại những điều tiêu cực mà họ từng trải qua lúc nhỏ. Tuy nhiên, TS Lisa Firestone, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Hiệp hội Glendon, cho rằng không phải phụ huynh học hỏi được từ cha mẹ họ tức họ nên áp dụng cách dạy con đó cho con cái, đặc biệt với quan điểm “yêu cho roi cho vọt”. Ảnh: Raising Children Network. |
Bù đắp cho con quá mức: Nhiều người trải qua cách dạy con tiêu cực từ cha mẹ họ nên khi có con, họ tìm cách bù đắp lại. Ví dụ, phụ huynh dễ dãi với con vì họ từng chịu đựng cha mẹ khó tính. Sự đền bù quá mức này khiến họ “lạc lối” trong hành trình nuôi dạy con. Ảnh: Redbook. |
Vô tình lặp lại vấn đề hồi nhỏ của bản thân: Dù không cố tình bắt chước cách nuôi dạy con của cha mẹ, nhiều phụ huynh vô tình lặp lại mặt trái của việc nuôi dưỡng con mà họ từng trải qua. Ví dụ, khi họ vào tuổi dậy thì, cha mẹ né tránh nói về các vấn đề nhạy cảm. Sau này, họ cũng vô tình phớt lờ việc cần nhắc con những lưu ý cho tuổi mới lớn. Ảnh: Getty Images. |
Bắt con tham gia quá nhiều hoạt động: Những người trải qua tuổi thơ với nhiều hoạt động cho rằng đây là phương pháp tốt để trưởng thành. Họ xếp lịch dày đặc cho con. Việc này có thể khiến trẻ kiệt sức, cáu kỉnh. Hơn nữa, nhiều khi, hoạt động đó lại không phải sở thích của trẻ. Phương pháp này không chỉ làm giảm thời gian cha mẹ, con cái ở cùng nhau mà còn tạo áp lực, khiến trẻ căng thẳng. Ảnh: Getty Images. |
Chịu ảnh hưởng từ nội tâm tiêu cực: Nhiều người vì quá trình trưởng thành không suôn sẻ trở nên tự ti, nhút nhát. Khi làm cha mẹ, họ cố tỏ ra mạnh mẽ, quyền lực, đặc biệt khi rèn tính kỷ luật cho trẻ. Những bất an thời thơ ấu ám ảnh họ, khiến họ nghĩ mình là phụ huynh tồi, bất lực trong việc nuôi dạy con. Càng nghe theo nội tâm tiêu cực ấy, họ càng trở nên yếu đuối ở vai trò làm cha mẹ. Ảnh: The Dingerville Times. |
Kỳ vọng sự hoàn hảo: Người trưởng thành trong gia đình cầu toàn thường mong đợi điều tương tự ở con của mình. Theo Trung tâm chăm sóc trẻ Silver Lining Recover, sự kỳ vọng quá mức từ phụ huynh khiến trẻ dễ gặp vấn đề trong quản lý cảm xúc. Họ che giấu suy nghĩ của mình, cố gắng làm hài lòng mọi người, sống thiếu tự tin. Ảnh: The Natural Parent Magazine. |
Hy sinh tất cả vì gia đình: Hầu hết bậc cha mẹ từng trưởng thành trong gia đình mà người mẹ luôn sẵn sàng hy sinh mọi thứ vì con cái. Khi có con, họ tiếp tục đi theo hình mẫu đó. Tuy nhiên, theo CNBC, việc cha mẹ tự chăm sóc tốt bản thân cũng là cách nuôi dạy con tốt. Họ cần tôn trọng cảm xúc của mình. Nếu gặp ngày tồi tệ, họ có thể chia sẻ với con, giải thích để trẻ hiểu họ cần được nghỉ ngơi. Ảnh: All Pro Dad. |