Theo đó, tính đến tháng 8/2014, chỉ sau tám năm kể từ khi thành lập, trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu đã phát hiện và báo tin gần 400 trận động đất trên toàn lãnh thổ và thềm lục địa Việt Nam.
Các trận động đất này có độ lớn dao động trong khoảng từ 0,7 đến 4,7 độ theo thang mômen (gần tương đương từ 0,7-4,7 độ richter).
Chỉ đầu năm 2014, Việt Nam đã xảy ra 27 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 4,7 độ richter theo thang mô men, trong đó có 11 trận xảy ra ở khu vực Bắc Trà My (Quảng Nam), 9 trận tại Sơn La, 2 trận tại Điện Biên, 2 trận ở Thừa Thiên - Huế, một trận ở Lào Cai, Nghệ An và Quảng Ngãi.
Tâm chấn các trận động đất ghi nhận được không phân bố ngẫu nhiên mà tập trung vào một số đới cụ thể.
Trên lãnh thổ miền Bắc, động đất xảy ra theo các đới đứt gãy Mường La - Bắc Yên, Sơn La, Sông Mã, Sông Cả...
Quang cảnh họp báo thường kỳ đầu tiên của Viện hàn lầm khoa học và công nghệ Việt Nam. |
Ở miền Nam, động đất chủ yếu xảy ra trên thềm lục địa ngoài khơi Vũng Tàu. Độ lớn của các trận động đất nói trên không có khả năng gây thiệt hại về người và của.
Theo TS Xuân Anh, hiện trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần duy trì chế độ trực 24/24 để đảm bảo phát hiện kịp thời các hiểm họa động đất - sóng thần. Các công cụ xử lý số liệu tự động cho phép định vị động đất trong khoảng thời gian từ 3-5 phút sau khi động đất xảy ra.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện người phát ngôn của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết, sau lần đầu tiên này, các cuộc họp báo thường kỳ của đơn vị này sẽ được tổ chức định kỳ 3 tháng một lần để thông tin cho báo chí những vấn đề quan tâm thuộc lĩnh vực quản lý của viện.