Los Angeles năm 1984 đã thay đổi toàn bộ lịch sử Olympic, vì đây là thành phố đầu tiên kiếm được tiền từ hoạt động thể thao này. Mặc dù 220 USD không phải là con số lớn, nhưng đây là năm đầu tiên kể từ 1932, Olympic mang lại lợi nhuận tức thời cho thành phố chủ nhà.
Sau đó, theo ước tính, Olympic 1984 đã đóng góp cho Los Angeles 3,3 tỷ USD vào nền kinh tế sau khi sự kiện này kết thúc. Từ đó trở đi, việc làm ăn kiếm lời từ Olympic được gọi chung bằng cụm “hiệu ứng Los Angeles”. Còn trước đó, điển hình như Olympic 1976 đã gần như làm thành phố Montreal phá sản, để lại khoản nợ lên đến 1,5 tỷ USD. Mặc dù được đánh giá là một kỳ Thế vận hội thành công, Montreal hầu như không được hưởng chút lợi ích nào trên khía cạnh kinh tế. Hay kỳ Olympic 2004 cũng khiến Quebec tốn đến hai năm để trả hết nợ đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Nhưng ngày nay, quá trình chạy đua xin đăng cai tổ chức trở nên căng thẳng, do tính cạnh trạnh cao, thành phố nào cũng muốn được chọn. Họ tin rằng mình có thể biến một kỳ thế vận hội thành bàn đạp kinh tế. Nhưng trên thực tế, không nhiều thành phố có được thành công như Los Angeles, hầu hết chỉ nhận lại những khoản nợ tồn đọng không có tiền trả.
Dưới đây là danh sách 8 thành phố chi mạnh tay nhất để tổ chức Olympic, với chi phí đã được điều chỉnh theo lạm phát.
8. Seoul, Hàn Quốc 1988: 7,69 tỷ USD
Giống như các kỳ thể thao khác, rất khó để đánh giá toàn bộ tác động vào nền kinh tế từ Olympic Seoul 1988. Có số liệu cho thấy, thành phố đã kiếm được 300 triệu USD từ Thế vận hội, nhưng chưa có thống kê chi tiết nào được đưa ra để khẳng định chắc chắn. Nhưng có một điều rõ ràng là thành phố hưởng lợi rất nhiều từ những dự án kinh doanh sau Olympic. Hàn Quốc sau đó trở thành nền kinh tế lớn thứ ba châu Á.
Có một tác động vô hình khác mà Olympic tạo ra đối với Hàn Quốc: Biến nước này thành một quốc gia dân chủ. Năm 1987 đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình chính trị chống lại nhà độc tài Chun Doo-Hwan, do người dân không muốn chế độ của ông gây ra rủi ro cho Olympic. Ngay sau khi bộ máy Doo-Hwan bị lật đổ, Hàn Quốc đã tổ chức bầu cử và thành lập chế độ dân chủ trước khi Thế vận hội diễn ra.
7. Vancouver, Canada 2010: 8,33 tỷ USD
Canada không gặp nhiều may mắn với Olympic. Ngay từ đầu, Vancouver đã được coi là một lựa chọn tức cười cho Thế vận hội mùa đông, vì đây là một thành phố ấm nóng gần Đông Nam British Columbia. Vancouver triển khai các kế hoạch quy mô lớn để xây dựng những làng Olympic bằng tiền của thành phố, sau đó dự định bán các khu bất động sản sang trọng này để kiếm lời.
Chi phí xây dựng khu làng tiêu tốn khoảng 1 tỷ USD so với kinh phí ước đoán 165 triệu USD ban đầu, làm trầm trọng hơn tình hình tín dụng vốn đã yếu kém của Vancouver. Thêm vào đó, khu nhà đất này sau đó cũng không được giá như chính phủ đã dự kiến.
6. London, Anh Quốc 2012: 13,98 tỷ USD
Chi phí dự trù của London cho Olympic là 4,4 tỷ USD, con số trên thực tế nhảy vọt lên hơn 10 tỷ USD, nhưng London đã tìm được cách để thu hồi vốn từ các hợp đồng truyền hình và du lịch.
Theo Liên đoàn Olympic Anh quốc, đây là một kỳ Thế vận hội thành công. Nhưng tổ chức này không đề cập tới việc, dù London vốn là một địa điểm thu hút khách du lịch từ trước đó, thành phố vẫn chỉ hòa vốn sau khi tổ chức sự kiện. Điều này đã tạo nên mối lo ngại cho các thành phố chủ nhà nhỏ sau đó. Vào kỳ Thế vận hội 2012, Anh giành được 29 huy chương vàng, 36 huy chương bạc và đồng, đưa họ lên vị trí thứ 3 sau Trung Quốc và Mỹ.
5. Barcelona, Tây Ban Nha 1992: 15,4 tỷ USD
Barcelona lọt vào số ít các thành phố kiếm lời từ cương vị thành phố chủ nhà. Những lợi ích đạt được không ở dạng con số như Los Angeles 1984, mà là sự chuyển mình của thành phố, thành một điểm đến lý tưởng tại châu Âu những thập kỷ sau đó.
Họ đã chi nhiều tiền để sửa sang thành phố, xây mới cơ sở vật chất, bao gồm cả hai dặm đường bờ biển và một khu vực bến cảng mới sau khi giải tỏa nhiều khu phức hợp công nghiệp để lấy mặt bằng. Tỷ lệ thất nghiệp giảm một nửa trong năm chuẩn bị cho Olympic, và mặc dù bỏ ra nhiều tiền, họ cũng gom về 5 triệu USD lợi nhuận từ Thế vận hội. Thành công thực sự của Barcelona là thành phố trở thành điểm đến ưa thích của khách du lịch quốc tế sau đó.
4. Nagano, Nhật Bản 1998: 17,59 tỷ
Thế vận hội mùa đông 1998 là một cơn ác mộng về tài chính đối với Nhật Bản nói chung và Nagano nói riêng. Ủy ban Olympic Nagano đã được Phó Tổng thư ký Sumikazu Yamaguchi ra lệnh đốt hết 90 bộ hồ sơ tài chính sau khi Thế vận hội kết thúc.
Chi phí thực của Olympic đạt khoảng 17,59 tỷ USD, dù con số thật chưa bao giờ được tiết lộ. Vì các tài liệu đã bị tiêu hủy, khó có thể đưa ra con số thiệt hại chính xác, nhưng theo ước tính, Olympic đã để lại khoản nợ vào khoảng 30.000 USD/hộ gia đình của Nagano, và phải mất 17 năm để trả hết. Năm đó, Nhật Bản chỉ được 5 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 4 huy chương đồng.
3. Athens, Hy Lạp 2004: 18,22 tỷ USD
Athens Olympic 2004 là một ví dụ khác về thảm họa kinh tế giáng lên thành phố chủ nhà. Từ kinh phí dự kiến tại 6 tỷ USD, Athens đã bỏ ra gấp ba lần số đó.
Không như Barcelona, Athens không tận dụng cơ hội này để nâng cấp thành phố, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo sức hút quốc tế. Thay vào đó, 21/22 khu hạ tầng sau này trở thành các công trình hoang phế của một nền kinh tế bị tàn phá. Nhiều người đã biết đến thất bại về kinh tế của Hy Lạp thập kỷ trước, nhưng ít người biết về chi phí cắt cổ của Olympic 2004, điều góp phần làm lún sâu cuộc khủng hoảng nước này. Khả năng quản lý tiền ngân sách yếu kém trước và sau Thế vận hội đã khiến kinh tế sụp đổ, và tiêu tốn trung bình 50.000 Euro/hộ gia đình Hy Lạp.
2. Bắc Kinh, Trung Quốc 2008: 42,58 tỷ USD
Điều gì khiến Bắc Kinh lo ngại nhất khi đăng cai Olympic? Đó là chất lượng không khí. May mắn thay, thời tiết thuận lợi đã khiến không khí trở lên quang đãng, cộng với kế hoạch đóng cửa tạm thời các khu công nghiệp trước thời điểm diễn ra Thế vận hội của Chính phủ.
Mặc dù chi phí tổ chức chạm mức kỷ lục vào thời điểm đó là 42 tỷ USD, chính phủ nước này vẫn đủ sức chi trả, do nền kinh tế bùng nổ giúp họ tránh được tình trạng nợ nần. Hầu hết tiền của được đầu tư vào xây dựng cơ sở vật chất. Hạ tầng giao thông được đổi mới hoàn toàn, từ đường cao tốc, hệ thống tàu điện ngầm và cả sân bay đều núp dưới chiếc ô của “Chi phí đầu tư cho Olympic”.
Không như Athens, hầu hết các cơ sở vật chất được xây dựng từ kinh phí Olympic đều phục vụ tốt cho cả đất nước, sau khi được điều chỉnh phù hợp với từng mục đích. Bắc Kinh 2008 được đánh giá là một kỳ Olympic thành công trên mọi mặt.
1. Sochi, Nga 2014: 51 tỷ USD
Còn quá sớm để nói trước được điều gì, nhưng nhiều người cho rằng, Sochi 2014 sẽ là một thất bại của Olympic trong lịch sử, ngay cả trước khi Thế vận hội bắt đầu.
Bên cạnh những câu chuyện gây sốc về việc chính quyền giết hàng loạt chó hoang, đối xử tàn tệ với công nhân, hay cưỡng chế di dời nơi sống của người dân địa phương, nhiều cơ sở vật chất vẫn còn trong tình trạng ngổn ngang. Nhiều người không hiểu Nga tiêu vào đâu cho hết 51 tỷ USD, thậm chí tự hỏi đó có phải là con số thật hay không.
Năm 2008, Bắc Kinh công bố họ chỉ tiêu 18 tỷ USD cho Olympic, bằng với Athens, nhưng thực chất họ đã bỏ ra hơn gấp đôi số đó. Trong năm 2013, chỉ số Nhận thức tham nhũng và minh bạch quốc tế đã chấm Nga 28 điểm, với 100 là điểm số cao nhất, tương đương với mức độ hoàn toàn không có tham nhũng.
Sochi vốn nổi tiếng là một địa điểm du lịch ưa thích của Tổng thống Vladimir Putin. Nó cũng là thành phố ấm nhất của một trong những quốc gia lạnh nhất từng tổ chức Thế vận hội mùa đông. Tóm lại, Sochi đã bỏ ra một núi tiền để đầu tư vào trang thiết bị dành cho thời tiết lạnh trong một thành phố ấm áp, thêm vào đó, chi phí an ninh cũng tăng lên mức chóng mặt, do nguy cơ khủng bố rình rập.