Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

9 kế sách Mỹ 'nhất thiết phải có' để chặn TQ ở Biển Đông

Mỹ cần có chính sách đối ngoại sâu sắc dựa trên các nguyên tắc bền vững và triển khai sức mạnh một cách toàn diện.

Để ngăn Trung Quốc hung hăng ở Biển Đông, Mỹ cần có một chính sách đối ngoại sâu sắc.

Hôm 29/7, tạp chí National Interest (TNI) của Mỹ đã đăng tải 9 giải pháp mà Tiến sĩ Patrick M. Cronin, cố vấn kiêm giám đốc cấp cao của Chương trình An ninh Châu Á Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh mới của Mỹ, đã đề xuất để Mỹ có thể ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo ông Cronin, chính sách đối ngoại của Mỹ nhất thiết phải có những yếu tố sau để đối phó với những thách thức mà Trung Quốc đang đặt ra ở Biển Đông.

Nhấn mạnh các nguyên tắc quốc tế ở Biển Đông

Đầu tiên, Mỹ phải thường xuyên nhấn mạnh các nguyên tắc, luật pháp quốc tế ở Biển Đông, duy trì việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình. Washington cần phải tiếp tục khẳng định lập trường mạnh mẽ về việc duy trì trật tự khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Ngoài luật pháp quốc tế, các bên phải tuân thủ đầy đủ Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển, bao gồm cả quyền tự do hàng hải ở các vùng đặc quyền kinh tế và quyền đi lại không gây hại tại các lãnh hải. Hơn nữa, các bên không được sử dụng vũ lực, ép buộc  hay cưỡng chế để giải quyết các tranh chấp như các hành động hiện tại của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và Bãi cạn Scarborough.

Tăng cường thương mại ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Thứ hai, Mỹ cần phải tái đầu tư nhằm duy trì sức mạnh kinh tế dài hạn bằng cách tăng cường quan hệ thương mại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc hoàn thành Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể chứng minh khả năng của Mỹ trong việc hoàn tất hiệp định tự do thương mại phức hợp và cấu trúc khu vực. Washington cần phải đưa nhiều nền kinh tế khác, từ Philippines đến Hàn Quốc vào TPP.

Mỹ cũng cần nhiều năng lượng và nguồn lực hơn để thiết kế các sáng kiến phát triển đa phương, chứ không thể chờ đợi và nghe ngóng hoạt động của các sáng kiến từ Trung Quốc như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á hay “Vành đai Tơ lụa” và “Con đường Tơ lụa Hàng hải”.

Tăng cường hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á

Trung Quốc đang đòi chiếm gần như trọn Biển Đông.

Thứ ba, Mỹ cần gia tăng sự hỗ trợ về ngoại giao cũng như các vấn đề thiết thực khác cho các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bởi ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Mỹ tiếp cận với một cấu trúc đa phương trong khu vực.

Mỹ cần tiếp cận với ASEAN theo 4 cấp độ: với toàn bộ ASEAN, với các nước ASEAN đang có tranh chấp trên Biển Đông, với từng thành viên ASEAN và với các đối tác hàng hải cả trong và ngoài ASEAN (bao gồm cả Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc).

Ở cấp độ đầu tiên, Mỹ cần tiếp tục đảm bảo sự đồng thuận của ASEAN trong việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và theo luật pháp quốc tế.

Giúp đỡ cụ thể các nước ASEAN có tranh chấp ở Biển Đông

Mỹ nên giúp tất cả các quốc gia ASEAN có tranh chấp ở Biển Đông đi đến một sự hiểu biết chung và hướng tới một mục tiêu chung đó là sự công bằng cho tất cả các quốc gia. Washington có thể giúp họ thu hẹp những khác biệt.

Việc này có thể không giúp giải quyết được tất cả những tranh chấp, nhưng sự đồng thuận trong ASEAN sẽ thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Theo ông Cronin, Trung Quốc có thể lợi dụng những khác biệt giữa các quốc gia Đông Nam Á để ngăn cản việc tuân thủ các nguyên tắc quốc tế trong các tranh chấp ở Biển Đông.

Tàu Trung Quốc ngang ngược phun vòi rồng và đâm va vào tàu CSB 2016 của Việt Nam.

Xây dựng liên minh hàng hải có ưu tiên hàng đầu là Biển Đông

Mỹ nên xây dựng một liên minh hàng hải sẵn sàng đảm bảo các vấn đề ở Biển Đông là ưu tiên ngoại giao hàng đầu trong khu vực. Liên minh hàng hải này có thể bao gồm các nước thành viên ASEAN và cả Nhật Bản, Australia và Ấn Độ bởi những nước này đều hiểu rằng Biển Đông là một phần quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, chứ không phải là “cái ao lớn” của riêng quốc gia nào đó.

Liên minh này sẽ phản ứng mạnh mẽ với những hành động khiêu khích và ngang ngược nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền.

Mỹ cũng nên sử dụng các diễn đàn khu vực để đưa Biển Đông trở thành vấn đề được ưu tiên nhất nhằm ngăn chặn Trung Quốc có những hành động hung hăng và gây căng thẳng ở Biển Đông.

Duy trì sự hiện diện liên tục ở Biển Đông

Mỹ cần duy trì sự hiện diện liên tục tại Biển Đông. Bằng việc cho phép Mỹ triển khai 4 tàu tuần duyên, Singapore đã thể hiện sự đồng tình trước sự hiện diện hòa bình của Mỹ trong khu vực.

Các thỏa thuận với Philippines, cho phép quân đội Mỹ tiếp cận lớn hơn với các căn cứ quân sự, xây dựng các cơ sở lưu trữ nhiên liệu và trang thiết bị hải quân, cũng có thể củng cố những cam kết của Mỹ trong việc đảm bảo sự ổn định trong khu vực.

Việc tăng cường các căn cứ quân sự trên đảo Guam cũng sẽ hỗ trợ rất lớn cho các cuộc tập trận và huấn luyện các lực lượng tuần duyên, hải quân và không quân trên khắp khu vực.

Theo ông Cronin, Mỹ cần tăng cường hoạt động tuần tra trên Biển Đông như gần đây.

Xây dựng khả năng phòng phủ đa quốc gia

Mỹ nên xây dựng khả năng phòng thủ đa quốc gia trên khắp Biển Đông. Liên minh hàng hải như đề cập ở trên có thể thực hiện các cuộc tuần tra trên biển, trên không theo định kì ở Biển Đông để phát hiện, theo dõi và đối phó với những diễn biến bất thương hay những hành vi ngang ngược, sử dụng vũ lực của một quốc gia nào đó.

Nêu rõ hành vi sẽ phải “trả giá đắt”

Mỹ cần nêu rõ các loại hành vi không phù hợp, bị phản đối và sẽ bị Mỹ cùng với các quốc gia khác trừng phạt. Nói cách khác, Mỹ phải khẳng định rõ, những hành vi nào sẽ phải “trả giá đắt. Theo ông Cronin, những hành động sau ở Biển Đông nên được liệt vào danh sách trên:

Thứ nhất, phong tỏa hay đánh chiếm bất cứ thể địa lí (feature) nào có một bên đang kiểm soát như trường hợp Bãi Cỏ Mây đang có lính Philippines.

Thứ hai, chiếm giữ bất cứ thể địa lí nào bằng cách ngăn chặn các bên khác tiếp cận như trường hợp Trung Quốc xua đuổi ngư dân, tàu thuyền Philippines khỏi Bãi cạn Scarborough.

Thứ ba, tuyên bố chủ quyền đối với các thực thể không phải là đảo, như trong trường hợp Đá Vành Khăn, hay Đá Subi.

Thứ tư, tuyên bố lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế dựa trên những đường cơ sở không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Thứ năm, tuyên bố chủ quyền đối với không gian hàng hải quá mức so với luật pháp quốc tế về phân định hàng hải như việc Trung Quốc sử dụng “đường chín đoạn” để đòi sở hữu gần hết Biển Đông.

Thứ sáu, thành lập các khu vực cảnh báo quân sự hay thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên các vùng biển đảo đang có tranh chấp.

Nêu rõ đối sách với từng hành vi

Mỹ nên liệt kê danh sách các đối sách sẽ được áp dụng đối với từng hành vi sai trái cụ thể. Biện pháp này có thể ngăn chặn và giúp đối phó nhanh với các hành vi hung hăng, gây mất ổn định.

Ví dụ, một quốc gia xây dựng đảo nhân tạo cho mục đích quân sự trong các khu vực tranh chấp, nhưng lại khẳng định là để hỗ trợ nhân đạo, thì nếu có thiên tai xảy ra trong khu vực, Mỹ có thể cho hạ cánh một máy bay dân sự trên hòn đảo đó.

Hay nếu Trung Quốc ngăn không cho Philippines tiếp tế cho các binh sĩ trên chiếc tàu hải quân BRP Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây, Mỹ sẽ không chỉ yêu cầu được tiếp tế cho binh sĩ Philippines mà còn có thể triển khai một vài lính thủy quân lục chiến trên chiếc tàu đó.

Những hành động trên không nhằm kích động các xung đột mà là để xác định rõ hành vi nào có thể và không thể chấp nhận được đề củng cố các quy định quốc tế ở Biển Đông.

Cuối cùng ông Cronin cho rằng, sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc đang thách thức sự ổn định trong khu vực và làm suy yếu trật tự sau Thế chiến II cũng như uy tín của Mỹ. Nếu không có một đối trọng hiệu quả để ngăn chặn Trung Quốc, bảo đảm tự do hàng hải và duy trì các quy định quốc tế, Trung Quốc sẽ dùng “sức mạnh cơ bắp” để làm bá chủ trên khắp Biển Đông.

http://infonet.vn/9-ke-sach-my-nhat-thiet-phai-co-de-chan-trung-quoc-o-bien-dong-post170201.info

Theo Phạm Khánh/Infonet

Bạn có thể quan tâm