Dự án đường Bắc Sơn - Minh Cầu (đoạn nối đường Bắc Sơn) và khu dân cư số 1 phường Hoàng Văn Thụ là dự án trọng điểm nằm trong quy hoạch phát triển đô thị mới của TP Thái Nguyên.
Được quy hoạch từ năm 1990 theo Quyết định của UBND tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên) với tên gọi quy hoạch đường Gia Bẩy - Cứu Hỏa và Phù Liễn - Minh Cầu.
Năm 1994, UBND tỉnh Bắc Thái quyết định thay đổi tên dự án thành “đường Bắc Sơn, đường Minh Cầu và việc san xây dựng hai bên theo hai tuyến trong phạm vi một lớp khu dân cư”. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nó đã không thể triển khai.
Dự án trọng điểm của Thái Nguyên trải qua hơn 20 năm vẫn chưa làm xong 1,5 km đường. |
Tới năm 2008, công ty Xây dựng và san nền Thái Nguyên chính thức được UBND tỉnh Thái Nguyên giao làm chủ đầu tư thực hiện dự án theo phương án Nhà nước thu hồi đất, giao lại cho doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông, đô thị và dân cư.
Cụ thể, đường Bắc Sơn dài 1.222,8 m từ điểm giao với đường Bắc Kạn (khu vực cầu Gia Bẩy) đến điểm cuối tại điểm giao với đường Lương Ngọc Quyến, khu vực Công an cứu hỏa.
Đường Minh Cầu (đoạn nối đường Bắc Sơn) dài 270,2 m từ điểm giao với đường Phù Liễn đến điểm giao với đường Bắc Sơn (khu vực trường Trung học cơ sở Nguyễn Du).
Tổng chiều dài của tuyến đường này là gần 1,5 km. Kinh phí được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt tại QĐ 1083 ngày 23/5/2008 là 106.152 triệu đồng.
Theo kế hoạch, dự án sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2013. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 10/2015, đường Bắc Sơn dài 1,22 km đã thi công được 0,6 km đường rải áp-phan. Hơn 600 m còn lại đang san lấp mặt bằng và rải cấp phối. Đường Minh Cầu dài 270,2 m hiện rải áp-phan được 100 m; hơn 170 m còn lại cũng đang chờ... giải phóng mặt bằng.
Như vậy, dự án mới hoàn thành được 50% theo quy hoạch ban đầu.
Tổng quỹ đất để phục vụ dự án là 16,2 ha, trong đó, đất nông nghiệp bị thu hồi là 48.215,8 m2 đất nông nghiệp của 61 hộ dân; 1.261,2 m2 đất lâm nghiệp; 48.569 m2 đất ở đô thị của 273 hộ dân; 422 m2 đất an ninh quốc phòng; 1.529 m2 đất giáo dục.
Theo ông Trần Đức Lợi, PGĐ Công ty Xây dựng và san nền Thái Nguyên (đã đổi tên thành công ty TNHH Đầu tư Thái Nguyên) - chủ đầu tư dự án, tổng mức đầu tư của dự án là 600 tỷ đồng. Hiện tại, chủ đầu tư đã chi phí khoảng 400 tỷ đồng.
Có 375 hộ dân thuộc diện tái định cư do bị thu hồi đất để phục vụ dự án.
Tuyến đường 1,5 km này được đánh giá có nhiều "kỷ lục": chậm tiến độ, nhiều phát sinh, khiếu kiện kéo dài do công tác đền bù, giải phòng mặt bằng. |
7 lần điều chỉnh quy hoạch
Trao đổi với VietNamNet, ông Đặng Viết Thuần (nguyên PCT UBND tỉnh Thái Nguyên, cũng là người trực tiếp ký nhiều QĐ liên quan đến dự án) cho biết: dự án đã 7 lần điều chỉnh quy hoạch.
Lý do của 7 lần điều chỉnh này là để giải quyết những phát sinh do khiếu kiện từ phía người dân; quỹ đất tái định cư cho các hộ bị thu hồi đất… trong quá trình triển khai.
“Hiếm có dự án nào ở Thái Nguyên lại trải qua hơn 20 năm, 8 đời bí thư, 8 đời chủ tịch tỉnh như dự án tuyến đường gần 1,5 km Bắc Sơn - Minh Cầu. Đây là dự án trọng điểm phát triển kinh tế xã hội nằm trong phường Trung tâm của TP Thái Nguyên” - ông Thuần cho biết.
Theo ông Thuần, thời điểm 2008, UBND tỉnh Thái Nguyên đã đăng thông báo mời thầu rộng rãi để các chủ đầu tư tham gia dự án. Tuy nhiên, không đơn vị nào có đủ năng lực, chỉ duy nhất công ty Xây dựng và san nền Thái Nguyên tham gia nộp hồ sơ đấu thầu.
Vì không có đơn vị thứ 2 nên nghiễm nhiên, công ty san nền được giao thầu (chỉ định thầu). Hình thức đầu tư dự án này là BOT: chủ đầu tư thi công dự án và được đối ứng bằng đất phân lô.
Lý do chậm tiến độ, theo ông Thuần, mấu chốt là quỹ đất dành cho tái định cư tại chỗ.
Trong khi hạng mục đường 1,5 km chưa làm xong, chủ đầu tư đã chia lô, phân nền hai bên để bán khiến người dân bị thu hồi đất thêm bức xúc. |
“Dự án nằm trong phường trung tâm của thành phố nên các hộ dân không ai muốn di dời sang nơi khác. Chủ đầu tư bắt buộc phải chấp nhận phương án tái định cư tại chỗ.
Trong quá trình triển khai, dự án lại phát sinh các vấn đề khác như di dời tháp truyền hình (Đài TH Thái Nguyên) vì dự án “vây” bốn xung quanh gây ảnh hưởng đến độ an toàn của công trình; các khiếu kiện kéo dài của người dân về chế độ bồi thường GPMB; việc bố trí tái định cư của dự án Nhà hát Ca múa nhạc Thái Nguyên…”.
Đại diện chủ đầu tư, PGĐ công ty TNHH Đầu tư Thái Nguyên Trần Đức Lợi cho biết: “Dự án chậm tiến độ do "mắc" 28 hộ dân chưa di dời, chưa chấp nhận phương án đền bù và tái định cư, trong đó có 12 hộ thuộc tuyến đường Bắc Sơn; 6 hộ thuộc tuyến đường Minh Cầu và 10 hộ thuộc các tuyến đường quy hoạch.
Nếu hoàn thành dự án, chủ đầu tư được nhận đối ứng 500 lô đất sau khi hoàn thành tuyến đường dài gần 1,5 km và hạ tầng khu dân cư số 1 Hoàng Văn Thụ”.
Giá tiền đền bù đối với đất thổ cư bình quân 3 triệu đồng/m2. Giá đền bù đất nông nghiệp trung bình 400.000 đồng/m2; đất lâm nghiệp là 12.000 đồng/m2.
Cũng theo ông Lợi, chủ đầu tư đã chi phí tới thời điểm hiện tại khoảng 400 tỷ. Đơn vị này cũng đã tiến hành bán đất phân lô.
Mức giá thị trường đối với đất lô hai bên đường Bắc Sơn giao dịch từ 25-30 triệu đồng/m2.
Với hình thức đầu tư theo BOT, việc bán đất phân lô của chủ đầu tư khi dự án chưa hoàn thành cũng là lý do khiến người dân khiếu kiện.