9 điều 'kỳ lạ' tại châu Á
Bằng nhiều cách khác nhau, châu Á đã ảnh hưởng và tác động tới phương Tây trên mọi lĩnh vực. Dưới đây là những điều người phương Tây thấy lạ lẫm và thú vị nhất ở lục địa này.
1. Sinh nhật chung cho mọi người
Tết Nguyên đán ở Việt Nam được xem là dịp sinh nhật chung của tất cả mọi người. Năm mới truyền thống của người Việt Nam hay còn gọi là Tết Nguyên đán theo âm lịch, diễn ra hàng năm vào cuối mùa đông và kéo dài trong vài ngày. Tết bắt đầu vào ngày đầu tiên của âm lịch, thường rơi vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 Tây lịch.
Trong số các tín ngưỡng và phong tục của Tết Nguyên đán, năm mới cũng đươc xem là lễ sinh nhật dành cho tất cả mọi người. Theo cách tính tuổi truyền thống của người Việt Nam, số năm âm lịch mà một người trải qua tương ứng với số tuổi của chính họ. Do đó, một em bé có thể chính thức bước vào tuổi đầu tiên dù chỉ mới sinh ra trước Tết một vài ngày. Cũng từ quan niệm này, người Việt Nam có tục mừng tuổi người già và trẻ nhỏ để lấy may. Không chỉ người Việt Nam, người Hàn Quốc cũng có quan niệm tương tự như vậy.
2. Tết té nước ở Thái Lan
Tết cổ truyền mừng năm mới của người Thái Lan được gọi là Songkran. Từ Songkran xuất phát từ tiếng Phạn, với nghĩa “lúc thời gian chuyển dịch, mặt trời đi từ khu vực Hoàng Đạo sang khu vực Kim Ngưu trong vũ trụ” và mọi người tổ chức đón mừng năm mới bằng cách phun nước vào nhau. Phong tục này có ý nghĩa để gột rửa hết buồn phiền năm cũ và cầu mong những điều tốt đẹp sẽ tới trong năm mới. Trong Tết Songkran, người dân sẽ tận dụng mọi vật dụng để té nước lên nhau bao gồm xô, chậu, súng phun nước, bóng...
Người càng được té nhiều nước càng may mắn. Tết té nước của Thái Lan mang tính chất cộng đồng nhiều hơn so với Tết cổ truyền của Việt Nam và Trung Quốc - thường hướng về gia đình. Ngày Tết Songkran được tổ chức từ ngày 13/4 đến ngày 15/4. Ngoài ra, Tết té nước tương tự còn được tổ chức ở Lào và Campuchia và tất nhiên, ở mỗi quốc gia lại bao gồm một vài phong tục khác nhau dựa trên đặc trưng văn hóa riêng của họ.
3. Trung tâm mua sắm lớn nhất thế giới bị bỏ hoang
Năm 2005, tỷ phú Trung Quốc Alex Hu Guirong vung tiền đầu tư xây dựng trung tâm mua sắm lớn nhất thế giới ở Dongguan. Dự án được xây dựng trên một diện tích rộng tới 650.321,28 m2. Theo đó, Trung tâm mua sắm Nam Trung Quốc mới dự kiến đủ chỗ cho 2.350 cửa hàng.
Tuy nhiên, vấn đề không ai ngờ tới là, không một ai muốn mở cửa hàng tại trung tâm mua sắm lớn nhất thế giới này. Từ năm 2005 đến nay, người ta chỉ sử dụng khoảng 1% mặt bằng thuộc trung tâm mua sắm mới. Phần còn lại của nó luôn nằm trong tình trạng được phủ kín bởi các tấm bạt bám đầy bụi.
Có nhiều lý do khiến trung tâm mua sắm của tỷ phú Trung Quốc trở thành dự án thất bại thảm hại. Trong đó, việc Dongguan là khu vực chỉ có dân số vào khoảng 10 triệu người nhưng phần lớn lại là công nhân nghèo là một trong những nguyên nhân cốt lõi.
4. Giáng sinh đặc biệt của Triều Tiên
Lễ ăn mừng Giáng sinh của Triều Tiên và phương Tây đương nhiên khác nhau hoàn toàn. Không giống như người phương Tây, khi giáng sinh là dịp người ta ăn mừng ngày chúa Jesus ra đời, vào ngày 24/12, người Triều Tiên tổ chức ăn mừng ngày sinh của mẹ của Chủ tịch vĩ đại Kim Nhật Thành.
Ngoài kỷ niệm ngày sinh mẹ của người sáng lập ra đất nước Triều Tiên hiện nay, người dân nước này cũng tổ chức ăn mừng Ngày Hiến pháp vào 27/12 và mỗi dịp năm mới đến, họ lại lũ lượt tới viếng Chủ tịch Kim Nhật Thành tại nơi an nghỉ của ông ở Thủ đô Bình Nhưỡng.
5. Trung Quốc chỉ có duy nhất một múi giờ
Trải dài khoảng 5.200 km tính theo chiều rộng, Trung Quốc đủ rộng lớn để bao phủ 5 múi giờ riêng biệt (Mỹ có 4 múi giờ). Tuy nhiên, trên thực tế, nước này chỉ có một múi giờ duy nhất kể từ cuộc nội chiến Trung Quốc năm 1949. Lý do mà chính quyền Bắc Kinh kiên quyết duy trì điều này xuất phát từ quan điểm chính trị của giới lãnh đạo Trung Quốc để luôn đảm bảo cảm giác thống nhất cho người dân trong nước sau 20 năm nội chiến đẫm máu.
Tuy nhiên, điều này tạo ra một thực tế thú vị là, người Bắc Kinh sẽ đón chào bình minh đúng vào lúc 6 hsáng trong khi đó, ở các khu vực miền Tây như Tân Cương, bình minh sẽ đến muộn hơn 2 giờ đồng hồ. Dù hệ thống một múi giờ vẫn được duy trì trong cả nước, để tiện cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt, Tân Cương cũng thiết lập múi giờ không chính thức riêng trong khu vự.
6. Béo phì là điều cấm kỵ ở Nhật Bản
Nhật Bản được xem là quốc gia công nghiệp “gầy” nhất thế giới. Tại đất nước mặt trời mọc thậm chí còn có một quy tắc để ngăn người dân trong nước không được trở nên quá béo. Theo đó, đàn ông trên 40 tuổi không được phép để cho vòng eo vượt quá 85 cm. Còn phụ nữ không được có vòng eo quá 90 cm.
Lý do là, người Nhật quan niệm rất khoa học rằng, gầy khỏe mạnh hơn béo. Do đó, họ nỗ lực ăn uống khoa học giảm lượng cholesterol và chống huyết áp cao. Những người béo phì hoặc có vòng eo vượt quá quy định phải tới các trung tâm tư vấn dinh dưỡng và ăn uống theo chế độ ăn khoa học được giới chức y tế phê duyệt.
Ngoài ra, một số công ty của Nhật Bản thậm chí còn áp dụng chính sách những nhân viên nào thừa cân phải nộp tiền phạt để ngăn chặn nạn béo phì ở các quốc gia công nghiệp.
7. Dân số Trung Quốc và Ấn Độ bằng 1/3 dân số thế giới
Mọi người đều biết Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới. Chỉ tính riêng tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc đã có số dân lớn hơn tổng dân số của các quốc gia Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Guatemala, Áo, Malaysia, New Zealand, Australia và Canada cộng lại. Tuy nhiên, Tứ Xuyên chỉ là tỉnh có số dân đông thứ 4 của Trung Quốc.
Ngoài ra, châu Á còn có Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ 2 thế giới. Trên thực tế, dân số của Ấn Độ và Trung Quốc cộng lại đã lớn hơn 1/3 tổng số dân của toàn thế giới, theo số liệu năm 2012. Tuy nhiên, toàn bộ khoảng 2,5 tỷ người Ấn Độ và Trung Quốc lại chỉ sinh sống trong một khu vực có diện tích không lớn hơn diện tích nước Mỹ là bao.
8. Ném trẻ cầu may
Nghi lễ rùng mình này được cho là xuất phát từ nhiều thế kỷ trước và được truyền bá rộng rãi tại Ấn Độ, chủ yếu là trong cộng đồng những người theo đạo Hồi và đạo Hindu. Nghi lễ này có ý nghĩa mang lại cho trẻ lòng can đảm, sự may mắn và sức khỏe tốt. Theo nghi lễ này, trẻ em được ném từ đỉnh tòa tháp cao khoảng 15 m xuống. Bên dưới chân tháp, các tu sĩ chuẩn bị một tấm chăn dày đủ lớn để đỡ các em bé.
Trong khi nhiều người trên thế giới cảm thấy kinh hoàng với nghi lễ này, nhiều người dân ở các vùng nông thôn Ấn Độ vẫn rất sùng bái và duy trì nó cho tới ngày nay. Những người này khẳng định, nghi lễ này chưa bao giờ gây ra tai nạn đáng tiếc nào.
9. Dùng tay phải để ăn vì tay trái dùng để vệ sinh
Một trong những phong tục thú vị của người Ấn Độ là họ chỉ ăn bằng tay phải. Lý do xuất phát từ một thói quen lạ lùng khác ở đất nước nước này. Đó là người Ấn Độ không dùng giấy vệ sinh mà sau khi đi vệ sinh, họ sẽ dùng nước sạch và bàn tay trái để rửa ráy. Tục lệ đó có thể gây khó dễ cho nhiều khách phương Tây khi họ không được cung cấp giấy vệ sinh tại nhiều khách sạn hoặc nhà hàng ở khắp Ấn Độ. Ngoài việc ăn uống, người Ấn Độ cũng coi việc dùng tay trái để làm nhiều việc là sự xúc phạm, chẳng hạn giao tiền hoặc bắt tay.
Phương Đăng
Theo Infonet