Sáng 30/7, môn bơi bước vào cuộc tranh tài ở bán kết và chung kết nhiều nội dung. Các kình ngư thể hiện phong độ ấn tượng khi liên tục phá kỷ lục. Kristof Milak (Hungary) mở đầu cơn mưa kỷ lục khi phá kỷ lục Olympic tại bán kết 100 m bướm nam với thời gian 50 giây 31. Kỷ lục cũ thuộc về Joshep Schooling (Singapore) và Caeleb Dressel (Mỹ) với cùng 50 giây 39.
Tuy vậy, kỷ lục của Milak bị Dressel phá ngay sau đó, khi anh tranh tài ở bán kết 2. Kình ngư người Mỹ lập kỷ lục Olympic mới với thời gian 49 giây 71. Thành tích này của Dressel vẫn kém kỷ lục thế giới 21% giây, do anh lập tại giải vô địch thế giới 2019.
Dressel phá kỷ lục 100 m bướm nam. Ảnh: Reuters. |
Phần thi chung kết nội dung 200 m ếch nữ diễn ra gay cấn với sự đua tranh của Tatjana Schoenmaker (Nam Phi) và Lilly King (Mỹ). Chung cuộc, kình ngư người Nam Phi cán đích đầu tiên với thời gian 2 phút 18 giây 95, phá kỷ lục Olympic và kỷ lục thế giới. Kỷ lục thế giới cũ thuộc về Rikke Moller Pedersen (Đan Mạch) lập từ năm 2013 với thông số 2 phút 19 giây 11.
Evgeny Rylov trở thành niềm tự hào của Đoàn Thể thao Ủy ban Olympic Nga (ROC). Sau khi giành HCV nội dung 100 m ngửa nam, anh tiếp tục chinh phục thành công HCV 200 m ngửa. Kình ngư ROC phá kỷ lục Olympic với thời gian 1 phút 53 giây 27, tốt hơn 14% giây với kỷ lục cũ của Tyler Clary (Mỹ) lập tại London 2012.
Emma McKeon giúp tuyển bơi Australia giành tấm HCV thứ 6 tại Olympic Tokyo. Cô về nhất ở chung kết 100 m tự do nữ với thời gian 51 giây 96, phá kỷ lục Olympic của chính bản thân tại vòng loại với thông số 52 giây 13.
Nữ kình ngư Siobhan Bernadette Haughey (Hong Kong, Trung Quốc) giành HCB nội dung 100 m tự do với thành tích 52 giây 27. Thông số này của cô đã phá kỷ lục châu Á do chính mình lập nên tại vòng bán kết Olympic với thời gian 52 giây 70.
Ở chung kết 200 m hỗn hợp cá nhân nam, Wang Shun (Trung Quốc) giành tấm HCV với thời gian 1 phút 55 giây. Anh chưa thể phá kỷ lục Olympic, nhưng thông số này đã giúp kình ngư 27 tuổi phá kỷ lục châu Á.