Tối 3/4, Bộ Y tế công bố thêm 4 ca mắc Covid-19 ở Việt Nam, nâng tổng số người nhiễm lên 237. Trong đó, bệnh nhân số 237 (quốc tịch Thụy Điển) được nhận định là ca bệnh đáng lo ngại khi chưa rõ nguồn lây nhiễm và có lịch trình di chuyển phức tạp.
Khoanh vùng 101 F1 và hơn 200 F2
Chia sẻ với Zing, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhiều lần nhấn mạnh đây là ca bệnh khiến ông rất “sốt ruột, đau đầu”.
Theo người đứng đầu chính quyền Hà Nội, ngay khi nắm bắt thông tin về ca bệnh này, thành phố ngay lập tức triển khai các biện pháp khoanh vùng, cách ly. Hà Nội đã nhanh chóng xác định được 101 trường hợp F1 và hơn 200 trường hợp F2 liên quan ca bệnh này.
“Chỉ trong 5 tiếng triển khai các giải pháp, thành phố đã gấp rút xác định các trường hợp diện F1, F2, sau đó tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp này. Các ca F1 được tổ chức cách ly tại các bệnh viện và khách sạn, còn các ca F2 nhận quyết định cách ly tại nhà. Song song với đó, thành phố đã tiêu độc, khử trùng hàng loạt địa điểm và các bệnh viện mà bệnh nhân này ghé qua”, Chủ tịch Chung thông tin.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung rất tiếc khi tiếp tục có những sơ suất của cơ sở y tế khiến hàng loạt bác sĩ, điều dưỡng bị cách ly. Ảnh: Hải Nam. |
Song điều đáng buồn, theo Chủ tịch Hà Nội, chính là việc hàng loạt bác sĩ, nhân viên y tế của các bệnh viện đã thuộc diện F1 và phải cách ly vì ca bệnh này.
Cụ thể, Bệnh viện Đức Giang có 18 trường hợp F1, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương có 45 ca F1, Bệnh viện Việt Pháp có 22 ca F1, Bệnh viện E có 4 F1 và Trung tâm y tế phường Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm) cũng có 1 người diện F1 khi bế bệnh nhân này lên xe khi gặp tai nạn mà không có đồ bảo hộ.
Ngoài ra, tại một số khách sạn mà bệnh nhân này lưu trú tại phường Bồ Đề, Long Biên và quận Hai Bà Trưng cũng xác định được hơn chục trường hợp F1. “Tất cả các ca F1 này đã được lấy mẫu xét nghiệm và sẽ sớm có kết quả”, ông Chung cho biết.
Qua sự việc này, người đứng đầu chính quyền thành phố muốn nhấn mạnh đến bài học cảnh tỉnh khi các cơ quan y tế, chuyên môn vẫn còn sơ suất trong việc tiếp nhận, khám cho những bệnh nhân đáng ra phải đưa vào diện nghi ngờ, vì có yếu tố là người nước ngoài.
“Sau bài học của Bệnh viện Hồng Ngọc, đáng tiếc đến nay chuyện này lại xảy ra”, ông Chung nhấn mạnh đây là ca bệnh có nguy cơ lây nhiễm rất lớn vì di chuyển, sinh hoạt trong cộng đồng với thời gian dài. Tuy nhiên, chủ tịch thành phố cũng khẳng định Hà Nội đã triển khai rất nhanh các giải pháp để khoanh vùng ca bệnh này.
Lịch trình di chuyển phức tạp
Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân này đến Việt Nam ngày 19/12/2019, đã từng ở Hà Nội, Ninh Bình và TP.HCM.
Hà Nội đã nhanh chóng xác định các ca F1 và F2, đồng thời phun khử trùng những nơi ca bệnh 237 lưu trú. Ảnh: Việt Linh. |
Từ ngày 19/12/2019 đến 20/2/2020, bệnh nhân đến công ty TNHH dịch vụ khách sạn Minh Nguyễn tại 90 An Dương Vương thuộc phường 9, quận 5, TP.HCM.
Từ 21 đến 22/2, người này đi từ TP.HCM ra Hà Nội trên máy bay chưa rõ số hiệu rồi ở tại Tú Linh Legend ở 59 Hàng Cót, phường Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Từ 22/2 đến 20/3, bệnh nhân từ Hà Nội đi Ninh Bình nhưng chưa rõ phương tiện di chuyển, rồi lưu trú tại Khách sạn Ngọc Anh ở 36 Lương Văn Tuy (Ninh Bình).
Ngày 21/3, du khách quay về Hà Nội và ở tại Khách sạn CANARY HANOI ở số 4 Vũ Hữu Lợi, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Một ngày sau, bệnh nhân đến ở tại Khách sạn Sao có địa chỉ tại số 2, ngõ 25, Lâm Du, Bồ Đề, Long Biên.
Đến ngày 26/3, người này bị tai nạn, được chuyển đến Bệnh viện Việt Pháp bằng xe cứu thương 115. Hôm 30/3, bệnh nhân tái khám tại Bệnh viện Việt Pháp.
Ngày 1/4, du khách này vào khoa cấp cứu của Bệnh viện Đức Giang, sau đó bệnh nhân được chuyển viện đến Viện Huyết học truyền máu Trung ương. Ngày 3/4: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm dương tính với SARS-COV-2.
Không phối hợp điều tra dịch tễ, không chịu đeo khẩu trang
Kết quả điều tra dịch tễ cũng cho thấy khi bệnh nhân bị tai nạn và được đưa vào Bệnh viện Việt Pháp, bệnh nhân khai báo y tế không có tiền sử đi về từ các vùng dịch quốc tế trong vòng 14 ngày, không có biểu hiện sốt hay ho. Vì vậy, bệnh nhân được nhân viên tiếp đón đưa đi làm các thủ tục khám bệnh theo quy trình của bệnh viện.
Tại bệnh viện, bệnh nhân khám tại Khoa cấp cứu, Khoa nội hô hấp, Khoa da liễu, Khoa nội thần kinh. Bác sĩ khám chỉ đeo khẩu trang thông thường và mặc đồng phục của bệnh viện, không mặc đầy đủ phòng hộ cá nhân. Sau đó, bệnh nhân được đưa đi làm xét nghiệm máu, chụp MRI.
Người này sau đó không chi trả viện phí nên lễ tân bệnh viện đã bắt taxi cho về.
Ngày 30/3, bệnh nhân quay trở lại bệnh viện tái khám nhưng vẫn không thanh toán tiền chi phí khám chữa bệnh nên nhân viên lễ tân bệnh viện bắt taxi cho bệnh nhân đi về.
Ngày 1/4, bệnh nhân bị xuất huyết mũi, tình trạng rất mệt mỏi, được đưa đến khám tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương.
Do bệnh nhân chảy máu mũi nhiều và khó cầm, Viện Huyết học đã mời hội chẩn khoa Tai mũi họng của Bệnh viện E. Sau đó, kíp bác sĩ của Bệnh viện E đã sang làm thủ thuật nhét Merocell cầm máu (tổng cộng ekip có 4 người do 1 bác sĩ trưởng khoa thực hiện).
Sau đó 1 ngày, do bệnh nhân có yếu tố là người nước ngoài, đồng thời không phối hợp trong việc điều tra tiền sử dịch tễ, không thực hiện đeo khẩu trang tại phòng bệnh nên Viện huyết học đã chủ động đề nghị Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương đến lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19, kết quả xét nghiệm là dương tính.